Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khao khát yêu đương của một nàng dâu góa

Tiểu thuyết "Khao khát yêu đương" là bi kịch của một phụ nữ không thể sống thật với tình cảm của mình.

Người phụ nữ góa chồng phải đối diện với những ánh mắt soi mói của người khác. Nhiều khi, họ phải sống bằng suy nghĩ của những người xung quanh.

Chính vì vậy, việc tự trang bị cho mình một “lẽ sống” để thích nghi là điều không thể thiếu. “Lẽ sống” ấy cũng chính là dũng khí để họ bước tiếp.

Khao khát yêu đương (tác giả: Yukio Mishima, Phạm Phương dịch) là cuốn tiểu thuyết về số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ Nhật Bản trong giai đoạn hậu chiến.

Etsuko, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết, con dâu duy nhất của một gia đình giàu có ở làng Maiden. Đây là ngôi làng trù phú nhưng quá đỗi buồn tẻ.

Nơi được gọi là gia đình của Etsuko chất chồng những mối quan hệ phức tạp và xa cách. Yakichi, người bố chồng thức thời của Etsuko sau hậu chiến đã giúp gia đình giàu lên nhanh chóng bằng ruộng đất. Ông luôn nhòm ngó đời sống riêng của Etsuko, thậm chí đọc trộm nhật ký của cô.

Người anh của chồng, Kensuke, và em gái chồng mang tên Yusuke, luôn cho mình quyền phán xét, quy kết tội lỗi của người khác. Một người chồng luôn ghen tuông, Ryosuke, luôn hành hạ Etsuko. Những ngày Etsuko được sống trọn vẹn bên chồng là khi anh mắc bệnh rồi qua đời. Gia đình họ còn có những người giúp việc nhếch nhác.

Tuy nhiên, cô bị bủa vây trong nỗi ghen tuông mù quáng, hằn học, sự phản trắc và cả những ẩn ức bị kìm nén. Chính những điều ấy đã đưa đẩy con người không thể thoát khỏi bi kịch. Và yêu đương trở nên xa xỉ. Để đến cuối cùng, những người xung quanh chẳng thể hiểu nổi cô đang nghĩ gì, muốn gì.

Chính bản thân cô cũng phải xây dựng cho mình những “lẽ sống” để làm dũng khí tồn tại trong không khí đầy phức tạp.

Lẽ sống, điều nghe thật cũ nhưng nó lại cần cho một người đàn bà luôn mang nỗi cô độc lớn.

Khao khat yeu duong anh 1

Sách Khao khát yêu đương. Ảnh: Tao Đàn.

Một lần được sống thật với bản thân

Không gian mở đầu cuốn tiểu thuyết tương đối nhẹ nhàng với hình ảnh người phụ nữ nhiều ưu tư đi trên những tuyến đường. Khi ấy, Etsuko còn đủ tỉnh táo để có những triết lý riêng cho bản thân mình nhằm giải phóng năng lượng xấu.

Đêm đêm, cô luôn kiên nhẫn chờ đợi người chồng thác loạn trở về. Khi chồng ốm, cô dành toàn bộ tâm sức để chăm sóc. Tuy vậy, người chồng bội bạc không ngớt trách móc, buông những lời đay nghiến cô.

Với Etsuko, vin vào những lý lẽ của chính bản thân mình để tồn tại là điều cần thiết.

“Chúng ta luôn tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời mình. Trong lúc không thể tìm được nó, ta sẽ nhìn đến một ý nghĩa khác” là cách Etsuko nghĩ để vượt qua mỗi ngày.

Vậy ý nghĩa cuộc đời của Etsuko là gì?

Đó là “Etsuko muốn bố thí điều gì cho ngày mai? Đúng rồi, cô muốn bố thí hai đôi tất, một đôi màu xanh đậm, một đôi màu trà. Hai đôi tất tặng cho Saburo nhưng đối với Etsuko mà nói, đó là tất cả ngày mai”.

Ngày mai của Etsuko chính là Saburo, một người làm thuê trẻ tuổi nhưng lại có vai trò rất lớn đối với cuộc đời cô kể từ sau khi chồng chết.

Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, nguồn sống duy nhất của Etsuko chính là được một lần yêu đương, một lần được sống thật với con người mình. Cô không ngần ngại để tận dụng những khoảnh khắc được ở bên Saburo, ngay khi chỉ là những cuộc nói chuyện ngắn ngủi.

Từ ánh mắt đến những cử chỉ thật nhỏ cũng đủ để lưu lại trong trí nhớ và khiến cô hy vọng về một tương lai khác.

Khao khat yeu duong anh 2

Nhà văn Yukio Mishima. Ảnh: pinterest.

Những ghen tuông, ích kỷ vô lối

Etsuko có đủ sự thông minh, sắc sảo mà một người con gái cần có: Có khát khao của riêng mình, có chút “đàn bà” để bảo vệ gia đình khi biết có bàn tay của kẻ phá hoại, có sự bao dung lớn lao, có sức chịu đựng phi thường của một người vợ.

Tuy nhiên, khi những ẩn ức kìm nén quá lâu, khi dối lừa, phản trắc mỗi lúc một hiển hiện và khi yêu thương cũng là công cụ để lợi dụng, thì hận thù cứ thế lớn dần lên. Bản năng của Etsuko dần bộc phát.

Saburo làm cho Miyo - cô giúp việc lôi thôi, khắp mình lúc nào cũng bốc lên mùi khai khó chịu - mang bầu. Khi biết được chuyện đó, Etsuko đã dùng hết sự kiên nhẫn lẫn bao dung để hỏi cho ra nhẽ. Hy vọng rồi lại thất vọng.

Tất cả mọi thứ bị đẩy lên cao trào khi Etsuko phát hiện người mình yêu thương bấy lâu nay cũng chỉ là một kẻ hèn kém, vụ lợi. Saburo đã không từ một cách nào để giải thích về chuyện mình không yêu Miyo. Thậm chí, anh ta tỏ ra thoải mái thái quá, như trút được gánh nặng khi biết Miyo bị đuổi đi.

Cuốn sách không có một từ nào về cô đơn, thậm chí tấp nập đến ồn ã. Tuy nhiên, không khí của tiểu thuyết khiến độc giả dễ dàng cảm nhận được rằng sự cô đơn luôn bủa vây, bủa vây ngay cả khi người ta đang thức, đang vận động, đang đứng giữa đám đông.

Chạy theo những điều tầm thường, người ta có thể đem đến cho nhau mọi cảm giác, bao gồm cả ganh ghét, đố kị, phán xét. Chỉ khi là chính mình, sống thật với tình cảm của mình, họ mới có được yêu thương.

Song hành với lời kể, diễn biến tâm lý của nhân vật là những dòng nhật ký của Etsuko. Có những dòng cô viết xuất phát từ chính ý nghĩ của mình. Những ý nghĩ ấy đôi khi trút bỏ phần cực đoan trong mình để sống tốt hơn. Nhưng đôi khi những dòng nhật ký ấy cũng được viết nhằm thăm dò, đánh lừa những người xung quanh: Từ ông bố chồng, anh chị chồng, những người luôn dư thời gian để nhòm ngó, soi mói chuyện của Etsuko.

Khao khát yêu đương ẩn chứa những thông điệp sâu sắc về tình yêu. Đó không chỉ là tình cảnh của Etsuko nói riêng, các nhân vật trong tiểu thuyết nói chung, mà là thứ người Nhật Bản trong giai đoạn hậu chiến đều cần đến.

Cái chết của Yukio Mishima

Yukio Mishima từng là nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản. Ông được biết đến không chỉ nhờ các tác phẩm văn chương độc đáo, mà còn qua cái chết gây chấn động.

Ý An

Bạn có thể quan tâm