Lễ trao giải Oscar lần thứ 94 sẽ chính thức diễn ra vào tối 27/3 (giờ Mỹ). Ban tổ chức tuy tất bật chuẩn bị cho khâu công bố người thắng cuộc, họ cũng hồi hộp chờ đợi, để xem liệu mùa giải năm nay có chiếm được cảm tình của giới phê bình và khán giả hay không.
Theo Variety, Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh đang tìm cách cứu vớt sự uy tín trong mắt công chúng sau nhiều năm rating thấp thảm hại.
Sức hút giảm theo từng năm
Số liệu AP cung cấp cho thấy lượng rating của lễ trao giải Oscar lần thứ 93 (năm 2021) chỉ 9,85 triệu người xem, giảm gần phân nửa so với năm 2020.
Cụ thể hơn, Nielsen ước tính số người theo dõi trực tiếp vào thời điểm công bố hạng mục Phim truyện xuất sắc thấp hơn đến 58% so với 23,6 triệu của mùa giải trước, ngậm ngùi thiết lập "kỷ lục" giải Oscar ít người xem nhất.
Kể từ năm 2015, rating của Oscar đã rơi tự do. Năm đó với 37,3 triệu người xem đã được coi là giảm mạnh, huống hồ số liệu thê thảm của hiện tại. Ở thời kỳ huy hoàng, lễ trao giải phim ảnh lớn nhất hành tinh nằm ở mức 35-45 triệu lượt xem.
Hãng thông tấn Mỹ khẳng định khán giả đã hết mặn mà với các lễ trao giải. Chịu chung số phận với Oscar, Quả cầu vàng chỉ có 6,9 triệu người xem và Grammy chỉ thu hút 9,2 triệu khán giả.
Có đến 32,4 triệu kết quả khi tìm kiếm từ khóa "Rating Oscar giảm" trên thanh công cụ Google. Nhiều bài viết trong số đó dùng từ "thấp kỷ lục", "thấp nhất mọi thời đại" để diễn tả sự tuột dốc của Oscar.
Brad Pitt là người trao giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Youn Yuh Jung tại Oscar 2021. Ảnh: Getty. |
Trong kỷ nguyên Covid-19, nhiều rạp phim đóng cửa, người xem đã bớt thích thú sản phẩm điện ảnh - AP nhận định. Chưa kể, nhiều tác phẩm xa lạ xuất hiện trong lễ trao giải khiến khán giả thắc mắc và ngán ngẩm.
Nhà phân tích Marc Berman chia sẻ: "Tôi khá gian nan để xem hết chương trình. Đó đúng nghĩa là sự tra tấn. Khán giả phải chứng kiến những phát biểu nhận giải dài từ các bộ phim họ chưa từng xem hoặc nghe nói đến".
Kelly Lawler - cây bút chuyên phim của USA Today - cảm nhận "Oscar chẳng khác nào chương trình truyền hình dài lê thê, nhàm chán". Đồng tình quan điểm này, nhà phê bình Mike Hale của New York Times nói thêm: "Sự thay đổi - cho dù là vì đám đông ở nhà do giãn cách xã hội, cộng thêm chất lượng âm thanh tệ trong không gian này - là những điều khiến người xem cảm giác giống như đang ở trong căn phòng chết, cả về âm thanh lẫn cảm xúc".
Theo Los Angeles Times, ban tổ chức ngày càng muốn Oscar giống một bộ phim hơn. Điều đó khiến khán giả cảm thấy lễ trao giải không mang tính trực tiếp và hồi hộp.
Oscar là cỗ máy kiếm tiền của Viện Hàn lâm, khi Disney (chủ sở hữu đài ABC) chi 900 triệu USD cho bản quyền phát sóng lễ trao giải đến năm 2028. Tuy nhiên, với lượng rating giảm mạnh, bước đi của "Nhà Chuột" được chuyên gia nhận định là cực kỳ mạo hiểm.
Nguyên nhân vì đâu?
Bên cạnh khâu tổ chức đi vào lối mòn, không chịu lắng nghe ý kiến công chúng, Oscar khó chinh phục người xem bởi nhiều bê bối bủa vây.
Phong trào #OscarsSoWhite bùng nổ từ tháng 1/2016 sau phát ngôn mang tính thúc đẩy của đạo diễn da đen Spike Lee: "Hai năm liên tiếp, không người Mỹ gốc Phi nào được đề cử Oscar". Trong dòng chảy lên án nạn phân biệt chủng tộc, Will Smith đã đứng lên kêu gọi tẩy chay giải thưởng, trong khi đông đảo diễn viên da màu khác giận dữ, chỉ trích Viện Hàn lâm.
Theo Hollywood Reporter, danh sách 20 cái tên được đề cử cho các hạng mục diễn xuất năm ấy đều thuộc về diễn viên người da trắng. Khán giả dễ dàng nhận ra điều tương tự đã lặp lại trong nhiều mùa giải trước.
Will Smith tỏ thái độ bức xúc: "Tôi cho rằng nước Mỹ trở nên xinh xắn là do có sự đóng góp của người dân ở nhiều chủng tộc khác nhau. Hollywood là nơi đại diện rõ nhất cho sự đóng góp này nhưng Oscar không cho thấy điều đó".
Faye Dunaway và Warren Beatty không biết rằng sau màn đọc tên của họ, Oscar 2017 đã bị xem là mùa giải thảm họa. Ảnh: The Guardian. |
Những tưởng màn cởi vương miện trên đầu đại diện Colombia và đội lại cho người đẹp Philippines ở Miss Universe 2015 là sự cố trao nhầm giải thưởng gây ồn ào nhất thập kỷ, thì đến năm 2017, Oscar mắc sai lầm nghiêm trọng chẳng kém.
Ở hạng mục Phim truyện xuất sắc, thay vì xướng tên bộ phim đoạt giải là Moonlight, Faye Dunaway và Warren Beatty đã cầm nhầm phong bì và gọi tên La La Land. Khoảnh khắc "đăng quang hụt" của tác phẩm do Emma Stone đóng chính gây thất vọng tràn trề cho người xem.
Đạo diễn kiêm biên kịch Barry Jenkins - tác giả tượng vàng Phim truyện xuất sắc lần thứ 89 - há hốc mồm vì sốc. Anh cho rằng hẳn là ngay cả trong giấc mơ, bản thân cũng không thể nghĩ tới chuyện này.
Oscar giống nhiều giải thưởng khác ở chỗ khách mời luôn xem thảm đỏ là nơi phô diễn cá tính, nét đẹp riêng. Lợi dụng việc này, những người đẹp đỏm dáng thi nhau ăn mặc hở hang đến lố lăng, phản cảm nhằm thu hút sự chú ý.
Năm 2018, cô nàng kém danh Bleona Qereti bị chỉ trích với trang phục xuyên thấu và hở ngực lộ liễu. Nhiều người còn đòi tẩy chay ban tổ chức vì để cô xuất hiện. Qereti chỉ là một trong số ít trường hợp làm giảm đi giá trị của lễ trao giải.
Washington Post còn nhận định vụ ban tổ chức cắt sóng 4 hạng mục để nhường chỗ cho quảng cáo vào mùa giải 2019 đã khiến làn sóng tẩy chay Oscar mỗi lúc một mạnh mẽ hơn.
Thay đổi trước khi quá muộn
Sasha Stone - biên tập viên đồng thời là người sáng lập trang bình luận phim Awards Daily - cho rằng lý do khiến Oscar bị quay lưng là vì ban tổ chức đang trao giải dựa trên các nhà phê bình chứ không phải khán giả.
Bởi vậy, năm nay giải thưởng mới có thêm phần bình chọn trực tuyến cho khán giả để tìm ra phim điện ảnh được yêu thích nhất năm. Thông báo này được Viện Hàn lâm đưa ra vào ngày 14/2.
Theo đó, các fan có thể đề cử tác phẩm và trích đoạn yêu thích của họ qua Twitter cho đến ngày 3/3. Kết quả sẽ được ban tổ chức công bố trong buổi lễ chính thức ngày 27/3 ở nhà hát Dolby, Hollywood (Mỹ).
"Qua hoạt động này, người dùng mạng xã hội khắp thế giới sẽ tương tác nhiều hơn với giải thưởng. Họ cũng có thể gia nhập cộng đồng cùng sở thích và thưởng thức lễ trao giải theo cách hoàn toàn mới", đại diện Viện Hàn lâm, bà Meryl Johnson, phát biểu.
Quyết định trên gỡ gạc lại phần nào hình ảnh của Oscar. Hồi năm 2018, ban tổ chức đề xuất thêm hạng mục Phim được yêu thích để hướng tới các tác phẩm mang tính thương mại. Tuy nhiên, thành viên Viện Hàn lâm và giới phê bình đã phản đối.
Một trong những chiếc tượng vàng Oscar 2022 sẽ được trao cho chủ nhân hạng mục Phim điện ảnh được yêu thích nhất do khán giả bình chọn. Ảnh: Elnuevodia. |
Theo giới chuyên môn, Viện Hàn lâm tìm cách cứu vớt sự uy tín trong mắt công chúng với quyết định đổi tên hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài" thành "Phim quốc tế" từ tháng 4/2019.
Thay đổi trên giúp rộng đường cho hàng loạt nội dung ngoài Hollywood và các tựa phim không nói tiếng Anh chinh phục tượng vàng Oscar.
Variety bình luận về việc này: "Tính toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ đến Oscar khiến họ phải thay đổi, mở rộng cơ hội cho tất cả phim nước ngoài. Trong vài năm qua, số lượng thành viên sống ngoài Mỹ hoạt động trong Viện Hàn lâm cũng tăng lên".