Theo báo cáo gần đây của cảnh sát Mỹ, số lượng các vụ bắn nhầm dân thường có dấu hiệu tăng đột ngột. Lý do đưa ra là bởi họ “xác định nhầm” các đồ vật vô hại trong tay người dân như điện thoại, điều khiển, sách vở… là súng.
Giới thiệu trên trang chủ của Dextro. Ảnh: Dextro.
|
Từ đây, trí thông minh nhân tạo (AI) Dextro ra đời với mục đích rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của những con người “thực thi công lý”.
Nguồn cơ sở dữ liệu khổng lồ
Về cơ bản, Dextro là một công cụ phân tích giúp nhận diện các đồ vật xuất hiện trong video. Được phát triển lần đầu vào năm 2014, Dextro có khả năng quét nhanh và xác định các vật thể mà người dùng đang tìm kiếm như sách, giày, chữ viết hoặc thậm chí là súng. AI này cũng có thể nhận biết các hành động cơ bản như bắt tay, đấm, đá…
Một khi đã xác định được các vật thể hoặc chuyển động, Dextro sẽ ngay lập tức thiết lập các thông số về thời gian, tần suất xuất hiện của vật/chuyển động và tự động biên tập lại một cách chính xác. Việc này giúp cảnh sát rút ngắn thời gian kiểm tra thủ công máy quay trước đây.
Marcus Womack - phó chủ tịch điều hành của Taser chia sẻ: “Trước khi công bố các đoạn phim trên camera giám sát, cảnh sát buộc phải làm mờ khuôn mặt và hình xăm (nếu có), đồng thời chỉnh sửa giọng nói để bảo vệ danh tính của những người xuất hiện trong video”.
Ngoài ra, Dextro còn được sử dụng để làm tài liệu huấn luyện về nghiệp vụ cũng như đạo đức trong các khóa học của cơ quan an ninh.
Tuy nhiên, theo Jay Stanley - nhà phân tích chính sách cao cấp của Liên đoàn tự do Dân sự Mỹ (ACLU), nếu không cẩn thận Dextro rất dễ bị lạm dụng trở thành công cụ giám sát, ảnh hưởng đến sự riêng tư của người dân.
Nhiều người tự hỏi, các công cụ mà cảnh sát sử dụng có thể thông minh hơn, song liệu chúng có thực sự khiến cuộc sống của người dân trở nên an toàn hơn?
Đây không phải lần đầu người dân mất niềm tin vào các cơ quan an ninh. Còn nhớ, việc cảnh sát bắn chết Alton Sterling - một người đàn ông Mỹ, gốc Phi, 37 tuổi vào ngày 5/7/2016 tại Baton Rouge, Louisiana đã gây ra làn sóng phẫn nộ vì lời giải trình của những người trong cuộc. Họ khẳng định, cả hai chiếc máy ảnh giám sát đều “chẳng may bị rơi”, khiến việc ghi lại cuộc đụng độ đẫm máu gặp khó khăn.
Hàng loạt các cuộc biểu tình nổ ra sau cái chết của Sterling. Ảnh: The Advertiser.
|
Tương lai của cảnh sát bán cơ khí
Hầu hết người ủng hộ việc áp dụng Dextro là những người da màu - nạn nhân của nạn phân biệt sắc tộc. Thế nhưng, không một ai lường trước được những hiệu ứng hay hệ lụy kéo theo khi AI này đi vào thực tế.
Hiện nay, cảnh sát vốn đã được trang bị những công nghệ hàng đầu như: máy bay không người lái, Stingray – do thám điện thoại di động, cơ sở dữ liệu biển số xe, thẻ căn cước… Quyền lực của cảnh sát sau khi sở hữu Dextro là không thể tưởng tượng được.
Hình ảnh đáng sợ của cảnh sát khi được trang bị công nghệ cao. Ảnh: Pinterest.
|
Tiến sĩ Alvaro Bedoya, Giám đốc điều hành Trung tâm Bảo mật và Công nghệ Georgetown Law nhận định: “Điều người dân cần là sự giải trình trách nhiệm chứ không phải là một công cụ giám sát”.
Bedoya là đồng tác giả của một báo cáo mang tính bước ngoặt về nhận diện khuôn mặt và công nghệ an ninh, trong đó tiết lộ: một nửa số người trưởng thành ở Mỹ hiện có tên trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát.
Bất chấp các ý kiến phản đối, công việc kinh doanh của Taser vẫn đang tiến triển thuận lợi với khách hàng là các sở cảnh sát trên toàn quốc như: Los Angeles, Las Vegas, Atlanta, Minneapolis, Chicago...
Suy cho cùng, công cụ vẫn chỉ là công cụ. An ninh thế giới đang ở trong giai đoạn vô cùng phức tạp. Việc một công nghệ xuất hiện với khả năng gia tăng sự minh bạch là cần thiết, song ranh giới giữa sử dụng và lạm dụng rất mong manh. Nó phụ thuộc phần lớn vào người dùng cùng những quy định của pháp luật trong thời điểm hiện tại.