Trao đổi với Zing.vn, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, khoảng 23h ngày 23/12, trận động đất có cường độ 3,2 độ richter, độ sâu chấn tiêu 11km xảy ra tại huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Đây là trận động đất thứ 6 xảy ra trong tháng 12/2015 tại địa phương này.
Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, từ tháng 5/2014 đến nay, tại huyện miền núi A Lưới và vùng phía tây thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) đã xảy ra 16 trận động đất cường độ nhỏ.
Bản đồ chấn tâm trận động đất với cường độ 3,2 độ richter xảy ra lúc 23h08 ngày 25/12 tại huyện A Lưới. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu. |
Trước tình hình động đất xảy ra liên tục, Tiến sĩ Anh cho biết Viện Vật lý địa cầu vừa đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn cấp lắp đặt khoảng 5 trạm quan trắc động đất tại huyện A Lưới và vùng lân cận. "Sau khi đo đạc, thu thập số liệu từ mạng lưới quan trắc, các nhà khoa học phân tích mới có thể công bố kết luận chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng động đất nơi đây", Tiến sĩ Anh nói.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng, thông thường đới đứt gãy kiến tạo địa chất hoạt động thì mới gây ra hiện tượng động đất. "Thời gian qua, động đất liên tiếp xảy ra ở huyện A Lưới hầu hết có cường độ nhỏ (dưới 3,5 độ richter) nên chưa gây thiệt hại về người và tài sản”, Tiến sĩ Anh nói.
Còn GS Cao Đình Triều - Chuyên gia nghiên cứu động đất cho biết thêm, sở dĩ động đất liên tục xảy ra ở huyện A Lưới là do đới đứt gãy kiến tạo địa chất đang hoạt động mạnh.
Trận động đất đầu tiên xuất hiện ở đây vào tháng 5/2014 với cường độ 4,7 độ richter. Sau đó, GS Triều cùng đoàn chuyên gia đã vào khảo sát, nghiên cứu bước đầu xác định tâm chấn trận động đất này nằm trong vùng lòng hồ thủy điện A Lưới.
"Nhiều khả năng động đất liên tục xảy ra ở huyện A Lưới thuộc dạng động đất kích thích. Viện Vật lý địa cầu từng khuyến nghị tỉnh lắp đặt ngay trạm quan trắc giám sát, đặc biệt là ở thủy điện A Lưới ", GS Triều nói.
Huyện A Lưới hiện có một hồ chứa nước của nhà máy thủy điện A Lưới xây dựng trên sông A Sáp, có dung tích hơn 60 triệu m3, bắt đầu tích nước từ tháng 9/2011. Các chuyên gia cho rằng, khi sự tăng ứng suất do áp lực của lượng nước quá lớn ở vùng lòng hồ tác động lên đới đứt gãy đang hoạt động gây phát sinh động đất kích thích.