Tổng thống Philippines Benigno Aquino (trái) được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tiếp đón tại Tokyo ngày 4/6. Hành động hung hăng của Trung Quốc đã làm thúc đẩy nhanh chóng những liên kết chặt chẽ hơn giữa các đối tác trong khu vực. Ảnh: Reuters. |
Dù thanh minh rằng “đây chẳng phải do sức ép từ bên ngoài”, tờ China Daily khi đưa tin cũng thừa nhận “việc xây dựng của Trung Quốc trên một số hòn đảo của mình đã thu hút sự chú ý của các nước trong khu vực và của Mỹ”.
Loan báo về kế hoạch của Trung Quốc không góp phần giảm căng thẳng, không hỗ trợ cho các giải pháp ngoại giao và hòa bình, và cũng chẳng củng cố được yêu sách tranh chấp chủ quyền trên biển của Trung Quốc
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ
Một phó viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế của Trung Quốc là Nguyễn Tông Trạch bổ sung rằng “loan báo này là một dấu hiệu minh bạch của Bắc Kinh vốn hành động theo một lịch trình” tức đúng theo kế hoạch xây dựng, nay đã hoàn tất công đoạn bồi đắp.
Để kết thúc loan báo, China Daily cũng vẫn giữ giọng cứng rắn cố hữu: “Ông Vương Hiểu Bằng, nghiên cứu các vấn đề biên giới tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, phát biểu: Trung Quốc vẫn duy trì nhịp điệu bảo vệ chủ quyền của mình trên biển Nam Hải (tức Biển Đông) và rằng chủ quyền đó không thể bị bẻ gãy bởi bất cứ nước nào hay sức mạnh nào”.
Tại sao Bắc Kinh lại loan báo chuyện hoàn tất công đoạn bồi đắp và nhắc đến “sức ép của bên ngoài”? Rõ ràng đã có một chuỗi phản ứng quốc tế, đặc biệt truyền hình CNN của Mỹ tung hê bằng chứng Trung Quốc “làm luật” trên Biển Đông. Bắc Kinh cũng thừa nhận việc Mỹ phản ứng về vụ này và tuần trước, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, tướng Phạm Trường Long, đã phải sang Mỹ để giải thích về việc bồi đắp này...
Tất nhiên, Bắc Kinh không chỉ ghi nhận phản ứng của Mỹ, mà còn phải ghi nhận phản ứng của các nước trong khu vực bởi đã có chuỗi phản ứng chung đó. Đúng theo lý thuyết “Năm hình thái giải quyết xung đột” của Ralph H. Kilmann và Kenneth W. Thomas, nếu chiều đối phương, kể cả chấp nhận thua thiệt, nhằm bảo toàn các mối quan hệ tương lai với bên kia hay né tránh, chờ đến lúc xung đột tự “xẹp” đều là hạ sách do lẽ sự “xẹp đi” đó không lâu dài.
Các nước đã không chiều ý Bắc Kinh hay né tránh... Và lần này hình thành một hợp lực, mạnh mẽ hơn đó là tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7 và mới nhất là Bộ Ngoại giao Malaysia không chấp nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Có thể thấy khu vực Đông Nam Á và thế giới của năm 2015 đã không khoanh tay như châu Âu và thế giới của thập niên 1930 trước những hành động khởi động chiến tranh của Hitler, bắt đầu là việc xâm chiếm Ba Lan vào tháng 9/1939.
Vấn đề là nếu mỗi nước trong khu vực, vì lý do này hay lý do khác, đã không phản ứng thì đã chẳng có một chuỗi phản ứng tập thể đó. Việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trên Biển Đông đã bị các nước trong khu vực và thế giới cảm nhận là đã vượt qua lằn ranh của sự sống còn trên Biển Đông đối với từng nước.
Tới đây, trong tương lai gần và trung hạn, liệu Trung Quốc có sẽ “không nhắm vào bất cứ nước nào khác và cũng chẳng tác động gì đến sự tự do hàng hải và hàng không của các nước, đúng với luật quốc tế trên Biển Đông”, như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng đã tuyên bố, lại là chuyên khác.
Nếu được như thế thì cũng đúng theo lý thuyết “Năm hình thái giải quyết xung đột” nêu trên nghĩa là các bên cùng ngồi lại với nhau để tìm một giải pháp mà các bên cùng có lợi, hoặc các bên phải nhượng bộ nhau, bớt áp đặt, tăng hợp tác, chịu thiệt thòi như nhau để tránh một vụ “ăn thua đủ”, một mất, một còn.
Vấn đề là mỗi nước trong cuộc có tự nhìn và thấy lợi ích quốc gia dân tộc cũng như sức nặng của phản ứng thế giới là như thế nào để đừng rơi vào các chọn lựa “chiều ý” hay “né tránh”, như việc Malaysia nay cũng phải lên tiếng phản đối “đường lưỡi bò”...