Doanh nghiệp công nghệ Việt trong và ngoài nước đều đang có những bước tiến khả kiến trong lĩnh vực AI. Đây cũng là điều mà các ông lớn như Google, Amazon, Apple, Facebook đang chạy đua phát triển.
Trí tuệ nhân tạo đang là cuộc đua của những gã khổng lồ công nghệ. Nó có tiềm năng giải quyết rất nhiều vấn đề, nên không có gì ngạc nhiên khi những công ty công nghệ lớn nhất trên thế giới đều xây dựng trung tâm nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào những sản phẩm của họ.
Tại Việt Nam, những công ty trong nước cũng đã nhanh chóng "bắt sóng" xu hướng AI của thế giới từ 1-2 năm qua và bước đầu có sản phẩm cụ thể. Mặc dù còn nhiều khó khăn cả về nguồn vốn và con người, sự đầu tư của những doanh nghiệp Việt cho thấy khát vọng phát triển AI để khẳng định chỗ đứng trong bản đồ công nghệ thế giới.
Các tên tuổi công nghệ hàng đầu Việt Nam hiện nay đều đã bắt tay vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI cho các sản phẩm của mình.
Vào cuối 2017 và cuối 2018, Zalo tổ chức hội thảo Zalo AI Summit, quy tụ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực AI tại Việt Nam và quốc tế. Tại sự kiện gần nhất, Zalo đã tổng kết lại những thành quả của mình sau 1 năm “dấn thân” vào lĩnh vực AI với việc thành lập phòng nghiên cứu Zalo AI và xác định 2 mũi nhọn nghiên cứu Zalo Brain, Zalo Assistant.
Một trong hai sản phẩm nói trên đã dần hoàn thiện và chính thức được công bố tại sự kiện. Thành quả của các kỹ sư và nhà khoa học Zalo AI trong năm qua chính là trợ lý ảo Ki-Ki. Sự khác biệt của Ki-Ki với những trí tuệ nhân tạo do các hãng công nghệ trên thế giới phát triển nằm ở khả năng nhận diện khá tốt giọng nói của người Việt. Bên cạnh đó, Ki-Ki cũng trả lời bằng giọng của ba miền gồm Bắc, Trung, Nam khá tự nhiên.
Có thể hiểu định hướng phát triển AI của Zalo, bởi trợ lý ảo cũng là một trong những sản phẩm quan trọng nhất của các đại gia công nghệ trên thế giới như Apple, Google hay Amazon.
Không chỉ xuất hiện trên smartphone, các hãng này đều định hướng tích hợp trợ lý ảo trên nhiều thiết bị hơn. Loa thông minh, TV hay màn hình thông minh là những thiết bị đầu tiên được tích hợp trợ lý ảo.
Ở Việt Nam, trong bối cảnh các hệ sinh thái "ngoại nhập" từ Google, Amazon chưa chạm đến cuộc sống của số đông người dùng, Zalo đã có kế hoạch tích hợp Ki-Ki lên thiết bị phần cứng và có thể ra mắt loa thông minh tích hợp Ki-Ki trong tương lai gần.
Bên cạnh Zalo, Viettel cũng là một doanh nghiệp Việt đã nhảy vào lĩnh vực AI. Trung tâm không gian mạng (VTCC) của tập đoàn này đã được thành lập và AI là một trong những trọng tâm nghiên cứu. Đến nay, VTCC.AI đang phát triển công nghệ nhận dạng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên cho tiếng Việt.
Trên thị trường quốc tế, nhiều ứng dụng về trí tuệ nhân tạo của người Việt cũng tạo được tiếng vang. Một trong những startup của người Việt được chú ý nhất trong 3 năm qua là ELSA, ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh do Văn Đinh Hồng Vũ sáng lập, lọt top 5 ứng dụng AI toàn cầu.
Điểm nhấn của ELSA chính là vận dụng AI để nhận diện giọng nói rất chính xác, nhờ đó có thể phân tích giọng đọc của người dùng, chỉ ra những điểm chưa chuẩn trong phát âm, từ đó chỉnh sửa để chuẩn hơn.
Chia sẻ với Zing.vn, bà Vũ cho rằng để một startup tồn tại, khả năng tự bảo vệ thành quả của mình là rất quan trọng. AI là thứ không dễ sao chép, và doanh nghiệp lấy AI làm lõi có thể tạo ra lợi thế so với các đối thủ.
Bên cạnh việc tích hợp trực tiếp AI vào sản phẩm, một hướng đi khác của các doanh nghiệp công nghệ là phát triển nền tảng, đồng thời cung cấp các giải pháp AI phù hợp với thực trạng và nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp.
“FPT, ALT+ và AI Academy là những công ty chuyên làm việc đó. Tuy không có sản phẩm cụ thể nhưng đội ngũ kỹ sư của họ có thể hiểu được nhu cầu của khách hàng để ứng dụng những model AI có sẵn”, Tiến sỹ Nguyễn Phong, nhà nghiên cứu AI của công ty Hitachi, Nhật Bản nhận định sau khi tiếp xúc với những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Phong nhận xét nhờ những công ty tiên phong trong lĩnh vực AI, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các nhu cầu trong cuộc sống của Việt Nam tuy còn sơ khởi, nhưng đang nhỉnh hơn nhiều nước trên thế giới về mặt vận dụng các model có sẵn.
“Nếu ứng dụng AI ở Silicon Valley là 10 điểm thì Việt Nam đang ở thang điểm 6”, ông Phong chia sẻ. Tuy nhiên, đó là điểm chấm về khả năng "ứng dụng" các model có sẵn, còn về nghiên cứu phát triển, ông Phong cho rằng Việt Nam đang ở những bước đầu.
Trợ lý ảo Ki-Ki của Zalo là một trong số ít những sản phẩm AI có tiếp xúc trực tiếp với người dùng. Với một trợ lý ảo trên smartphone hoặc loa thông minh, người dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin, tìm kiếm, đọc tin tức hoặc ra lệnh cho các thiết bị khác. Việc tích hợp ngôn ngữ tiếng Việt sẽ làm cho quá trình làm quen, sử dụng đơn giản hơn nhiều.
Một ví dụ khác của trí tuệ nhân tạo là chatbot. Không cần phải có kiến thức lập trình "cao siêu", những công cụ tạo chatbot trên các nền tảng nhắn tin giúp cho doanh nghiệp nhỏ dễ dàng giao tiếp, tư vấn cho người dùng. Điều này giúp tiết kiệm chi phí so với việc dùng nhân viên chăm sóc khách hàng.
Ngoài ra, cũng có nhiều ứng dụng AI mà người dùng phổ thông sẽ không hề biết đến, nhưng có thể đem lại hiệu quả tốt hơn cho doanh nghiệp. Nhiều thương hiệu bán lẻ lớn như FPT Shop, Thế Giới Di Động đã sử dụng AI để phân tích dữ liệu khách hàng, nhận diện nhóm khách hàng tiềm năng hay có khả năng mua hàng cao.
Những khía cạnh khác của đời sống như giao thông, giáo dục, sức khỏe đều có thể được cải tiến dần dần khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hiện đã giới thiệu những giải pháp thành phố thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ điều tiết giao thông và giám sát an ninh cho hệ thống camera. Trong tương lai gần, khi công nghệ được áp dụng vào những khía cạnh thiết thực, chất lượng cuộc sống cũng sẽ được cải thiện.
Tất nhiên, AI không phải là “cây đũa thần”, biến không thành có. Để thực sự phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp Việt sẽ phải vượt qua không ít thách thức.
Cái khó đầu tiên chính là vấn đề nhân lực: làm thế nào tìm đủ người có trình độ để phát triển AI.
Chia sẻ với Zing.vn, Tiến sĩ Bạch Hưng Nguyên, hiện làm việc tại Phòng nghiên cứu máy học của Alibaba tại Mỹ cho biết tìm kiếm người giỏi trong lĩnh vực AI luôn khó, dù là ở Mỹ hay Việt Nam. Trong cơn khát nhân lực chất lượng cao về AI, những doanh nghiệp công nghệ phải cạnh tranh rất vất vả với những đại gia mới có thể tuyển được người.
Chia sẻ quan điểm với ông Nguyên, ông Nguyễn Thọ Chương, nhà nghiên cứu tại Zalo AI Lab cho rằng Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào với giá thành thấp, nhưng nhân lực chất lượng cao về máy học lẫn khoa học dữ liệu chưa có nhiều.
Để đào tạo đội ngũ kỹ sư chất lượng cao về AI sẽ rất cần nguồn lực của các công ty cũng như sự đầu tư của nhà nước, bởi kinh phí và nguồn tài nguyên yêu cầu là rất lớn.
“Khi đào tạo cơ bản về AI cần đến những tài nguyên về Cloud, có lẽ các trường đại học Việt Nam gặp khó khăn vì kinh phí tương đối lớn. Việc này có lẽ cần đến sự đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp”, tiến sĩ Bùi Hải Hưng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Google Deepmind chia sẻ tại Hội thảo trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018.
Ngoài ra, một thách thức nữa của các doanh nghiệp Việt là chất lượng, độ chuẩn xác của dữ liệu. Dữ liệu là nguyên liệu quan trọng của bất kỳ hệ thống thông tin nào, nhưng để phát triển AI thì cần một nguồn dữ liệu “sạch”, chính xác và theo quy chuẩn, hay gọi cách khác là dữ liệu đã dán nhãn.
“AI và khoa học dữ liệu không phải là cây đũa thần có thể biến không thành có. Có bột mới gột nên hồ. Dữ liệu ở đây là bột. Các mô hình và thuật toán chỉ là công cụ, một khi đã có dữ liệu tốt rồi có thể cải tiến phát triển dần dần, nhưng bước thu thập dữ liệu thì nhất thiết không thể bỏ qua.
Ví dụ trong lĩnh vực bán lẻ, dữ liệu ở Việt Nam không phải là không có nhưng ở hình thức offline là chính nên chưa sử dụng ngay được”, bà Phạm Khắc Hồng Hạnh, nhà khoa học dữ liệu tại AirBnB nói với Zing.vn.
Dữ liệu chất lượng cao, hay dữ liệu đã dán nhãn là thách thức của bất kỳ kỹ sư nào khi phát triển sản phẩm AI. Theo ông Bạch Hưng Nguyên, đây là lợi thế của những nước phát triển về công nghệ thông tin như Mỹ, bởi khi cần có thể bỏ tiền và mua dữ liệu để cải thiện hệ thống. Ở Việt Nam, thực hiện điều này không đơn giản.
Tuy nhiên, đây không phải là thách thức không thể vượt qua. Nếu quan sát sự phát triển của công nghệ AI tại Trung Quốc, có thể nhận thấy một trong những lợi thế của đất nước này là có quá nhiều lao động phổ thông, giá rẻ. Chính những lao động này hình thành nên “đội quân dán nhãn dữ liệu”, những người phân tích, thống kê dữ liệu đầu vào cho hệ thống AI.
Hình thành “đội quân dán nhãn dữ liệu” của Việt Nam cũng là khát vọng của Lê Công Thành, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Khởi nghiệp với công nghệ trí tuệ nhân tạo từ năm 2011, ông Thành đã “nếm trải đau khổ” khi phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mẫu cho AI.
Đó là lý do ông Thành khởi xướng dự án xây dựng tập dữ liệu mẫu cho các doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo ông Thành, dự án này có thể giúp doanh nghiệp bớt được gánh nặng trong xây dựng dữ liệu mẫu, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên với một nghề mới: dán nhãn dữ liệu.
Phát triển AI tại Việt Nam còn nhiều thách thức, nhưng điều đó không ngăn cản các doanh nghiệp Việt đi sớm và bước thẳng vào kỷ nguyên AI từ vài năm qua. Với những lợi thế nhất định, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc phục vụ hàng triệu người dùng, mà còn có thể cạnh tranh sòng phẳng những ông lớn công nghệ ngay tại thị trường trong nước.
Có chỗ đứng tại Silicon Valley, với công nghệ nhận diện giọng nói xây dựng từ nhiều năm qua, đồng sáng lập ELSA Văn Đinh Hồng Vũ cho rằng sản phẩm AI của người Việt này có sự khác biệt với những “ông lớn” như Google, Amazon, những công ty đang đi đầu về trí tuệ nhân tạo. Bà Vũ tin tưởng vào thế mạnh của mình, cũng như những thị trường ngách mà các ông lớn khó có thể linh hoạt bằng.
Theo bà Vũ, công nghệ nhận diện giọng nói của các ông lớn như Google, Amazon được xây dựng cho người bản xứ, vì tập dữ liệu của họ đa phần là người bản xứ cho nên độ chính xác cho người bản xứ là rất cao. Nhưng người Việt nói tiếng Anh, Google chưa chắc đã hiểu. Google "nghe" người Việt nói không chính xác bằng ứng dụng cho chính người Việt làm ra.
Ngoài phần công nghệ nền tảng, một yếu tố nữa để làm AI thành công hiểu được nhu cầu của người dùng. Là người từng có kinh nghiệm phát triển sản phẩm loa thông minh tại LINE và giành chiến thắng trước Amazon hay Google ngay tại thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Vũ Thanh Tùng, hiện làm việc tại LINE Corporation cho rằng việc hiểu người dùng Việt là lợi thế cạnh tranh của những ứng dụng Việt.
Ông Tùng lấy ví dụ của LINE tại Nhật Bản, đã tạo ra các mẫu loa thông minh tích hợp AI, có hình dáng của những nhân vật hoạt hình được người Nhật yêu thích. Nhờ đó, các mẫu loa AI của LINE trở nên khác biệt với những chiếc loa có vẻ ngoài "nhàm chán" đến từ Mỹ, được người dùng đón nhận. Câu chuyện này chứng minh những công ty công nghệ bản địa làm AI hoàn toàn có cơ hội để cạnh tranh với những gã khổng lồ đến từ nước ngoài.
Tiến sĩ AI Nguyễn Phong, Giám đốc kỹ thuật AI và Khoa học dữ liệu của Tokyo Techies đồng thời làm việc tại Hitachi, Nhật Bản cho rằng những việc mà đội ngũ kỹ sư của các công ty, startup Việt đang làm chứng tỏ một điều người Việt cũng có thể làm được những công nghệ mới của thế giới.
“Hãy kiên cường và bền bỉ để lĩnh ấn tiên phong. Nguồn cảm hứng từ các câu chuyện thành công của các công ty đang làm AI có thể sẽ là động lực lớn cho các bộ ngành liên quan, từ giáo dục đến đầu tư. Nếu gặp khó khăn, các chuyên gia ở nước ngoài như mình, hay các anh em làm công nghệ rất mong được các bạn chia sẻ để cùng giúp đỡ và giải quyết”, ông Phong kết luận.