Cơn sốt
Khi anh thợ cắt tóc Zhang Liang bắt đầu bước chân vào thị trường chứng khoán Trung Quốc hồi tháng 3, mọi việc đều diễn ra thuận lợi.
Làm việc trong một tiệm cắt tóc ở Bắc Kinh, Liang kiếm được kha khá tiền và đã tiết kiệm được 200.000 nhân dân tệ (khoảng 32.000 đôla), bằng một nửa số tiền có thể mua một chiếc ôtô Ford Mustang mới.
Liang rất muốn dùng tiền để đầu tư, nhưng giống như nhiều người dân khác, anh không thấy có nhiều lựa chọn. Tháng 5 vừa rồi, anh quyết định dùng toàn bộ số tiền dành dụm để chơi chứng khoán, với hy vọng sẽ được lợi nhuận gấp đôi, đủ để lái chiếc Mustang mơ ước.
Liang chẳng có chút kiến thức nào về chứng khoán, thậm chí không biết mình đang mua bán cái gì. Anh mua cổ phiếu các công ty niêm yết trên sàn theo cách của riêng mình: Chọn công ty nào tên gọi có vẻ mang lại may mắn, hay công ty nào của nhà nước. Chỉ trong vòng một tháng, khoản tiền đầu tư của anh đã tăng lên gấp đôi.
“Tôi rất mừng và đã cám ơn Đảng, Nhà nước cho tôi 50.000 nhân dân tệ (khoảng 8.000 đôla Mỹ), Liang nói với Washington Post. “Kiếm tiền trên thị trường chứng khoán thật dễ dàng”, anh nói.
Và rồi thị trường chứng khoán lao dốc.
Đối với hàng triệu người dân Trung Quốc bị “mắc kẹt” trong cơn sốt chứng khoán mùa xuân vừa qua, những giấc mơ làm giàu một cách dễ dàng đã trở thành ác mộng. Sự tụt dốc của thị trường chứng khoán đã làm gia tăng hoài nghi về khả năng quản lý kinh tế của chính phủ, và thổi bùng những suy nghĩ về sự bất bình đẳng cơ hội ở Trung Quốc.
“Người dân thường luôn trở thành vật tế thần khi thảm họa xảy ra”, Liang chua chát nói.
Cổ phiếu trên thị trường tăng giá một phần do sự hưng phấn của những nhà đầu tư lần đầu, như Liang. Họ muốn tận dụng cơ hội của thị trường chứng khoán tăng mạnh (bull market), mà nhà nước hứa hẹn.
“Chẳng bao lâu, tôi cũng có cảm nhận được một chút rủi ro, bởi vì tất cả mọi người xung quanh tôi đều đang đầu tư chứng khoán. Tôi tự hỏi liệu có nên rút lui hay không. Nhưng các phương tiện truyền thông khi đó đều đưa toàn tin tức tốt, khiến tất cả mọi người rất lạc quan về thị trường”, anh kể với Washington Post.
Các nhà đầu tư trước màn hình thông tin chứng khoán cuối tháng 8 ở một công ty môi giới tại Fuyuang, tỉnh An Huy, Trung Quốc. |
Được báo chí nhà nước ủng hộ, thị trường chứng khoán Trung Quốc dường như đẩy lên tận mây xanh. Nhưng rồi vào tháng 6, thị trường chao đảo và bắt đầu sụp đổ, mà không có bất kỳ một lời cảnh báo nào.
Khi biết được điều đó, đã quá muộn để Liang rút khỏi thị trường. “Tôi đã quá tham lam”, anh thừa nhận một cách buồn bã. “Tôi giống như một con bạc, khao khát tột độ để tăng gấp đôi tiền của mình”.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm hơn 40% kể từ đỉnh điểm hồi tháng 6, xóa tan toàn bộ những thành tựu đạt được từ đầu năm đến giờ. Hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người chen chân vào cuộc đua năm nay, đang phải hứng chịu tổn thất nặng nề.
Liang vẫn để hình ảnh chiếc xe Mustang mơ ước trên điện thoại của mình. Nhưng với toàn bộ số tiền đầu tư đang “mắc kẹt” trên thị trường chứng khoán, anh cho biết giờ “không mua nổi một bánh xe”.
Mặc dù tự trách mình tham lam, nhưng Liang không giấu nổi một chút cay đắng và cho rằng “mâu thuẫn chính sách” của chính phủ cũng góp phần gây ra cú trượt ngã của thị trường. “Chính phủ phải trả cho sai lầm của mình”, anh nói. “Nhưng làm thế nào nhà cầm quyền có thể thừa nhận sai lầm?”.
Vai trò của báo chí
Vào tháng 4, tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng một bài bình luận tuyên bố chỉ số Thượng Hải đạt mức 4.000 điểm mới chỉ là “sự khởi đầu của thị trường tăng giá”.
Nhưng tuần trước, khi thị trường giảm điểm xuống còn 3.000, báo chí hoàn toàn im lặng. Các trang đầu của Nhân dân nhật báo đưa toàn tin tức về cuộc họp của các lãnh đạo cao cấp bàn về vấn đề... Tây Tạng.
Báo này có đăng tin về quyết định của chính phủ cho phép các quỹ hưu trí được sử dụng để mua cổ phiếu, và quyết định giảm lãi suất của ngân hàng trung ương. Nhưng hầu như các báo đều im lặng về tình trạng hỗn loạn bao trùm thị trường.
Bản tin tối quan trọng của Truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng hoàn toàn phớt lờ tin chứng khoán, khi giá cổ phiếu trên sàn Thượng Hải giảm tổng cộng 16% vào thứ Hai, thứ Ba tuần trước.
Thế nhưng vào thứ Tư, khi thị trường nhúc nhích tăng 0,8% trong phiên giao dịch buổi sáng, thì Nhân dân nhật báo đã hồ hởi thông báo về một “sự tăng điểm mạnh”.
Khi thị trường bắt đầu giảm, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực cứu giá cổ phiếu. Họ thành lập một quỹ 400 tỷ đôla để mua cổ phiếu và yêu cầu các nhà đầu tư lớn không bán cổ phiếu. Chính quyền đồng thời phát động một cuộc điều tra hình sự vào những người được cho là “bán khống” một cách ác ý trên thị trường.
Nhưng các chiến thuật trên không có tác dụng. Giữa tháng 8, thị trường lại lao dốc mạnh một lần nữa.
Washington Post dẫn ý kiến của các chuyên gia tài chính nhận định, bàn tay can thiệp mạnh của chính phủ nhằm vực dậy thị trường chỉ gieo thêm nghi ngờ vào tâm trí người dân: liệu chính phủ đã mất kiểm soát tình hình? Hoặc cơn hoảng loạn vừa qua là do suy thoái kinh tế tồi tệ hơn nhiều người dự đoán?
Trong một động thái mới nhất, đầu tuần này, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát một đoạn băng cáo buộc Wang Xiaolu, phóng viên tạp chí kinh tế tài chính uy tín của Trung Quốc - Caijing, gây ra sự hỗn loạn và hoảng loạn trên thị trường.
Trong đoạn phim, Wang mệt mỏi thừa nhận, ông thu thập các thông tin về điều hành chứng khoán của Trung Quốc “thông qua kênh cá nhân” và đưa vào “những nhận định của riêng mình” để viết thành các bài báo.
“Trong thời điểm nhạy cảm như thế này, tôi không nên công bố những thông tin có tác động tiêu cực như vậy”, ông nói.
Tân Hoa Xã đưa tin, Wang là một trong 197 người vừa bị chính quyền trừng phạt vì phát tán tin đồn trên mạng, liên quan tới thị trường chứng khoán và những tin khác.
Kể từ khi thị trường chứng khoán sụp đổ, Chính phủ Trung Quốc đã đổ lỗi cho “thế lực thù địch”, những kẻ “bán khống ác ý”, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ... là những đối tượng gây bất ổn trên thị trường chứng khoán của họ. Và giờ đây có thêm cả báo chí.
Trong một bản tin ngày 20/7 trên tờ Caijing, ông Wang đã viết rằng Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) định rút các quỹ nhà nước khỏi thị trường chứng khoán. CSRC lập tức bác bỏ việc này, gọi đó là những thông tin “vô trách nhiệm.” Wang bị bắt giam vì truyền bá “thông tin sai”.
Trở lại trường hợp của Liang, “Tôi vừa nhận được một cuộc gọi từ bạn bè, khuyên nên bán cổ phiếu để cắt lỗ”, Liang kể với Washington Post. “Tôi sẽ làm điều đó. Bạn bè giờ đây là nguồn duy nhất tôi có thể tin tưởng”, anh nói, có ý thất vọng vì những tin tức mình đã nghe trên báo chí.