Xuất hiện tại tập 6 chương trình Shark Tank 2023, Beecube là startup đầu tiên nhận được "vé vàng” từ chương trình này, với số vốn là 8 tỷ đồng cho 22,5% cổ phần. Sản phẩm của thương hiệu Việt này được đánh giá là thân thiện với người dùng, giá thành tốt và đang tạo nên xu hướng giải trí mới.
Xu hướng giải trí tại gia
Với lối sống hiện đại, bên cạnh tivi, người dùng trẻ có xu hướng lựa chọn máy chiếu tích hợp 3 trong 1 (tivi box, loa, màn hình) để giải trí. Máy chiếu mini cũng dần phổ biến hơn với đa dạng mẫu mã và mức giá bình dân. Gần đây, thị trường chào đón Beecube. Đây thương hiệu Việt đầu tiên phát triển và thương mại máy chiếu mini thông minh phục vụ nhu cầu nghe nhìn trên màn ảnh rộng cho người Việt.
Với sản phẩm “tạo trend”, có tính thẩm mỹ cao và tích hợp trợ lý AI, “tân binh” Beecube nhanh chóng được đón nhận và trở thành top thương hiệu máy chiếu bán chạy nhất tại Việt Nam, theo báo cáo thị trường máy chiếu trên Thương mại điện tử 2023 công bố bởi Metric.vn.
Trong đó, Beecube Xtreme II là sản phẩm nổi bật của thương hiệu này. Trong tầm giá chỉ 6,6 triệu đồng, Xtreme II trang bị nhiều tính năng thông minh. Chất lượng hiển thị tốt với độ sáng và tương phản cao hơn so với máy chiếu truyền thống. Sản phẩm cũng “lấy lòng” người dùng với khả năng lấy nét, canh góc nghiêng và nâng cao góc máy tự động, không cần điều chỉnh thủ công.
Máy chiếu Beecube Xtreme II |
Đặc biệt, dòng máy này cũng "ghi điểm” với tín đồ công nghệ nhờ trang bị trợ lý giọng nói Kiki. Thay vì tốn thời gian bấm điều khiển, chỉ bằng những câu lệnh ngắn gọn, người dùng đã có thể giao tiếp với Beecube Xtreme II. Trải nghiệm giải trí vì thế cũng trọn vẹn & mượt mà hơn. Nhờ đó, trợ lý giọng nói Kiki cũng được xem là “điểm nhấn bán hàng” trên các dòng máy Beecube.
Beecube tích hợp trợ lý giọng nói Kiki mang lại trải nghiệm thông minh. |
Điều khiển bằng giọng nói tiện dụng hơn
Kiki được cài đặt mặc định trên các dòng máy chiếu Beecube nên người dùng sẽ không cần phải tải mới ứng dụng này. Để sử dụng, người dùng chỉ cần tìm và chọn biểu tượng Kiki có sẵn trên màn hình chính, sau đó đồng ý cấp quyền truy cập điều khiển bằng giọng nói. Tiếp đến, người dùng cần thiết lập tài khoản để cá nhân hóa trải nghiệm. Việc đăng nhập có thể thực hiện bằng 2 cách: quét mã QR bằng ứng dụng Zalo hoặc mở trình duyệt theo đường link được cung cấp sẵn và nhập mã hiển thị trên màn hình để hoàn thành đăng nhập.
Cách 1 - Đăng nhập tài khoản bằng cách quét mã QR qua ứng dụng Zalo |
Cách 2 - Đăng nhập tài khoản bằng trình duyệt |
Sau khi đăng ký tài khoản xong, trên giao diện sẽ xuất hiện các câu lệnh mẫu để người dùng trải nghiệm thử như: mở phim (mở phim hài, phim tình cảm…), mở kênh truyền hình, mở ứng dụng (YouTube, Netflix…) hay tra cứu các thông tin khác (dự báo thời tiết, giá vàng hay giá đô la Mỹ…)
Câu lệnh mẫu dành cho người lần đầu trải nghiệm trợ lý Kiki |
Sau khi thiết lập, để sử dụng Kiki, người dùng chỉ cần ấn giữ nút biểu tượng micro trên remote và nói nội dung câu lệnh. Gần như ngay lập tức, trợ lý sẽ thông báo đang tìm kiếm và cho kết quả như mong muốn. Thậm chí, nếu thao tác không thành công do chưa cài đặt ứng dụng, Kiki cũng phản hồi rõ nguyên nhân và nhắc nhở người dùng cài ứng dụng vào máy chiếu.
Người dùng bấm giữ nút biểu tượng micro trên remote để ra lệnh cho Kiki |
Trải nghiệm “thuần Việt” giúp chinh phục người dùng
Kiki nhận dạng tốt giọng nói với nhiều ngữ điệu vùng miền khác nhau. Nhờ vậy, tốc độ xử lý và phản hồi nhanh chóng. Ngoài ra, giọng nói của trợ lý này cũng được xử lý tự nhiên, gần gũi với giao tiếp hằng ngày, nên tạo cảm giác thân thuộc hơn so với các trợ lý AI khác trên thị trường.
Lý giải về quyết định lựa chọn Kiki để tích hợp vào máy chiếu của mình, anh Phan Anh Vũ – Nhà sáng lập & CEO thương hiệu Beecube cho biết “Kiki mang đến giọng nói rất hay, tự nhiên và ấm áp. Do đó, mình rất thích nghe giọng của Kiki. Đồng thời, trợ lý giọng nói này cũng cho phép tùy chọn ứng dụng sâu với các app từ hệ sinh thái của Bee Store”
“Đặc biệt, Kiki là trợ lý thuần Việt, tương đồng với Beecube cũng là thương hiệu Việt Nam. Mình muốn tích hợp Kiki vào các sản phẩm Beecube để sản phẩm mang đậm tinh thần Việt Nam” - Anh Vũ hào hứng chia sẻ.
Anh Phan Anh Vũ - Nhà sáng lập & CEO thương hiệu máy chiếu Beecube |
Được biết, trợ lý Kiki là một sản phẩm trí tuệ nhân tạo do các kỹ sư Zalo AI ra mắt vào tháng 12/2020 và nhanh chóng xuất hiện trên đa dạng thiết bị, như loa thông minh, ôtô, tivi, với số lượt cài đặt và sử dụng không ngừng tăng trưởng. Tiêu biểu như với Kiki Auto (dùng trên ôtô), vào tháng 3/2023, trợ lý này đạt 300.000 lượt cài đặt. Đến tháng 12/2023, lượt cài đặt đã tăng gấp đôi, vượt mốc 600.000 ôtô cài đặt. Trung bình mỗi ngày Kiki ghi nhận thêm gần 1.100 ôtô cài đặt mới và số lượt truy vấn khủng - trên 230.000 lượt/ngày.
Với thành công đó, Kiki là trợ lý AI mà các hãng công nghệ mong muốn tích hợp để tăng trải nghiệm cho người dùng. “Công nghệ ra lệnh bằng giọng nói trên máy chiếu hiện có rất ít thương hiệu tích hợp được. Do đó, việc Beecube mang trợ lý tiếng Việt Kiki lên những sản phẩm của mình được xem là bước ngoặt lớn của chúng tôi.” - Nhà sáng lập và điều hành Beecube cho biết.
Hướng đến tương lai, nhà sáng lập Beecube cũng không ngần ngại chia sẻ kế hoạch tích hợp Kiki cho dòng sản phẩm loa Bluetooth Android thông minh sắp ra mắt. Có thể thấy, việc tích hợp trợ lý giọng nói tiếng Việt như Kiki đang là một điểm nhấn, giúp các sản phẩm công nghệ chinh phục người dùng tại thị trường Việt Nam.