Kể từ khi bùng dịch vào cuối tháng 4, đến nay đã 3 tháng. Các chương trình giải trí trên truyền hình đã bắt đầu thấm đòn vì không có điều kiện sản xuất nội dung mới.
Gần như tất cả kế hoạch ghi hình, phát sóng đều phải thay đổi, thậm chí nhiều chương trình phải đổi cả nội dung và hình thức lên sóng.
Các đơn vị sản xuất nổ não ứng phó
Thông thường, các chương trình nếu không phải trực tiếp, sẽ được ghi hình trước thời gian phát sóng vài tháng, sau đó là khâu hậu kỳ.
Vì vậy, thời gian đầu khi mới áp dụng giãn cách xã hội, khán giả màn ảnh nhỏ vẫn được xem các nội dung giải trí nguyên bản, không thay đổi.
Như The Heroes lên sóng tập đầu ngày 23/5 nhưng do đã quay từ trước 27/4 nên sân khấu vẫn có thể quy tụ hàng chục người, có nhiều khán giả cổ vũ ở dưới. Nhưng giãn cách kéo dài, số lượng chương trình ghi hình gối đầu đã xài hết, các đơn vị sản xuất bắt đầu nổ não tính phương án ứng phó.
Nhanh như chớp lên sóng tập đặc biệt với phim trường là tại nhà của Trường Giang, Khả Như và Dương Lâm. Ảnh: CMH. |
Rap Việt là chương trình bị ảnh hưởng khá nặng do dịch. Sau mùa 1 thành công rực rỡ, đơn vị sản xuất lập tức bắt tay vào tuyển sinh mùa 2. Chương trình được dự kiến ghi hình vào cuối tháng 6, thế nhưng áp dụng giãn cách xã hội, lịch ghi hình dời lại đầu tháng 7. Đang chuẩn bị sản xuất, chỉ thị mới lại đẩy lịch ghi hình xuống cuối tháng 7.
Và với tình hình hiện nay, lịch quay không thể xác định thời hạn. Các thí sinh ở tỉnh xa hay ở Hà Nội, sau thời gian dài ở TP.HCM vì lịch hoãn liên tục, cũng đành xách vali khăn gói về quê chờ mọi thứ ổn định trở lại. Rap Việt đang câu giờ bằng các tập vòng casting.
Cũng dời lịch ghi hình và cả lịch lên sóng truyền hình, đó là Running Man Vietnam mùa 2. Cuối tháng 4 đầu tháng 5, chương trình vừa kịp ghi hình 3 tập thì bùng dịch. Dự kiến mùa 2 lên sóng vào tháng 7 phải dời lại đến tháng 9. Thay vào đó Running Man Vietnam mở một chiến dịch nhỏ mang tên Run From Home, mời người nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực khác như diễn viên, ca sĩ, vũ công... cũng tham gia thực hiện thử thách tập thể dục - nấu ăn tại nhà.
Tính toán ban đầu dời phát sóng trong 2 tháng, không ngờ dịch bệnh kéo dài, kế hoạch tháng 9 lên sóng giờ đây cũng không còn khả thi. Các nội dung thay thế không đủ, đơn vị sản xuất đành tạm thời mua bản quyền phát sóng Running Man phiên bản Hàn Quốc để chiếu đỡ.
Format này khá khó xoay sở vì còn liên quan đến ê-kíp sản xuất của phía đối tác đài SBS. Đây lại là chương trình với kinh phí đầu tư lớn, không thể làm qua loa đại khái, nên tạm thời không triển khai được gì.
Phóng lao phải theo lao
Nếu các chương trình chưa lên sóng phải tính kế hoãn binh, các chương trình đã phát sóng giữa chừng lâm vào cảnh phóng lao phải theo lao.
The Heroes 2021 phải thay đổi kịch bản liên tục. Theo format gốc, đây sẽ là những phần thi đấu phô diễn lực lượng với các tiết mục sôi động, quy tụ hàng chục vũ công. Nhưng sau khi lên sóng được 5 tập, với tình hình dịch bệnh không thể tụ tập đông người, chương trình đã phải thay đổi thể thức thi đấu, thay đổi chủ đề các vòng sau, đi kèm điều kiện biểu diễn phải đảm bảo an toàn theo quy định.
Các đội đều phải thay đổi tiết mục, hạn chế tối thiểu số lượng người lên sân khấu, ghi hình trong bối cảnh không có khán giả tương tác. Địa điểm và lịch ghi hình dời nhiều lần theo diễn biến của dịch bệnh suốt mấy tháng, có khi đã dựng xong toàn bộ sân khấu, âm thanh, ánh sáng… rồi đành tháo ra và bỏ đi.
Chương trình Sàn đấu vũ đạo không thể ghi hình được để nối sóng các tập trước. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tương tự, Sàn đấu vũ đạo sau 5 tập lên sóng cũng không thể tổ chức quay tiếp do đặc thù của format này là nhảy múa, cần nhiều vũ công trên sân khấu. Thay vào đó, chương trình tạm thời dành vài số trước mắt để phỏng vấn các nghệ sĩ, biên đạo, giám khảo và thêm một số thử thách nhảy múa tại nhà.
Cũng tổng kết, điểm lại các tiết mục hấp dẫn, phỏng vấn thí sinh… còn có Siêu tài năng nhí. Các chương trình như Cả nhà thương nhau, Tâm đầu ý hợp, Ca sĩ bí ẩn thì sắp xếp quay tại nhà.
Nhanh như chớp vừa lên sóng tập đặc biệt. Theo đó, chương trình chỉ có Trường Giang làm MC và khách mời chỉ vỏn vẹn 2 nghệ sĩ là Dương Lâm, Khả Như. Đây là tập được thực hiện tại nhà của từng nghệ sĩ thông qua hình thức kết nối video call và được quay lại bằng dụng cụ ghi hình.
Chia sẻ với Zing, đại diện truyền thông của một đơn vị sản xuất có tiếng cho biết việc ghi hình tại nhà là chẳng đặng đừng phải làm để có chương trình lấp sóng, chứ thực tế rất khó khăn.
Set up âm thanh, ánh sáng đều rất rắc rối và khó đạt quy chuẩn như tại phim trường. Những chương trình do nghệ sĩ tự làm ở nhà còn bớt khó khăn vì ít nhiều nghệ sĩ cũng có kinh nghiệm livestream. Nhưng với các chương trình mà thành phần người chơi, người tham gia là những người bình thường, họ không có kinh nghiệm ghi hình, phần điều phối sản xuất cũng như dựng hậu kỳ rất vất vả.
Nhiều game show không thể ghi hình mùa dịch, phải dời lại tới cuối năm. Ảnh: NSX. |
Nghệ sĩ bị động, khán giả thiệt thòi
Ca sĩ Pha Lê chia sẻ quá trình đi quay mùa dịch, với xe đưa đón riêng, test Covid -19 trước khi vào phim trường và ghi hình chỉ một mình tự biên tự diễn.
Thực tế không chỉ Pha Lê mà tất cả nghệ sĩ khi ghi hình hiện nay đều như vậy. Tự trang điểm, làm tóc, tự chuẩn bị mọi thứ trước khi lên sóng, việc hạn chế nhân sự là bắt buộc nên nghệ sĩ không thể có nhiều người hỗ trợ như bình thường.
Không thể xuất hiện chỉn chu nhất trước công chúng, không thể mang đến các tiết mục biểu diễn, thi đấu hấp dẫn nhất, nhiều nghệ sĩ cảm thấy tiếc nuối.
Trám sóng, cầm chừng, một vài tuần thì đành, nhưng kéo dài, đúng là các đơn vị sản xuất chật vật, khán giả cũng thiệt thòi. Sức khoẻ tinh thần cũng rất quan trọng trong mùa dịch.
Khán giả trong những ngày cách ly xã hội rất cần những chương trình giải trí thật hấp dẫn, mang lại thông điệp tươi vui, lạc quan.