Từ sáng 27/7, nhu cầu mua khẩu trang y tế bắt đầu tăng cao tại Hà Nội và TP.HCM. Tại nhiều hiệu thuốc ở Hà Nội nằm trên phố Vũ Trọng Phụng, Giải Phóng, Láng hay Phương Mai..., mặt hàng khẩu trang đang có dấu hiệu cháy hàng, giá được đẩy lên mức 70.000-90.000 đồng/hộp 50 chiếc.
Tại chợ thuốc Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội), điểm tập kết, đầu mối phân phối thuốc và vật dụng y tế ngoài bệnh viện lớn nhất miền Bắc, trong sáng 27/7, rất nhiều quầy thuốc cũng đều lắc đầu không có khẩu trang y tế.
Tại một quầy hàng có bán khẩu trang 3D Nhật Bản tại chợ thuốc Hapulico, người bán hàng liên tục hét lớn vì khách quá đông. Khách chủ yếu mua buôn về bán lại. Cửa hàng này quy định mỗi người chỉ được mua 10 hộp loại 10 chiếc với giá 35.000 đồng.
Nhu cầu khẩu trang tăng dần
Do nhu cầu tăng dần, khẩu trang y tế trên thị trường bắt đầu rục rịch tăng giá từ 10.000-40.000 đồng/hộp. Một chủ hiệu thuốc lớn trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết từ ngày 25/7 khẩu trang y tế cao cấp 4 lớp, giá bán đã tăng từ 40.000 lên 80.000 đồng/hộp 50 chiếc.
Mức giá này cao gấp đôi so với thời điểm trước khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng ở Đà Nẵng. "Giá nhập vào nay đã 78.000 đồng/hộp nên không thể không tăng giá. Tôi chỉ bán lẻ chứ không bán cả hộp vì sợ hết hàng", chủ hiệu thuốc phân bua.
Tại một quầy hàng có bán khẩu trang 3D Nhật có rất đông người chen lấn xếp hàng chờ mua. Ảnh: Thanh Thương. |
Tại TP.HCM, trên các tuyến đường Nguyễn Giản Thanh, Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), Đinh Tiên Hoàng, Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), một số cửa hàng thuốc đã treo bảng thông báo hết khẩu trang.
Những địa điểm còn bán mặt hàng này, mức giá dao động 90.000-120.000 đồng/hộp 50 khẩu trang y tế, tăng 2-3 lần so với tuần trước. Trong khi đó, các loại khẩu trang vải tăng nhẹ giá bán, khoảng 20.000-35.000 đồng/cái.
Chủ một cửa hiệu trong chợ thuốc Nguyễn Giản Thanh (TP.HCM) giải thích: "Hai ngày cuối tuần trước, giá khẩu trang chỉ nhích nhẹ, ở mức 60.000-70.000 đồng/hộp 50 cái, còn từ sáng 27/7 đã lên đến 110.000-120.000 đồng".
Lý giải về chuyện tăng giá, một số tiểu thương nói nguồn hàng khẩu trang y tế đang có dấu hiệu khan hiếm, các cơ sở sản xuất không kịp cung ứng, lượng hàng nhập về bán giờ rất hạn chế nên xảy ra hiện tượng tăng giá. Trong khi đó, các loại gel, nước rửa tay vẫn đang ổn định nguồn cung và giá bán.
Siêu thị đủ nguồn cung khẩu trang với giá ổn định
Trái ngược với cảnh mua bán ở hiệu thuốc, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sức mua các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay khá ổn định, giá không hề tăng.
Từ ngày 25-27/7, tại hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+, các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay, nhu yếu phẩm tương đối ổn định. Đại diện chuỗi này khẳng định sẵn sàng cho mọi tình huống ứng phó. Hiện VinCommerce đã chuẩn bị hơn 2,5 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn và hơn 3 triệu đơn vị nước rửa tay các loại.
Đồng thời, theo diễn biến dịch bệnh, doanh nghiệp cam kết cung ứng đầy đủ hàng hóa, phục vụ nhu cầu của người dân, kể cả các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch và nhu yếu phẩm.
Đại diện Central Retail (đơn vị chủ quản các chuỗi siêu thị Big C và Go!) cũng cho biết đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu và làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo tần suất giao hàng, đồng thời huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa. "Big C và Go! tiếp tục cam kết không tăng giá hàng hóa. Chúng tôi dự kiến có đủ hàng cung cấp, phục vụ nhu cầu khách hàng", vị này khẳng định.
Về phía các doanh nghiệp dệt may, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết các doanh nghiệp thành viên Vinatex sẵn sàng sản xuất và cung ứng đủ cho thị trường khẩu trang 3 lớp. Hiện nay, năng lực sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn của Vinatex là 100 triệu chiếc/tháng.
Trong khi đó, năng lực sản xuất khẩu trang y tế là 30 triệu chiếc/tháng. Do đó, ông Trường khẳng định hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Trong trường hợp cần thiết có thể tăng thêm công suất để sản xuất khẩu trang.
Theo đại diện một số doanh nghiệp dệt may, người tiêu dùng hoàn toàn không lo thiếu khẩu trang y tế. Hiện cả nước có hàng nghìn xưởng sản xuất khẩu trang y tế đạt chuẩn, với công suất trung bình mỗi xưởng khoảng 200-500 thùng/ngày (khoảng 2.500 chiếc khẩu trang/thùng).
Số liệu thống kê 50 doanh nghiệp dệt may của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết năng lực sản xuất của các doanh nghiệp khoảng 8 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn mỗi ngày, bình quân mỗi tháng khoảng 200 triệu chiếc. Nếu tính quy mô cả nước thì số lượng cung ứng còn lớn hơn nhiều.
Xử lý nghiêm tình trạng trục lợi
Theo các doanh nghiệp dệt may và đơn vị phân phối, hiện nguồn cung mặt hàng khẩu trang khá dồi dào và không sốt giá. Một số người kinh doanh đang tạo tâm lý khan hàng, sốt giá để trục lợi.
Bộ Công Thương cho biết đến 11h ngày 26/7, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng đã đi giám sát 547 cửa hàng kinh doanh khẩu trang, nước sát khuẩn, găng tay trên địa bàn. Cơ quan chức năng cho biết tình hình vẫn ổn định, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua, cửa hàng không găm hàng, niêm yết giá đầy đủ, nguồn hàng có sẵn.
Hơn 18.000 khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa được phát hiện tại Đà Nẵng. Ảnh: NLĐ. |
Bộ Công Thương cũng cho biết đang kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất, xuất khẩu khẩu trang… để phục vụ nhu cầu phòng chống dịch trong nước. Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường nhanh chóng vào cuộc nếu có hiện tượng găm hàng, thổi giá, hàng giả, hàng nhái...
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết lực lượng QLTT đã tiến hành khảo sát và ghi nhận tình hình kinh doanh các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay trên cả nước. "Nguồn cung dồi dào, đủ cung ứng cho người dân", cơ quan QLTT khẳng định.
Cục QLTT khuyến cáo đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán hàng cần thực hiện đầy đủ các quy định về niêm yết giá, bán hàng đúng giá niêm yết, kinh doanh hàng hóa có đầy đủ chứng từ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng, không găm hàng, đầu cơ tích trữ.
Theo thống kê của Tổng cục QLTT, từ ngày 1/1 đến 15/6, riêng về mặt hàng trang thiết bị y tế dùng để phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát 9.088 cơ sở, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 4,72 tỷ đồng. Lực lượng QLTT đã chuyển cơ quan điều tra 60 vụ, khởi tố hình sự 4 vụ.