Tờ Minh báo Hong Kong cho biết, nam tài tử kiêm đạo diễn Châu Tinh Trì là người rất am hiểu kinh doanh. Ông sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ HKD (tương đương với hơn 4 nghìn tỷ đồng) từ đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản, kinh doanh game trực tuyến, đầu tư phim ảnh...
Kinh doanh bất động sản
Khi mới nổi danh vào thập niên 90, diễn viên họ Châu đã đã mạnh tay đầu tư mua căn hộ đầu tiên giáp vườn hoa trên đường Bảo Vân, thuộc khu trung tâm Hong Kong. Từ đó, ông chính thức gia nhập giới kinh doanh bất động sản.
Châu Tinh Trì và một trong những khối bất động sản ở Hong Kong. Ảnh: Soufun |
Tháng 10/1996, Châu Tinh Trì dùng 83,8 triệu HKD (khoảng 226 tỷ đồng) mua đứt khu biệt thự cao cấp 4 tầng trên con phố đắt đỏ Pollock Path (Phổ Lạc Đạo) của Hong Kong làm nơi ở. Việc này đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao của dư luận lúc bấy giờ.
Tháng 3/2004, nam diễn viên chuyển nhượng khu biệt thự này với giá 200 triệu HKD (540 tỷ đồng). Sau đó, ông đầu tư thêm 320 triệu HKD (864 tỷ đồng) mua khu bungalow trên đỉnh núi Thái Bình (Victoria Peak). Đây là địa điểm đắt đỏ nhất thế giới với nhiều gia đình giàu có sinh sống tại đây.
Thời gian này, Châu Tinh Trì hợp tác với công ty bất động sản có tiếng của Hong Kong là Yau Lee cùng xây dựng 4 khu siêu cao cấp trên mảnh đất vàng ở núi Thái Bình. Trị giá mỗi căn hộ ở đây lên đến 400 triệu HKD (hơn 1 nghìn tỷ đồng). Hợp đồng này đưa tên tuổi của công ty nổi tiếng khắp thế giới.
Không dừng lại, Châu Tinh Trì mua hai gian hàng ở địa điểm "tấc đất tấc vàng" Sin Tat Plaza và cho thuê lại với giá mỗi tháng 230.000 HKD (621 triệu đồng). Năm 2004, ông bán đứt hai gian hàng trên với giá 43 triệu HKD (116 tỷ đồng).
Đi tới đâu Châu Tinh Trì cũng nhìn thấy khả năng phát triển của một mảnh đất hay khối bất động sản. Ảnh: Zhiyin |
Những năm tiếp sau, vẫn kiểu "mua một vốn, bán bốn lời", Châu Tinh Trì ngày càng làm kho tài sản của mình sinh sôi, phát triển. Tên tuổi của "vua phim hài" lớn đến mức ông có thêm danh hiệu "vua nhà đất" hay "vua bất động sản".
Kinh doanh chứng khoán
Lĩnh vực chứng khoán cũng là thị trường béo bở và am tường của Châu Tinh Trì. Ngay từ năm 1989, Châu Tinh Trì đã thành lập Công ty hữu hạn Tinh Vỹ, với đội ngũ giám đốc bao gồm Châu Tinh Trì, em gái của ông là Châu Tinh Hà cùng mẹ là Lăng Bảo Nhi.
Sau 4 năm, Châu Tinh Trì xây dựng công ty Điện ảnh Thái Tinh Hong Kong (Filmography Production Company) cùng với một số đồng nghiệp, trong đó có cộng sự "khét tiếng" Trương Quốc Huy. Sản phẩm điện ảnh đầu tay của công ty là Đại thoại tây du do đạo diễn Lưu Chấn Vỹ dàn dựng.
Sau này đạo diễn Lưu tiết lộ, doanh thu phòng vé của Đại thoại tây du tuy không bùng nổ nhưng cũng đủ giúp mang về cho Châu Tinh Trì 60 triệu HKD. Với số tiền trên, Châu Tinh Trì tiếp tục đầu tư kinh doanh bất động sản.
Nhờ danh tiếng của Tinh Trì, tập đoàn Tỉ Cao đã nhanh chóng có danh tiếng trên thương trường. Ảnh: XKB |
Đáng chú ý là bộ phim Thần ăn (1996) của Thái Tinh. Doanh thu phòng vé khi đó vượt qua con số 40 triệu HKD (162 tỷ đồng). Nhờ chất lượng phim và yếu tố giải trí, cộng với doanh thu quốc tế, phim đã trở thành nguồn thu chính cho công ty.
Ngoài ra, công ty còn có doanh thu từ bán bản quyền phim trong nước, bản quyền ở nước ngoài, tiền quảng cáo... Thời gian đó, Châu Tinh Trì vừa đóng vai trò đạo diễn, nhà sản xuất, vừa liên tiếp cho ra đời các phim kinh điển như Đội bóng thiếu lâm, Kungfu, Trường Giang số 7...
Trong 17 năm trở lại đây, công ty Thái Tinh cho ra đời 8 bộ phim điện ảnh, với doanh thu toàn cầu vượt qua mốc 2 tỷ HKD. Công ty cũng mở thêm chi nhánh ở nước ngoài. Tháng 5/2010, Thái Tinh chính thức lên sàn tại Hong Kong. Tất nhiên, Châu Tinh Trì là cổ đông lớn nhất. Ông cũng nắm quyền tuyệt đối với tất cả các cổ phiếu của công ty.
Châu Tinh Trì đảm nhiệm vai diễn chính trong Đại thoại tây du, sản phẩm điện ảnh đầu tay của tập đoàn. Ảnh: Baidu |
Nghệ sĩ hòa âm Hoàng Anh Hoa - một đồng nghiệp lâu năm của Châu Tinh Trì - cho biết: "Trước đây, đi cùng Châu Tinh Trì, mỗi lần qua một địa điểm, ông ấy đều nhận định khu vực đó có khả năng phát triển hay không. Sau đó, Châu Tinh Trình gọi điện cho thư ký trao đổi về việc có nên mua hay không. Ông ấy là người thông minh và có chủ kiến trên thương trường".
Đầu tư rạp chiếu phim
Ngoài bất động sản và chứng khoán, Châu Tinh Trì còn ký hợp đồng đầu tư với hãng điện ảnh Trung Hoa. Theo đó, họ sẽ cùng nhau đầu tư và quản lý các rạp kỹ thuật số cao cấp ở đại lục.
Châu Tinh Trì cũng mua lại hai rạp chiếu là Việt Giới và Gia Dụ - hai rạp chiếu hút khách nhất nhì Trung Hoa.
Châu Tinh Trì (phải) trên phim trường bộ phim điện ảnh Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện. Ảnh: Sina |
Châu Tinh Trì còn có một đội ngũ cố vấn đầu tư chuyên nghiệp. Trước khi ký kết một hợp đồng quan trọng, đội cố vấn đều nghiên cứu và điều tra thị trường tất cả chuỗi rạp chiếu tại các thành phố hạng 2 và 3 ở đại lục.
Năm 2012, Châu Tinh Trì thành lập 10 rạp chiếu và Việt Giới là chủ quản. Mỗi rạp được đầu tư khoảng 120.000 NDT (407 triệu đồng) cho mỗi ghế ngồi. Những rạp chiếu trên khắp Trung Quốc đại lục mà Châu Tinh Trì đầu tư đều có ở các thành phố như Thành Đô, Thượng Hải, Chu Hải, Trùng Khánh Hàng Châu, Lâm An...
Đầu tư vào du lịch
Hạng mục du lịch đầu tư gần đây nhất của Châu Tinh Trì là công viên chủ đề Tây Du Ký. Dự án này được xây dựng trên diện tích đất rộng khoảng 1.000 mẫu, khởi công vào cuối năm 2013 và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2015.
Nhiều người thắc mắc vì sao Châu Tinh Trì không làm như Thành Long, tức là dùng tên của chính mình đặt cho rạp chiếu phim mà ông đầu tư. Câu hỏi này đã được Châu Tinh Trì giải đáp: "Nhân tố chính của tôi không nằm ở tên của mình. Tên của tôi cũng đâu có sức ảnh hưởng gì. Một doanh nghiệp thường không có liên quan gì đến ảnh hưởng của một cá nhân, mà phải nhìn nhận ở bản thân doanh nghiệp có làm ăn ra gì không, có kiếm ra tiền không, đó mới là điều quan trọng nhất".