Theo phân tích của blog Tuấn Công Thư phòng (tác giả Hoàng Tuấn Công, Thanh Hóa), trước tiên, về khoản cợt nhả, trêu ngươi, tù mù chữ - nghĩa, nói một đường hiểu một nẻo thì tác giả Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2, 3 không thua kém gì của Vũ Chất từng gây nên bức xúc trong dư luận vừa qua. Không hiểu những đứa bé lên 8-9 tuổi, sử dụng cuốn từ điển này sẽ "học" được những gì?
Cách định nghĩa trong những cuốn từ điển này thể hiện rõ trong các ví dụ dưới đây:
- Ai điếu (danh từ): Bài văn chia buồn với người… đã chết.
- Ẩy (động từ): Xúi giục. VD: Ẩy mèo bắt chuột.
- Bắt rể (đgt): Đem rể về… nuôi tại nhà mình.
- Cào cấu (đgt): Cào và cấu. Rất dễ hiểu.
- Cảm quan (dt): Các bộ phận cơ quan thuộc về… cảm giác
- Chết (đgt): Hết sống.
- Con ếch (dt): Loại nhái mình lớn, thịt ngon.
- Nhái (dt): Loại ếch nhỏ.
- Chồn (dt): Loại thú thường bắt gà.
- Bai (dt): Dụng cụ của thợ nề. (Viết cho đúng là Bay).
- Đền (dt): Chỗ vua ở. Chỗ thờ phụng lớn.
- Tâm thần (dt): Tâm trí và tinh thần. Rất đơn giản như là… đang giỡn.
Nhiều từ Khắc Trí - Trọng Tấn giải nghĩa rất thô, sai nghĩa, dẫn nghĩa cổ không còn dùng, hoặc cóp nhặt cách diễn đạt thiếu chính xác của từ điển khác. Sau đây, là một số ví dụ khác:
- Tao (dt): Lấy vợ từ thuở nghèo hèn (!?)
- Ca khúc (dt): Một bản nhạc ngắn.
Bìa các cuốn từ điển dành cho học sinh cấp 1, với những nội dung như kiểu từ điển của Vũ Chất từng gây xôn xao. |
Gọi là Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2, 3, nhưng sách không hề có tiêu chí biên soạn hay dấu hiệu nào gọi là “dành cho học sinh lớp 2, 3”. Ví dụ với học sinh tiểu học, những từ liên quan đến nhận biết thế giới xung quanh, mô tả màu sắc, hương vị rất quan trọng (các em thường xuyên phải sử dụng trong các bài văn miêu tả); cần có cách diễn đạt, giải nghĩa riêng, phù hợp với cấp học.
Tuy nhiên phần lớn từ điển không ghi nhận, giải thích: Đỏ chót, đỏ chói, đỏ ửng, đỏ lòm, đo đỏ... Đen sì, đen kịt, đen sạm, đen nhức, đen ngòm, đen đen...; Trắng toát, trắng ngần, trắng nõn, trắng ngà, trắng xanh, trăng trắng..; Xanh ngắt, xanh ngát, xanh rờn, xanh non, xanh mơn mởn, xanh mướt, xanh đen... Thơm nức, thơm lừng, thơm lựng, thơm ngát... không thấy có trong từ điển.
Tuy nhiên, sách lại “giới thiệu” rất nhiều từ kiểu như: Đĩ; Đĩ đực (hai từ này bị giải nghĩa sai); Bao cao su; Điếm; Đĩ điếm; Quang dẫn; Triết thuyết; Duy vật (giải nghĩa sai); Trinh; Trinh tiết; Màng trinh; Bán dâm; Bạo dâm; Cuồng dâm; Hồ, Xự, Xang, Xê, Cống (5 cung); Ban bạch (bệnh); Bán hạ (vị thuốc) Thục địa (thuốc) An tức hương (một thứ nhựa thơm) Bát nhã...
Từ điển ghi ngoài bìa có 2 phần “Giải nghĩa từ và Mở rộng vốn từ”. Phần“Mở rộng vốn từ” là dấu hiệu duy nhất của “từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2, 3”. Tuy nhiên phần này chỉ có 16 trang trong tổng số 623 trang, liệt kê (không giải nghĩa) một số từ thông dụng. Ví dụ:
- Mục “Tên một số loài chim gọi theo hình dáng”, từ điển liệt kê “chim két, chim sáo...”. Nhưng hai loài chim này được đặt tên dựa theo tiếng kêu (Chim két vừa bay vừa kêu: két... két, chim sáo đậu trên cành cao, thỉnh thoảng huýt như tiếng sáo thổi vi vu trong gió).
- Mục “Tên cách loài chim gọi theo cách kiếm ăn” liệt kê “chim cú, chim bìm bịp...”. Nhưng hai loài chim này được gọi tên dựa theo tiếng kêu. Chim cú đi ăn đêm hay kêu: cú rúc... cú rúc (còn gọi là “cú bói”); chim bìm bịp hay kêu: bịp...bịp... trong bụi cây.
Anh Hoàng Tuấn Công cũng khẳng định, lỗi chế bản của Từ điển rất nhiều. Ví dụ: Báo oán thành bá oán (trang 45); mút (mút kẹo) thành nút (trang 129); Nghèo túng thành nghèo tùng (trang 144); Chắt lọc thành chất lọc (trang 174); Rừng thành rừn (trang 316); Cây vầu thành cây vẩu (trang 564); chiều chuộng thành chìu chuộng; cưng chiều thành cưng chìu (trang 608); Cuộc đời thành xuộc đời (trang 612)...
Chất lượng từ điển là vậy, thế nhưng trong Lời nói đầu, “Nhóm biên soạn” đã tự tin giới thiệu: “Với cách trình bày chính xác, rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn, dễ hiểu, lại vừa đủ tinh tế...”; “... phương pháp giải nghĩa dựa trên cách nghĩ, cách nhận cảm (đúng ra phải là “cảm nhận”) kiểu tư duy của người Việt...”
Cả ba cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của Khắc Trí-Trọng Tấn với đầy rẫy những sai sót nêu trên đều được Cục xuất bản xác nhận Kế hoạch xuất bản và NXB Đồng Nai cấp Quyết định xuất bản.
Các nhà làm từ điển, làm sách tại TP HCM thì cho rằng, "nhóm" biên soạn này đã "mua" giấy phép xuất bản của NXB Đồng Nai để thực hiện các cuốn từ điển này. Điều này thấy rõ ở "hành trình" ra thị trường của các cuốn từ điển: Từ nhà sách Cao Minh đến CTy TNHH MTV dịch vụ văn hoá Khang Việt. Được in xong và nộp lưu chiểu vào quý III năm 2012, còn rất "nóng" trên thị trường sách.