Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khám phá mọi không gian bằng trí tuệ nhân tạo

Bằng cách kề vai sát cánh cùng trí tuệ nhân tạo, chúng ta sẽ có cơ hội được khám phá mọi không gian mà hoàn toàn không chịu sự chi phối bởi điều gì.

Hãy lấy mô tả về lý thuyết hấp dẫn của Albert Einstein làm ví dụ. Theo thuyết này, không gian, thời gian có thể được coi như một tấm vải đàn hồi. Khi Mặt Trời hoặc một hành tinh rất lớn nào đó tựa vào tấm vải, nó sẽ làm tấm vải bị uốn cong.

Bạn hãy hình dung tấm vải này giống như một tấm ga trải giường được 4 đứa trẻ giữ ở 4 góc rồi đặt một quả bóng rổ vào chính giữa; hiển nhiên tấm ga sẽ uốn cong.

Bây giờ, nếu ta đặt một viên bi bên cạnh quả bóng rổ, thì độ cong của tấm ga sẽ buộc viên bi dịch chuyển lại gần quả bóng. Đó chính là trọng lực.

Tuy nhiên, nếu bạn áp dụng một lối giải thích mang màu sắc khoa học máy tính như lý thuyết dây cho các cấu trúc, thì vũ trụ được tạo thành từ các phần tử rời rạc, hoặc các dây, với kích thước chỉ tính bằng chiều dài “Planck”, tức giới hạn nhỏ nhất về kích thước của một đối tượng bất kỳ trong vũ trụ.

Một đối tượng nhỏ bằng chiều dài Planck chính xác là một “nguyên tử” không thể chia tách, hay như người Hy Lạp từng đặt giả thuyết: Nó không thể bị cắt thành các đối tượng nhỏ thêm nữa.

Vì vậy, nếu coi vũ trụ là một tập hợp các “tế bào” có kích thước bằng một chiều dài Planck, thì về mặt lý thuyết, nó có thể được mô hình hóa thành một cấu trúc dữ liệu, tức nó là một danh sách dữ liệu dài dằng dặc và có thể còn trải ra vô hạn.

Tuy nhiên, danh sách ấy gồm các biểu tượng rời rạc chứa trong các tế bào có kích thước cố định. Tất cả điều này chỉ để nói lên rằng, theo một nghĩa nào đó, vũ trụ là vật có thể tính toán được.

Vậy cơ chế nào đang được đưa vào sử dụng trong công cuộc “tính toán thực tế” ấy? Có thể nào ý thức cũng là một kiểu cơ chế như vậy? Phải chăng ý thức của mỗi thực thể có tri giác chính là thuật toán điều hướng cấu trúc dữ liệu của vũ trụ, để trải từng lát cắt dữ liệu tại từng thời điểm ra trước mắt thực thể ấy?

vu tru anh 1

Hình ảnh vũ trụ hiển thị qua phần mềm thực tế ảo. Ảnh: EPFL.

Ngày nay, lĩnh vực nghiên cứu này đang thu hút sự chú ý dồn dập của các nhà vật lý, đặc biệt trong số đó phải kể đến nhà vũ trụ học Max Tegmark. Hiện ông đang tìm cách chính thức hóa việc nghiên cứu nhận thức và ý thức như những trạng thái của vật chất - một khái niệm được ông đặt tên là "perceptronium".

Những ý tưởng trên rất thú vị, song đối với đại bộ phận con người đang sống trong cuộc sống thực tế thường nhật hiện nay, chúng quả thực đầy choáng ngợp và thậm chí còn quá khó hiểu.

Việc cùng lúc có được mọi trải nghiệm về thời gian thì có ý nghĩa gì? Loại ý thức nào có khả năng tạo ra những thực tế thay thế? Hiện nay có bao nhiêu loại ý thức?

Cho đến nay, những kiểu tri thức này vẫn nằm ngoài tầm hiểu biết của tâm trí con người. Nhưng có thể chúng không nằm ngoài tầm hiểu biết của trí tuệ nhân tạo.

Nếu giả định một loại ý thức khác có thể nhận biết thời gian theo một cách hoàn toàn khác, thì trí tuệ nhân tạo có thể nhận thức về thời gian theo cách ngược hoàn toàn với con người không? Nó sẽ thấy thời gian trôi nhanh hơn? Hay chậm hơn?

Những bí ẩn về thời gian và các chiều của không gian có thể được trí tuệ nhân tạo giải mã theo những cách mà con người không bao giờ có thể tự tiến hành.

Đây không chỉ là một câu chuyện đơn giản kiểu như trí tuệ nhân tạo cung cấp các robot với khả năng di chuyển hiệu quả hơn so với người lao động; mà đó là một sự thay đổi sâu sắc trong hiểu biết của chúng ta về cơ chế hoạt động của vũ trụ.

Trong tương lai, một trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra những biến đổi ở cấp độ thiên hà; một liên minh nắm trong tay loại trí tuệ nhân tạo với ý thức ngày càng tăng tiến này sẽ cho phép tạo ra những tâm trí không còn chịu sự cản trở của hàng trăm triệu năm tiến hóa.

Những tâm trí mới có thể vươn rất xa khỏi tầm ảnh hưởng của lý trí thường tình và khám phá ra những thứ mang giá trị lớn lao mà những bộ nhớ kết hợp của chúng ta không bao giờ có thể nghĩ đến.

Thậm chí, chúng ta có thể coi ý tưởng về trí tuệ nhân tạo này giống như một “lỗ giun vũ trụ” trong vũ trụ của ý tưởng.

Bằng cách kề vai sát cánh cùng trí tuệ nhân tạo, chúng ta sẽ có cơ hội được khám phá một không gian ý tưởng hoàn toàn không bị chi phối bởi những hạn chế mà quá trình tiến hóa đã đặt lên các đặc điểm sinh học của con người.

Chúng ta sẽ phát hiện ra những viên ngọc kiến thức tiềm ẩn nhất của vũ trụ. Và cuối cùng, chúng ta có thể trở thành đấng sáng tạo của cuộc sống mới.

Amir Husain/ Thái Hà Books và NXB Công Thương

SÁCH HAY