Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khám phá vẻ đẹp của tiếng Việt

Là người Việt nhưng không phải ai trong chúng ta cũng hiểu hết tiếng Việt. Một số cuốn sách xuất bản những năm gần đây giúp bạn khám phá vẻ đẹp tiếng Việt.

Tieng Viet anh 1

Một số cuốn sách về tiếng Việt đã được xuất bản. Ảnh: Hạ Yến

Hiện nay, trên một số trang mạng xã hội về chữ nghĩa thường xuyên xuất hiện những câu hỏi về từng trường hợp cụ thể trong cách dùng từ, phân biệt chính tả hay tìm hiểu nguồn gốc của từ. Đi tìm lời giải cho những câu hỏi ấy, không ít người bỗng dưng như phát hiện ra sự kỳ thú của tiếng Việt mà bản thân vẫn đang nói và viết hàng ngày.

“Thích trong thân thích có nghĩa là gì?”, “Súp hay xúp”, “Vì sao 12 gọi là tá”, “Gạo cội là gạo gì?”, “Ông Ba Bị là ai?”, “Vì sao tiếng Việt không sử dụng f, j, w, z?”, “Cầm trịch là cầm cái gì?”... - đó chỉ là một vài trong số rất nhiều câu hỏi được “tuyển chọn” vào cuốn sách “Tiếng Việt ân tình” được ra mắt cách đây không lâu. Chủ biên của cuốn sách, tác giả Lê Trọng Nghĩa, chia sẻ: “Khi tìm hiểu sâu hơn, ta thấy tiếng Việt còn đẹp vô cùng bởi cách dùng từ, bởi sự vận dụng linh hoạt những từ mượn; bởi các câu tục ngữ, ca dao; bởi tên địa danh, tên món ăn, đồ uống... Đó là những tinh hoa đã được ông cha đúc kết lại trong suốt mấy ngàn năm lịch sử mà chỉ cần lần dở lại những trang sách ngày xưa, ta sẽ thấy ngay cả một kho tàng”.

Mang kho báu ngôn ngữ ấy ra giới thiệu với cộng đồng, “Tiếng Việt ân tình” đưa độc giả vào cuộc phiêu lưu với tiếng Việt đầy lý thú như “Nguồn gốc tên gọi áo bà ba”, “Giải mã tên các loại chè”, “Đáo để vốn có nghĩa là tận cùng”, “Những chữ đi kèm với oan”, “Cục súc vốn là cục xúc”, “Về tên các loại ma”, “Ốp la, ốp lết, ốp gạch, ốp tường”, “Sự thật về Bắc trong Bắc Mỹ Thuận, Bắc Cần Thơ”... Đó cũng là cách mà một số cuốn sách khác đã thực hiện như “Nỗi oan thì, là, mà”, “Từ vay hay dùng”, “Chữ xưa còn một chút này”, “Cổ mỹ từ”, “Ăn, uống, nói, cười và khóc”, “Người Việt nói tiếng Việt”... nhằm giải thích cặn kẽ nghĩa của từ, phân tích một số trường hợp viết sai, đề cập đến những thành ngữ, tục ngữ trước nay bị các từ điển bỏ sót hoặc giải thích chưa chính xác.

Có những từ, thường được sử dụng theo thói quen mà không hiểu hết và hiểu đúng nghĩa. Có những từ cổ mà theo năm tháng trôi qua đã làm phai dần nghĩa ban đầu, xuất hiện thêm nghĩa mới. Có không ít các thành ngữ, tục ngữ như “Tai vách mạch dừng”, “Đều như vắt tranh”... mà bởi do không hiểu nguồn gốc, xuất xứ của từ dẫn đến viết sai chính tả. Tác giả Hồ Xuân Mai trong cuốn sách “Ai làm đau tiếng Việt” đã dẫn hàng trăm trường hợp viết/ nói sai tiếng Việt trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, sau đó phân tích một cách đơn giản và dễ hiểu để độc giả nhận ra những cách viết, cách nói lâu nay vẫn được sử dụng theo thói quen nhưng lại sai về cấu trúc tiếng Việt, thừa từ, khó hiểu hoặc gây hiểu nhầm.

Tương tự, cuốn sách “Vui buồn cùng tiếng Việt” của tác giả Bùi Việt Bắc cũng chỉ ra sự nhầm lẫn của những từ tưởng như đã rất quen trong sách báo tiếng Việt, đồng thời lưu ý người sử dụng tiếng Việt đừng quá dễ dãi khi chấp nhận những từ, những tổ hợp từ “tưởng dễ mà lại khó”. Còn Giáo sư Cao Xuân Hạo, trong cuốn sách “Tiếng Việt, văn Việt, người Việt” đã viết: “Những lỗi về tiếng Việt, những cách dùng từ sai, những câu bất thành cú, đã được nêu lên không biết bao nhiêu lần từ hơn nửa thế kỷ nay mà các biên tập viên cũng cứ lặp lại hàng mấy chục lần trong một buổi truyền hình hay phát thanh, và cứ mỗi năm lại được bổ sung thêm hàng chục kiểu lỗi mới phát minh”, điều này có thể khiến cho lớp trẻ vì “nghe nhiều lần đâm quen, không thấy chướng tai nữa, và cứ thế thói nói ẩu, viết ẩu dần dần phổ biến”.

Được viết nên từ những suy ngẫm, trải nghiệm thực tế và các nguồn từ điển, sách vở, những cuốn sách về tiếng Việt mang đến nhiều đề tài thú vị cho độc giả. Bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt” của tác giả Lê Minh Quốc đưa bạn đọc trải nghiệm ngôn ngữ sinh động và thú vị qua những lát cắt văn hóa Việt phong phú như “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, “I cụt, y dài, y cà lết, y cờ rết”, “Nấu sử xôi kinh hay sôi kinh?”, “Vân vân và mây mây”, “Ăn từ... tiếng rao”, “Đố nhau để... cười”, “Chém gió méo mó tiếng Việt”, “Khi người Việt cười qua hò đối đáp”, “Vài lối cười của thơ Việt”... Dù bộ sách đã có 3 tập dày dặn, song tác giả Lê Minh Quốc cũng chia sẻ: “Đây vẫn là bộ sách chưa kết thúc. Vẫn tiếp tục. Vẫn còn viết. Viết thêm nữa” bởi còn quá nhiều đề tài thú vị và tiếng Việt lại vô cùng phong phú, phong cách dùng từ cũng đa tầng, đa nghĩa biến chuyển theo không gian và thời gian.

Đưa độc giả khám phá vẻ đẹp của tiếng Việt, NXB Trẻ có bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” với các tác phẩm như “Từ câu sai đến câu hay”, “Đi tìm bản sắc tiếng Việt”, “Cuộc sống ở trong ngôn ngữ”, “Triết lý tiếng Việt”, “Vẻ đẹp ngôn ngữ vẻ đẹp văn chương”, “Muôn màu lập luận”, “Tiếng Việt phương Nam”... trong đó không ít tác phẩm đã được tái bản nhiều lần cho thấy sức hút của dòng sách về tiếng Việt với độc giả ngày nay.

https://hanoimoi.vn/kham-pha-ve-dep-cua-tieng-viet-661673.html

Vân Hạ/Hà Nội Mới

Bạn có thể quan tâm