Đối diện với biến cố, vòng sinh tử, con người thường sợ hãi sẽ mất đi những thứ "của mình". Bởi vậy tác giả Ajahn Brahm cho rằng cần buông bỏ cái tôi để đạt hạnh phúc vĩnh hằng.
“Đừng đọc cuốn sách này nếu bạn muốn mình là một ai đó, bởi vì nó sẽ biến bạn thành không ai cả, một thứ vô ngã” - tác giả Ajahn Brahm viết trong lời dẫn nhập cuốn sách Hạnh phúc đến từ sự biến mất.
Phật Giáo cho rằng bản chất của con người là "vô ngã" - không có cái tôi. Trở về với bản chất “vô ngã”, con người mới đạt được trạng thái hạnh phúc vĩnh hằng. Nhưng con người cũng tồn tại “ngũ uẩn” - là những thứ ta cảm nhận, tri giác, thiên kiến. Chính “ngũ uẩn” tạo nên những thế giới quan khác nhau, từ đó tạo nên những bản ngã khác nhau. “Ngũ uẩn” nhào nặn nên số phận và tính cách, đặc điểm của từng con người.
|
Sách Hạnh phúc đến từ sự biến mất mới ra mắt. |
Có bao giờ bạn tự hỏi, nếu một người có thể hiểu được tất cả ký ức; nhìn được góc nhìn, cảm nhận được cảm xúc của tất cả người khác thì bạn sẽ là ai?
Có lẽ ta sẽ chẳng còn là "ai" cả - “vô ngã”. Phải chăng, đó là trạng thái "đắc đạo"? Vậy làm thế nào để đạt được “vô ngã”? Làm thế nào để thực sự “biến mất”, không chỉ thân tâm bên ngoài mà cả những thứ sâu xa bên trong tạo nên bản ngã - cái tôi, mầm mống của những phiền muộn dai dẳng?
Với Ajahn Brahm, chìa khóa để mở cánh cửa hạnh phúc vĩnh hằng chính là sự biến mất. Với ông, biến mất không phải là sự trốn tránh mà là khi tâm định và an ổn - bạn bắt đầu hiểu về “vô ngã” thì tự thân sẽ biết cách buông bỏ. Từ buông bỏ - “biến mất”, bạn sẽ nhận thấy sự an bình và tự do, từ đó tận diệt bể khổ.
Với Hạnh phúc đến từ sự biến mất, Ajahn Brahm không đem đến một quyển cẩm nang hay sách hướng dẫn những điều cần làm để đạt được hạnh phúc cho độc giả.
Vị tu sĩ phương Tây cũng không đưa ra chỉ dẫn từng bước hành thiền như một số cuốn sách trước của ông. Thay vào đó, Ajahn Brahm chỉ đơn giản đưa ra những lời chia sẻ, những mô tả về cách một người quay trở về với bản chất “vô ngã” của mình.
Cuốn sách gồm 11 chương, bao gồm các chương: Hướng tâm vào hiện tại, Cảm nhận sự an lạc, Chứng giác Tuệ minh sát… Ở mỗi chương, tác giả chia sẻ các vấn đề, trải nghiệm mà thiền sinh thường đối mặt trong quá trình thiền định.
Thông qua những trải nghiệm cũng như chứng ngộ của mình, tác giả không chỉ giúp các thiền sinh vượt qua những trở ngại này, mà cung cấp một tấm gương soi, lộ trình với các dấu mốc để thiền sinh lần theo, biết được mình đang đi đúng hướng theo con đường mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đi qua hơn 2.500 năm trước.
|
Tác giả, tu sĩ Ajahn Brahm. |
Ajahn Brahm là tu sĩ Phật giáo, là trụ trì của tu viện Giác Thừa (Bodhiyana), vì vậy những chiêm nghiệm của tác giả trong cuốn sách không đơn thuần là lời chia sẻ của một thiền sinh có kinh nghiệm đi trước, mà đó là những tri thức được đúc kết qua con mắt tinh tường và trí tuệ của một bậc chân tu am hiểu Phật pháp, tường tận giáo lý Phật giáo.
Trong sách, Ajahn Brahm trích nhiều điển tích, lời dạy của Đức Phật. Ông giảng giải, chia sẻ những câu chuyện về thiền định và hành trình giác ngộ từ nhiều phía một cách chân thực, đôi khi có chút hài hước.
Bên cạnh Hạnh phúc đến từ sự biến mất, Ajahn Brahm còn là tác giả của nhiều cuốn sách về Phật giáo, thiền định và chỉ dẫn tâm linh như Buông bỏ buồn buông, Mở cửa trái tim, Tâm Từ… được nhiều bạn đọc và thiền sinh đón nhận.