Báo cáo của Greenpeace (Tổ chức Hòa bình Xanh) cho thấy các đại dương trên thế giới đang đối mặt nguy cơ mới là ngành khai thác khoáng sản biển sâu. Các công ty "xếp hàng" để khai thác kim loại và khoáng sản dưới đáy biển.
Theo nghiên cứu của Greenpeace, mặc dù không có hoạt động khai thác nào dưới đáy đại dương, 29 giấy phép thăm dò đã được cấp để thăm dò một diện tích đáy biển gấp 5 lần Vương quốc Anh. Các nhà môi trường cho biết việc khai thác sẽ đe dọa không chỉ các hệ sinh thái quan trọng mà cả cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Một cánh tay robot phá vỡ khối đá giàu khoáng chất để lấy mẫu dưới biển sâu ngoài khơi bờ biển Papua New Guinea. Ảnh: Nautilus Minerals. |
Louisa Casson, một nhà vận động đại dương tại Greenpeace, cho biết: "Sức khỏe của đại dương có liên quan mật thiết đến sự sống còn của chính chúng ta. Trừ khi chúng ta hành động ngay bây giờ để bảo vệ chúng, việc khai thác dưới biển sâu có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho sinh vật biển và loài người".
Theo Guardian, các giấy phép được cấp bởi Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) thuộc Liên Hợp Quốc. ISA đã cấp phép cho một số quốc gia để bảo trợ cho các công ty tư nhân. Họ quản lý các khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương với tổng diện tích 1,3 triệu km2.
Nếu việc khai thác được tiến hành, các máy móc lớn sẽ được hạ xuống đáy biển để khai thác coban và các kim loại hiếm khác.
Các nhà vận động cho biết các hoạt động này sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng khẩn cấp của khí hậu bằng cách phá hủy các mỏ carbon dưới đáy biển, làm giảm khả năng lưu trữ của đại dương.
Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản biển sâu cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bằng cách cung cấp nguyên liệu thô để sản xuất pin, máy tính và điện thoại. Những người ủng hộ nói rằng khai thác biển sâu ít gây hại cho môi trường và công nhân hơn phần lớn các hoạt động khai thác và khoáng sản hiện nay.
Nhà môi trường học Chris Packham, viết trên tờ Guardian, cho biết khai thác khoáng sản biển sâu gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các đại dương toàn cầu.