Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới với hàng trăm tỷ USD rót vào khắp các châu lục. Dù vậy, nhiều nước trên thế giới đang ngày càng quan ngại về dòng vốn từ cường quốc châu Á này.
Việc các công ty Trung Quốc, đặc biệt là doanh nghiệp quốc doanh, ồ ạt vung tiền thâu tóm khắp thế giới làm đấy lên quan ngại về việc nước này sẽ tiếp cận được các công nghệ tiên tiến và sở hữu trí tuệ bằng các mua lại những công ty Mỹ, Nhật hoặc châu Âu.
Một số trường hợp, đặc biệt là những nước nhỏ ở châu Âu hoặc quốc gia kém phát triển hơn, lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các thương vụ đầu tư để thâu tóm ảnh hưởng nhằm theo đuổi các lợi ích chiến lược lớn hơn.
Châu Âu
Tàu chở hàng từ Trung Quốc tới châu Âu ra mắt vào tháng 11/2017 - Ảnh: Independent. |
Năm 2017, Đức siết chặt quy định về đầu tư nước ngoài vào nước này, cho phép chính phủ có thẩm quyền lớn hơn trong việc ngăn chặn các vụ thâu tóm. Theo đó, một một đạo luật được thông qua, yêu cầu xem xét ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của các thương vụ đầu tư có vốn nước ngoài chiếm hơn 25%.
Dù từ lâu là quốc gia rất cởi mở với vốn đầu tư Trung Quốc, Đức mới đây quyết định chặn thương vụ thâu tóm công ty sản xuất máy công cụ Đức Leifeld của công ty Trung Quốc Yantai. Berlin đặt ra các vấn đề về an ninh quốc gia liên quan tới thương vụ này bởi các sản phẩm của Leifeld được sử dụng trong các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và hạt nhân của Đức. Việc chặn vụ thâu tóm Leifeld là lần đầu tiên quy định mới trên được đưa vào sử dụng.
Mới đây, Anh - quốc gia vốn cởi mở với đầu tư nước ngoài, bắt đầu mở rộng phạm vi của các thương vụ đầu tư mà chính phủ sẽ rà soát để đảm bảo an ninh quốc gia.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đã đề xuất một khung pháp lý trên toàn châu Âu để giám sát nguồn vốn từ nước ngoài.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hầu hết chính phủ này đều phải hành động hết sức cẩn trọng bởi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là một thị trường xuất khẩu quan trọng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một nguồn vốn quan trọng cũng như tạo việc làm.
Tại châu Âu có sự phân hoá lớn trong việc đón dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Trong khi Đức, Pháp và Italy thúc đẩy cơ chế sàng lọc đầu tư khắp châu Âu thì Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Síp lại phản đối, cho rằng việc đó sẽ cản trở khả năng thu hút nguồn vốn mà các nước này đang cần.
Mỹ
Ảnh: RT. |
Hồi tháng 7, Mỹ cũng cân nhắc kế hoạch hạn chế đầu tư Trung Quốc vào nước này do những quan ngại rằng các công ty Trung Quốc, gồm nhiều doanh nghiệp quốc doanh, có thể thâu tóm các công ty công nghệ cao của Mỹ vì mục đích quân sự.
Một trong những vụ đáng chú ý nhất là việc Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh cấm mọi hợp tác của ZTE - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ 2 Trung Quốc - đối với công nghệ tại Mỹ. Lệnh cấm có thời hạn 7 năm, theo đó các công ty Mỹ không thể mua bán phần cứng, phần mềm với ZTE.
Lệnh cấm suýt đẩy ZTE xuống vực phá sản được dỡ bỏ vào đầu tháng 7 sau khi ZTE nộp khoản phạt 400 triệu USD, bất chấp phản đối của Quốc hội Mỹ - vốn khăng khăng việc mua bán công nghệ Mỹ với công ty này gây đe doạ tới an ninh quốc gia.
ZTE suýt phá sản sau khi bị Mỹ ra lệnh cấm - Ảnh: Shutterstock. |
Hồi tháng 1, cũng vì vấn đề an ninh quốc gia, Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) cũng chặn đứng thương vụ Ant Financial – công ty tài chính của Tập đoàn Alibaba muốn thâu tóm công ty chuyển tiền Moneygram của Mỹ với giá 1,2 tỷ USD.
Vào tháng 3, tổng thống Mỹ Donald Trump ra chỉ thị ngăn chặn cuộc sáp nhập giữa công ty sản xuất chip điện tử Qualcomm và tập đoàn Broadcom vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia. Thương vụ này trị giá tới 117 tỷ USD.
Dù Broadcom là tập đoàn có trụ sở tại Singapore, Trung Quốc mới là mối lo ngại lớn nhất của ông Trump. Ông cho rằng việc Qualcomm sáp nhập vào Broadcom đồng nghĩa những tính năng ưu việt của tập đoàn này sẽ bị san sẻ trong giới công nghệ chip điện tử, từ đó cho phép Trung Quốc sản xuất ra những công nghệ cạnh tranh.
Mới đây, ông Trump cũng ký một bản cập nhật pháp lý cho CFIUS, mở rộng phạm vi quản lý của cơ quan này đối với cả những khoản đầu tư nhỏ và thụ động trong ba lĩnh vực gồm công nghệ, cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp xử lý cá nhân dữ liệu. Động thái này được cho là nhằm ngăn cản các công ty Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Mỹ để gia tăng sức mạnh công nghệ.
Châu Á
Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào châu Á vài năm trở lại đây - Ảnh: Sputnik International. |
Nằm trong sáng kiến Vành đai Con đường, Trung Quốc ồ ạt đầu hàng trăm tỷ USD vào các dự án khắp châu Á. Các khoản đầu tư của Trung Quốc thường đi kèm những điều kiện nguy hiểm như lãi suất cao, đảm bảo nhập khẩu từ các công ty Trung Quốc và nhập khẩu nhân công.
Lo sợ sập bẫy nợ cũng như sự hiện diện ngày càng lớn của các công ty Trung Quốc trong kinh tế và quân sự khiến nhiều nước châu Á bắt đầu rà soát lại các dự án đầu tư của nước này.
Mới đây, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc và hai đường ống dẫn năng lượng trị giá 22 tỷ USD với Trung Quốc sau khi cân nhắc vấn đề nợ công và ngân sách hiện tại.
Đầu tháng này, Myanmar quyết định cắt giảm quy mô dự án cảng nước sâu Kyauk Pyu ở bờ biển phía tây nước này với khoản vay từ Trung Quốc do lo ngại không có khả năng trả nợ. Các quan chức và cố vấn nước này cho biết dự án trên, có kinh phí ước tính ban đầu là 7,3 tỷ USD, đã vấp phải nhiều lời cảnh báo sau khi hàng loạt dự án do Trung Quốc đầu tư đều gặp vấn đề ở Sri Lanka và Pakistan.
Tại Sri Lanka, nguồn vốn ồ ạt từ Trung Quốc đã mang đến cho quốc gia này khoản nợ khổng lồ. Mỗi năm, nước này phải trả lãi tới 11 tỷ USD cho số nợ trên, vừa bằng số tiền thuế thu được. Do đó, chính phủ Sri Lanka đã buộc phải trao quyền kiểm soát một số dự án cho người Trung Quốc.
Châu Phi
Nhiều quốc gia châu Phi lo "sập bẫy" nợ với các khoản cho vay ưu đãi từ Trung Quốc - Ảnh: Borgen Magazine. |
Vài năm trở lại đây, châu Phi trở thành thị trường đầu tư hút vốn mạnh từ Trung Quốc với hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng gồm hải cảng, đường bộ, đường sắt, đập thuỷ điện, mạng viễn thông, mạng lưới điện, sân bay; sản xuất công nghiệp; khai thác khoáng sản...
Sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Phi làm gia tăng quan ngại về gánh nặng nợ nần tại châu lục này.
Theo Viện Brookings của Mỹ, tính tới năm 2017, Trung Quốc nắm giữ ít nhất 14% nợ công của châu Phi. Từ năm 2000, Trung Quốc đã cho các chính phủ và doanh nghiệp quốc doanh tại châu lục này vay hơn 100 tỷ USD.
Vài năm gần đây, chiến lược đầu tư tại châu Phi của Trung Quốc thay đổi. Theo đó, thay vì tập trung khai thác tài nguyên, nước này chuyển sang xây dựng và tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và cho các chính phủ vay nợ.
Một số nước châu Phi đang có nợ công lên tới 100 – 200% GDP do các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng 1/3 quốc gia tại châu Phi không thể hoặc khó trả nợ.
Bên cạnh hiệu quả đầu tư của Trung Quốc chưa đủ lớn, nhiều yếu tố chính trị, quốc phòng đã nảy sinh khiến không ít quốc gia châu Phi đang lập rào cản với làn sóng đầu tư từ Trung Quốc.
Chính phủ Cộng hoà Dân chủ Congo đã quyết định tăng thuế và buộc các công ty nước ngoài chuyển giao bớt cổ phần cho doanh nghiệp nội. Trong khi đó, chính phủ Zambia chuẩn bị truy thu thuế với các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực khai thác đồng và mangan.
Tại Nam Phi, chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp chủ động nhằm quản lý tài nguyên, trong đó có việc tăng tỷ lệ công ty nội trong lĩnh vực khai khoáng, từ đó làm giảm vai trò của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Chính phủ Tanzania cũng mới ban hành đạo luật yêu cầu doanh nghiệp nội phải sở hữu ít nhất 5% cổ phần trong các công ty khai khoáng nước ngoài.