Khan hiếm đất nghĩa trang
"Cơn sốt" đất nghĩa trang tại TP HCM xuất hiện từ khi địa phương này đóng cửa nghĩa trang Bình Hưng Hoà (tháng 2/2011).
Theo Sở TN-MT TP.HCM, TP có 9.545 nghĩa địa lớn nhỏ khác nhau được phân loại theo phương thức quản lý.
Trong đó, chỉ có khoảng 100 nghĩa địa do các cấp chính quyền quản lý. Còn lại hầu hết là tự phát nằm xen kẽ với các khu vực dân cư. Ngoài ra còn 2 trung tâm hoả táng nằm tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (13 lò hỏa táng) và Trung tâm hỏa táng Đa Phước (5 lò hỏa táng). Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng TP.HCM ngoài số nghĩa địa do chính quyền địa phương quản lý thì dạng nghĩa địa tự phát đang bị buông lỏng. Do đó, việc quản lý, tiếp nhận hay hoạt động của các nghĩa địa thì do chính quyền sở tại hoặc người dân tự xử lý.
Đất nghĩa trang là một trong những phân khúc đang gây cơn sốt. Ảnh minh họa. |
Đây cũng là nguyên nhân, việc quản lý hay di dời nghĩa địa ra khỏi khu vực dân cư đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngay như Bình Hưng Hoà đã từ lâu là nghĩa trang chính nhưng hiện tại mới ở giai đoạn thống kê, đánh giá về giai đoạn I của việc GPMB để di dời 16.524 ngôi mộ nhưng đã xảy ra tình trạng giá di dời huyệt mộ có mức độ chênh lệch nhau rất lớn. Cụ thể, đơn giá bốc mộ để GPMB tại Bình Hưng Hòa (giai đoạn 1) do Cty Môi trường đô thị thành phố đưa ra chốt ở mức giá từ 2.626.000 đồng - 4.548.000 đồng/mộ. Nhưng người dân phải thuê các dịch vụ bốc mộ bên ngoài với giá cao ngất ngưởng, thấp nhất cũng phải hơn 8 triệu đồng/mộ. Việc chênh lệch giá này đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện di dời của nghĩa trang này.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường sống của người dân sống quanh các nghĩa trang đang ngày một gia tăng. Ngoài những khu vực có được sự quy hoạch của các cấp chính quyền thì còn lại hầu hết nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Thậm chí, nhiều khu đất nghĩa trang nhưng tường nhà dân chính là “tường rào” của nghĩa trang.
Ngay như khu vực ngã tư Trung Chánh thuộc huyện Hóc Môn có đến hàng chục nghĩa trang như khu Nghĩa trang Trung Chánh, chùa Tuyên Quang, giáo xứ Bạch Đằng… Trong đó, khu đất được cho là nghĩa trang bên cạnh chùa Phước Trí thuộc xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn nằm lọt thỏm trong khu dân cư xã Tân Xuân, không có cổng, xung quanh chỉ là những bờ tường xây tạm, với khoảng hơn 300 m2 đất và có khoảng trên 50 ngôi mộ đã được cây mái che. Hiện vẫn còn đất huyệt mộ được ra báo với giá vài chục triệu đồng/mộ.
Công viên nghĩa trang
Trước thực trạng khan hiếm đất nghĩa trang, thời gian gần đây hàng loạt nghĩa trang vùng ven TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ được DN mạnh dạn đầu tư dự án “công viên nghĩa trang” như công viên nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh), công viên nghĩa trang Củ Chi, hoa viên nghĩa trang Bình Dương… trong đó, nghĩa trang Đa Phước cũng đã được lấp đầy giai đoạn 1 là 7,5 ha, hiện chủ đầu tư đang khẩn trương san lấp mặt bằng cho giai đoạn 2 là 12 ha do nhu cầu bức thiết. Hầu hết các dự án này có diện tích từ 50 đến vài trăm ha được các chủ đầu tư theo phong cách hiện đại, quy hoạch rõ ràng như nghĩa trang gắn liền công viên cây xanh, tạo khung cảnh môi trường thật yên bình.
Đồng thời, trong quy hoạch vùng TP.HCM từ nay tới năm 2020, tầm nhìn tới 2050, Chính phủ định hướng xây dựng các nghĩa trang tập trung theo hướng mô hình công viên có quy mô từ 200 - 300 ha vì mô hình này không chỉ là nơi an nghỉ vĩnh hằng mà còn tạo nên khung cảnh văn minh, hiện đại. Dự kiến tới năm 2020, nhu cầu quỹ đất nghĩa trang tại TP.HCM sẽ lên tới 400 ha.
Nói về điều này, ông Vương Trọng Nghĩa - chuyên gia tại Sở TN-MT TP.HCM cho rằng : “Đây là một hướng đi mới hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân và với những dự án vùng ven, nhất là các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai phát triển mạnh thì sẽ giảm tải rất lớn cho cơn sốt đất huyệt mộ tại TP.HCM”.
Đặc biệt, ông Nghĩa đánh giá rất cao về mô hình An Viên Vĩnh Hằng tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Với diện tích giai đoạn I của dự án An Viên Vĩnh Hằng là 112 ha, ngoài việc xây dựng thành những khu vực riêng biệt như khu đền thờ, khu nghĩa trang công giáo, khuôn viên cây xanh… thì toàn bộ dự án có được hướng phong thuỷ rất phù hợp với phong tục người Á Đông khi hầu hết ngôi mộ đặt ở vị trí “đầu tựa núi, mặt hướng ra sông Đồng Nai”. Tận dụng dự án chạy dọc theo mặt tiền sông Đồng Nai chủ đầu tư đầu tư làm khu du thuyền, khách sạn, nhà nghỉ ven sông để tiện việc các gia đình, người thân đến thăm viếng và nghỉ ngơi.
Theo thống kê sơ bộ tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai hiện mỗi năm có khoảng 70.000 người chết. Trong đó, chỉ riêng TP.HCM mỗi năm có khoảng 30.000 người chết nhưng dân số sinh hàng năm khoảng trên 110.000 người.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp