Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rừng smartphone livestream bủa vây Sơn Tùng

Một thế hệ người xem mới hình thành, hoàn toàn khác với cách chúng ta thưởng thức các chương trình nghệ thuật cách đây 10 năm.

Trong đêm nhạc 27/12 diễn ra tại Hà Nội, Sơn Tùng MTP đã gây bất ngờ khi cùng danh ca Tuấn Ngọc hát bản hit Chúng ta không thuộc về nhau. Ngay khi tiết mục vừa bắt đầu, cả rừng smartphone hướng về ca sỹ trẻ quê Thái Bình để ghi lại màn kết hợp đặc biệt này.

Sống trong thời đại smartphone, có thể nhiều người thấy đây là điều bình thường, thậm chí không đáng bận tâm. Tuy nhiên, bạn có nhận ra rằng thói quen thưởng thức của khán giả đã thực sự thay đổi, chỉ trong vòng một thập kỷ? 

Năm 2013, khi Giáo hoàng Francis đăng quang tại St. Peter's Square, phóng viên ảnh của AP ghi lại được khoảnh khắc cả nghìn chiếc smartphone, máy tính bảng của người tham dự cùng đưa lên để ghi lại thời khắc quan trọng. Cùng góc độ này, nhưng vào thời điểm năm 2005 (tức 11 năm trước), những người ở đó tập trung lắng nghe, quan sát và chỉ một chiếc di động "nắp gập" đang ghi hình.

chan dung cong chung moi anh 1
Sự khác biệt giữa năm 2005 và 2013. Ảnh: AP.

Đó là minh chứng rõ ràng nhất, dễ hiểu nhất, để người ta kịp nhận ra rằng thế hệ công chúng mới đã hình thành, ngay sau cách mạng smartphone và Internet.

Điều gì đã xảy ra?

Có thể nói ngay rằng Sơn Tùng MTP, Đức Giáo hoàng hay bản thân smartphone không có lỗi. Chỉ là, cách thức mà công chúng tiếp nhận thông tin, sự kiện, trình diễn... đã thay đổi theo tháng năm.

Vào thời điểm Đức Giáo hoàng Benedict XVI đăng quang năm 2005, iPhone và smartphone Android chưa ra đời. Khi đó, mạng xã hội Facebook của Mark Zuckerberg chỉ mới là website kết nối giới sinh viên, học sinh tại một số trường ở Mỹ và Twitter chỉ nằm đâu đó trong trí tưởng tượng của Jack Dorsey.  

Không smartphone và mạng xã hội, con người thời đó (chỉ mới cách đây 11 năm) vẫn đi xem kịch, xem hát theo cách cổ điển. Họ thưởng thức trọn vẹn đêm nhạc mà không cần xem qua camera smartphone. Họ vỗ tay dạt dào dành tặng nghệ sỹ thay vì lẳng lặng đếm like, chờ bạn bè "thả tim" cho video clip của mình trên Facebook. 

chan dung cong chung moi anh 2
Doanh số smartphone tăng vọt trong gần 10 năm qua. 

Theo số liệu từ Statista, lượng smartphone bán ra trên toàn cầu vào năm 2015 là 1,42 tỷ chiếc, gấp 11 lần so với năm 2007 (122 triệu chiếc). Người dân thế giới đổ xô đi mua smartphone kể từ năm 2009 đến nay. Doanh số thiết bị này vẫn đang tăng mạnh qua từng năm, chưa có dấu hiệu dừng hay giảm sút. 

So với smartphone, mạng xã hội cũng có sức phát triển như vũ bão. Tính đến quý III/2016, Facebook có gần 1,8 tỷ người dùng thường xuyên mỗi tháng. Con số này ở Twitter là 317 triệu và Instagram là 500 triệu người. 

Thế hệ công chúng mới

Trở lại với đêm nhạc có Sơn Tùng MTP và danh ca Tuấn Ngọc , chúng ta có thể thấy hàng chục chiếc smartphone trong khuôn hình. Nửa số đó bật camera ghi hình, nửa còn lại dùng tính năng Live video của Facebook và các dịch vụ khác để tường thuật trực tiếp.

Trong hai năm qua, Facebook, YouTube, Instagram, Twitter và các dựng OTT đã đua nhau đưa tính năng live stream vào sản phẩm. Với những công cụ này trong tay, bất kỳ người dùng nào cũng có thể "tường thuật trực tiếp" từ trang cá nhân.

Khái niệm "báo chí công dân" từng xuất hiện từ thời blog mới khai sinh, đã đạt đến đẳng cấp hoàn toàn mới khi mỗi cá nhân đều là kênh phân phối thông tin và sở hữu "độc giả" riêng. Smartphone - live video - mạng xã hội mang đến cho họ "cảm giác quyền lực", được ban phát thông tin sớm nhất đến cộng đồng. Đây cũng là động lực khiến người ta bật camera và "phát sóng" ngay tại sự kiện.

Theo thống kê từ eMarketer, người dùng có xu hướng xem video nhiều hơn lướt mạng xã hội. Khảo sát ở Mỹ cho thấy giới trẻ nước này bỏ ra 1 giờ 55 phút mỗi ngày để xem video trực tuyến, và tổng thời gian dùng mạng xã hội là 1 tiếng 44 phút. Ngoài việc "tiêu thụ", người dùng cũng có xu hướng tạo ra nội dụng video nhiều hơn. Họ quay video up lên các mạng xã hội, trang chia sẻ hoặc phát sóng trực tiếp. 

"Công chúng mới" quay video như thế nào?

Trong video Sơn Tùng MTP song ca với Tuấn Ngọc, 2/3 số người dùng quay theo video chiều dọc và còn lại theo chiều ngang. 

Trong bức ảnh chụp đám đông quan sát Giáo hoàng Francis đăng quang tại St. Peter's Square năm 2013, hàng điện thoại rõ nhất cũng cho thấy một nửa số người quay video theo chiều dọc. 

Trong những năm qua, video dọc (vertical video) bị cho "kẻ tội đồ" và những người quay video bằng cách dựng đứng điện thoại thường bị cho là không hiểu biết gì về video. Một thời gian dài, cộng đồng Reddit, YouTube,... "lên án" những video quay theo chiều dọc bởi khi xem trên máy tính, khung hình sẽ có khoảng đen hai bên và bản thân video dọc không cung cấp đầy đủ toàn cảnh câu chuyện. 

Thế nhưng, hiện tại, video dọc đã được nhìn nhận dưới góc độ khác.

chan dung cong chung moi anh 3
Tất cả ứng dụng di động hiện nay đều tối ưu hoá cho việc sử dụng theo chiều dọc. Video cũng không nằm ngoài xu thế này. 

Đến tháng 11/2016, lượng truy cập Internet từ di động chính thức vượt mặt PC, mở ra một thời kỳ mới cho nội dung kỹ thuật số. Từ việc phục vụ độc giả, khán giả xem trên thiết bị cố định truyền thống (TV, desktop, laptop), các nhà làm nội dung và báo trực tuyến đã hướng đến sản xuất video dọc như một cách để ưu tiên cho độc giả di động.

Facebook, YouTube, Instagram, Snapchat... thậm chí còn "chiều chuộng" người dùng di động hơn khi liên tiếp đưa ra công cụ khuyến khích người dùng ghi hình theo chiều dọc.

Những gã khổng lồ công nghệ có lý để làm điều này. Việc ghi hình theo chiều dọc giúp người dùng chỉ cần dùng một tay khi quay hoặc khi xem. Video ngang khiến người dùng mất khoảng 1-2 giây để xoay màn hình và đôi khi phải dùng đến hai tay. Trong một ngày, khoảng thời gian người dùng xoay ngang điện thoại cũng ít hơn nhiều so với cách cầm tự nhiên theo chiều dọc.

Trong tương lai gần, việc nghệ sỹ "lọt thỏm" trong rừng điện thoại đang ghi hình, hay đám đông chỉ nhìn sự việc qua ống kính smartphone dù đang đứng tại hiện trường sẽ phổ biến và không còn xa lạ.

Khi đó, sân khấu không chỉ là ánh đèn spotlight, mà còn là những màn hình rực sáng từ hàng ghế khán giả. Facebook và Instagram thích điều này, trong khi người dùng không hề biết mình đã bị dẫn dụ để tạo ra nội dung, thay vì tận hưởng đêm nhạc mà mình đã bỏ tiền mua vé.

Giống như việc lên án dùng điện thoại trong bữa ăn hay những cuộc gặp mặt, có lẽ đã đến lúc con người cân nhắc giữa "sống ảo" hay thưởng thức trọn vẹn khoảnh khắc đang diễn ra quanh mình mà không cần đến camera của smartphone.

Yêu nhau thời Facebook, Zalo

Nhiều cặp đôi đang yêu bằng cách nhắn tin, chat... thay vì nói chuyện hay gặp gỡ nhau trực tiếp.

Không có facebook bạn làm gì Đọc sách, nghe nhạc, đi chơi... là những cách phổ biến được nhiều bạn trẻ lựa chọn khi không có facebook. Tuy nhiên, có bạn lại "chán đến chết" nếu không vào được facebook.

 

 


Duy Tín

Bạn có thể quan tâm