Trong bối cảnh cả thế giới mở cửa để tìm kiếm sự hợp tác, Apple không thể đi một mình một con đường. Tin vui nhất trong ngày hôm qua tại sân khấu WWDC không phải việc hãng cho ra mắt iOS 9 hay đổi tên gọi OS X thành macOS mà chính là quyết định “mở” một số dịch vụ cốt lõi gồm Maps, Siri và iMessage.
Đối với Apple, đây là cơ hội lớn để xây dựng những ngành kinh doanh xung quanh Siri và iMessage, biến chúng thành những nền tảng mở thực sự, thay vì đơn thuần là các ứng dụng di động như hiện nay.
Sẽ có hàng loạt thay đổi về phần mềm trên các sản phẩm Apple. Ảnh: iMore. |
Bắt đầu bằng Siri, tin đồn về việc Apple cởi trói cho nền tảng này đã xuất hiện cách đây khá lâu. Apple lần đầu tiên giới thiệu Siri cách đây 5 năm. Thời điểm đó, nó là kẻ đứng đầu, chưa có bất cứ đối thủ trực tiếp nào. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Apple đã lãng phí thời gian. Siri không phát triển nhiều kể từ đó và dần bị các đối thủ qua mặt. Có thể kể đến nền tảng mở Echo của Amazon, với khả năng tích hợp hơn 1.000 dịch vụ từ bên thứ 3 ra mắt năm ngoái.
The Verge gọi Siri là “thứ bất động sản giá trị nhất thế giới”. Nó có mặt trên tất cả 5 sản phẩm phần cứng chủ chốt của Apple là di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng, laptop và TV. Android có thể sở hữu thị phần lớn hơn nhưng người dùng Apple có xu hướng chi tiền lớn hơn gấp nhiều lần.
Nếu Apple đưa ra các phương thức giao dịch đơn giản hơn trên Siri, so với ứng dụng truyền thống – chẳng hạn đặt xe, mua vé xem phim hoặc đặt chỗ tại nhà hàng – gần như chắc chắn nó sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Maps là một con ngỗng vàng tiềm năng khác của Apple. Theo thống kê, nó được sử dụng nhiều hơn cả Google Maps. Truy vấn vị trí thường đi kèm với các quyết định mua hàng, khi người dùng thường tìm các địa chỉ như quán café, địa điểm ăn uống hoặc các nơi nghỉ dưỡng. Việc cho phép các bên thứ 3 cung cấp dữ liệu của họ trên Maps có thể giúp Apple bắt kịp Google gần như ngay lập tức, ngay cả khi họ chậm hơn đối thủ cả một thập kỷ.
Trong buổi khai mạc WWDC, Apple giới thiệu hàng loạt tính năng mới cho iMessage. Tuy nhiên, hãng chỉ cập nhật phần mềm của mình 1 lần/năm. Nếu muốn tìm kiếm những thay đổi liên tục, họ phải nhờ đến các bên thứ 3. Giống với các dịch vụ khác, hãng hoàn toàn có thể đưa những giao dịch phức tạp hơn lên iMessage, biến nó thành một nền tảng di động, cho phép người dùng trò chuyện, chơi game và mua sắm.
Một trong những mối nguy của việc mở cửa là các ứng dụng của bên thứ 3 có thể đánh bay ứng dụng gốc của Apple, kéo xa người dùng ra khỏi hệ sinh thái iOS. Tuy nhiên, triết lý của Apple về kiểm soát các chức năng cốt lõi đã có thay đổi. Một trong những thay đổi đáng chú ý là việc hãng cho phép người dùng gỡ bỏ các ứng dụng cài đặt sẵn trên iPhone. Đó là một phép đánh cược của Táo khuyết.
Nếu họ tìm ra cách hiệu quả để thu phí từ các giao dịch thông qua Siri, Maps hay iMessage, giống với các thu được tiền từ App Store trước đây thì sự thành công của các đối thủ càng khiến họ vui mừng bởi tiền từ ngân hàng sẽ tiếp tục đổ vào túi Apple.