Screenshot là một tính năng đã quá quen thuộc. Công cụ này có những ưu, nhược điểm mà người sử dụng nên lưu ý để bảo vệ bản thân và tôn trọng người khác.
Điểm chính:
- Screenshot (ảnh chụp màn hình) giúp bạn chia sẻ điều mình thấy trên màn hình với người khác.
- Đây là cách truyền đạt hiệu quả trên môi trường số.
- Người chụp ảnh màn hình cần kiểm tra thông tin ảnh và cẩn thận với thiết bị lưu trữ.
Cơn cuồng screenshot đương đại
Không thể phủ nhận lợi ích "thực" của một công cụ "ảo" như ảnh chụp màn hình trong đời sống. Theo tác giả Thomas Peham trên Usersnap, ảnh chụp màn hình hỗ trợ chúng ta giao tiếp thường ngày, đồng thời có thể áp dụng với nhiều tình huống, loại thông tin khác nhau.
Chúng ta bắt gặp, thực hiện, gửi và nhận ảnh chụp màn hình từng giờ, từng phút.
Trang Wired xem ảnh chụp màn hình là thứ quan trọng nhất trên Internet, bởi chúng giúp bạn chứng minh bạn thực sự nhìn thấy điều mình kể lại với người khác: một hình ảnh thú vị, một bài viết hữu ích, một chủ đề đáng quan tâm,...
Vì được lưu dưới dạng hình ảnh, nên đa phần nội dung ảnh chụp màn hình không thể thay đổi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chỉnh sửa ảnh chụp màn hình bằng cách làm mờ, cắt, xóa thông tin để phù hợp với mục đích chia sẻ.
Ngoài khả năng lan truyền, chụp màn hình còn là cách lưu trữ nội dung hiệu quả. Bạn có thể lưu nhanh thông tin nhờ ảnh chụp màn hình mà không tốn thời gian ghi chép.
Screenshot là đầu câu chuyện
Theo The Atlantic, ban đầu, ảnh chụp màn hình được viết là "screen shot" với nghĩa đen chỉ bức ảnh bình thường chụp màn hình một chiếc máy tính năm 1959. Ý nghĩa này giữ nguyên nhiều thập kỷ cho đến khi máy ảnh trở thành một phần của điện thoại di động.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, ảnh chụp màn hình hiện là tính năng phổ biến phục vụ nhu cầu ghi lại thông tin trên Internet. Với nhiều người, đây còn là thói quen thường trực khi online.
Chúng ta chụp màn hình những đoạn chat để giải trí hay bàn tán với nhau. Khi ai đó đưa bằng chứng cho điều họ nói, thông thường, đó là những tin nhắn, bài đăng mạng xã hội, hình ảnh,... được chụp lại.
Các hội nhóm trực tuyến cũng không nằm ngoài "cơn sốt" này. Điển hình là những nhóm chuyên công khai, bàn luận chuyện riêng tư của người nổi tiếng, hoặc một đối tượng bình thường nhưng có hành vi cần "lên án".
Trong hầu hết trường hợp đó, các bức ảnh chụp màn hình là "miếng trầu" mở đầu câu chuyện.
Khi nào screenshot trở nên tiêu cực?
Bên cạnh những mặt tích cực, ở một số khía cạnh, ảnh chụp màn hình đã và đang góp phần vào nhiều vấn đề xã hội. Một trong số đó là vi phạm quyền riêng tư của mỗi người.
Dazed nói ảnh chụp màn hình đã thay đổi cách chúng ta nghĩ về sự riêng tư. Cụ thể, nhiều người vô tư chia sẻ ảnh chụp nội dung mình nhận được mà quên rằng, đôi khi, thông tin đó chỉ dành cho họ, không phải cho nhóm bạn thân của họ.
Tại Việt Nam, sự việc gần đây xoay quanh các bức ảnh chụp tin nhắn từ người nổi tiếng là kết quả của việc ranh giới riêng tư bị xóa nhòa trên Internet.
"Một cuộc đối thoại đơn giản cũng có thể biến thành meme hay vũ khí công kích; một khoảnh khắc ngẫu nhiên có thể trở nên viral vì ảnh chụp màn hình", tác giả Kaitlyn Tiffany viết trên The Atlantic.
Cũng theo Tiffany, những bức ảnh chụp màn hình có nội dung sỉ nhục người khác thường được tương tác nhiều nhất. Điều nguy hiểm là hầu như không ai biết đến sự tồn tại của chúng cho đến khi ảnh bị rò rỉ.
Làm thế nào để screenshot an toàn?
Sau nhiều ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực của ảnh chụp màn hình, hiện nay, nhiều trang mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin đã cho phép người dùng biết khi nào đoạn hội thoại được đối phương chụp lại. Một số còn thêm tính năng chặn quay, chụp màn hình.
Dù vậy, cuối cùng, một bức ảnh tốt hay xấu phụ thuộc rất lớn vào nội dung và mục đích của người chụp.
"chỉ là hình thức, điều quan trọng là bạn chia sẻ thông tin như thế nào", Vũ Thiện Khoa, Kỹ sư Khoa học Dữ liệu, nói với Zing.
Theo Thiện Khoa, trong một số trường hợp, ảnh chụp màn hình có thể được xem là bằng chứng với mức độ tin cậy cao. “Trăm nghe không bằng một thấy” - một bức ảnh thường khiến người trong cuộc khó chối cãi hơn những dòng giải thích lê thê.
Tuy nhiên, người chụp cần lưu ý kiểm tra tất cả chi tiết xuất hiện trên ảnh, bởi một bức ảnh chụp màn hình khi đến tay người khác có thể vô tình lộ nhiều thông tin hơn thứ bạn muốn chia sẻ.
Ngoài ra, hãy cẩn thận khi lưu trữ trong điện thoại di động. Nếu chúng chưa được bảo mật kỹ, thì hình ảnh dễ tự đồng bộ lên các hệ thống online. Đây là những kênh có khả năng bị hack rất cao.
"Chúng ta thường nghĩ ảnh chụp màn hình là việc cá nhân, nhưng thực tế, hàng triệu người cũng có thói quen chụp ảnh màn hình mỗi ngày. Chúng ta không xem đây là vấn đề to tát vì không thấy hết screenshot của họ", Jacob Gaboury, trợ lý giáo sư của Đại học California, Mỹ, nói.
Và điều khiến ảnh chụp màn hình vừa thú vị, vừa đáng dè chừng là bạn không thể biết ai đang nắm thông tin gì về mình.