Bộ Tài chính vừa chấp thuận phương án của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc tạm thời chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết trên HoSE sang HNX để giảm tải cho hệ thống giao dịch của HoSE.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp chuyển cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang, không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới. Các cơ chế giao dịch, giám sát, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo, công bố thông tin áp dụng như với doanh nghiệp niêm yết trên HNX.
Những doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX phải có văn bản yêu cầu, kèm theo nghị quyết của HĐQT hoặc đại hội đồng cổ đông gửi hai sở giao dịch.
Các cổ phiếu từ HoSE sang niêm yết trên HNX sẽ được đưa ra khỏi bộ chỉ số VN-Index trong thời gian tạm thời chuyển giao dịch. Các cổ phiếu trong danh mục VN30 tạm thời không nằm trong nhóm xem xét chuyển từ HoSE sang HNX.
Trụ sở HoSE tọa lạc tại đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu cả HNX, HoSE và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam khẩn trương xử lý để doanh nghiệp có thể chuyển giao dịch cổ phiếu.
Cơ chế này được áp dụng từ ngày 3/3. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có văn bản về việc chấm dứt cơ chế khi chuẩn bị xong giải pháp công nghệ giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch của HoSE.
Bên cạnh giải pháp chuyển một số cổ phiếu từ HoSE sang HNX, lãnh đạo HoSE cũng đang cân nhắc ý tưởng nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 cổ phiếu/lệnh để giảm tải cho hệ thống trong thời gian chờ hạ tầng công nghệ thông tin mới hoàn thành lắp đặt. Giải pháp này theo CEO HoSE Lê Hải Trà có thể giảm 40-50% số lượng lệnh.
Tuy nhiên, phương án này không được nhiều nhà đầu tư cá nhân ủng hộ khi đẩy chi phí để tham gia thị trường chứng khoán tăng cao. Nếu muốn mua vào những cổ phiếu bluechip có thị giá trên 100.000 đồng như VIC (Vingroup), VNM (Vinamilk), MWG (Thế giới Di động), số tiền nhà đầu tư bỏ ra mỗi lần đặt lệnh lên tới hơn 100 triệu đồng.
Trước đó, từ tháng 1, đơn vị giao dịch tại HoSE cũng được nâng từ 10 lên 100 cổ phiếu/lệnh. Giải pháp này giảm khoảng 15-18% tổng số lượng lệnh giao dịch nhưng hệ thống HoSE vẫn quá tải thường xuyên khi thanh khoản thị trường không hạ nhiệt.
Theo thống kê của HOSE, từ cuối năm 2020 đến nay, nhiều phiên giao dịch đã ghi nhận thanh khoản tăng gấp 4-5 lần đỉnh cũ và 6-7 lần so với đầu năm. Các công ty chứng khoán trong top 20 đều ghi nhận số lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất 3 lần, bình quân là 5-6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào sàn tăng 13-18 lần.