Theo ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, việc chọn địa điểm thả muỗi mang virus phải tính toán lại, vì sau khi xem xét tỉnh thấy còn nhiều vấn đề.
Cụ thể, theo ông Vinh, trong các cuộc họp mới đây, nhiều ý kiến lo ngại môi trường được ban quản lý dự án “Hướng tới loại trực sốt xuất huyết tại Việt Nam” thực hiện ở đảo Trí Nguyên khác với đất liền.
“Dự án thực hiện ngoài đảo, nơi các điều kiện về khí hậu, địa hình, dân cư và phạm vi hoàn toàn khác so với trong nội thành TP Nha Trang” ông Vinh nói.
Đảo Trí Nguyên nơi thí điểm thả muỗi trừ sốt xuất huyết thành công. Ảnh: An Bình. |
Ngoài ra, do Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) vừa có văn bản đánh giá hiệu quả về việc thả muỗi ở đảo Trí Nguyên các đây 2 tháng (5/2017), khiến thời gian chuẩn bị triển khai thả muỗi không thực hiện kịp.
Cũng theo ông Vinh, sau khi xem xét và thống nhất với ban dự án, tỉnh này quyết định thay đổi địa điểm thả muỗi so với dự kiến ban đầu.
Trước đây, Bộ Y tế thống nhất với tỉnh Khánh Hòa sẽ thả muỗi vằn Aedes aegypti mang Wolbachia tại 4 phường của TP Nha Trang, gồm phường Vĩnh Phước và phường Vĩnh Thọ ở phía bắc Nha Trang; phường Vĩnh Trường và 4 tổ dân phố của phường Phước Long giáp với phường Vĩnh Trường ở phía nam Nha Trang. Khu vực thả muỗi có khoảng 55.900 người thuộc 12.600 hộ gia đình sinh sống.
“Sau khi xem xét, chúng tôi thống nhất lại với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ triển khai dự án ở xã Vĩnh Lương (TP Nha Trang). Tuy nhiên, để thực hiện việc này Sở Y tế cần làm báo cáo cụ thể, chi tiết để UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua”, ông Vinh cho biết.
Còn theo lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa, do thay đổi địa điểm nên việc thả muỗi vằn Aedes aegypti mang Wolbachia phải hoãn lại. Kế hoạch ban đầu dự kiến triển khai trong năm 2017, nay không thực hiện được.
Wolbachia là một loại vi khuẩn có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue gây sốt xuất huyết và Zika, nhưng muỗi vằn trong tự nhiên lại không mang Wolbachia.
Muỗi cái tự nhiên giao phối với muỗi đực mang Wolbachia, trứng đẻ ra sẽ không phát triển thành muỗi, trong khi muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực tự nhiên hay muỗi đực mang Wolbachia đều sinh ra trứng có khả năng phát triển thành muỗi mang Wolbachia.
Năm 2013, muỗi mang Wolbachia đã được thả thí điểm tại đảo Trí Nguyên. Từ đó tới nay nơi đây không có dịch sốt xuất huyết, dù năm 2015 và 2016 tại TP Nha Trang có nhiều ổ dịch lớn.
Xã Vĩnh Lương (màu hồng) nơi sẽ thả muỗi vằn Aedes aegypti mang Wolbachia. Ảnh: Google Maps |