Ngồi thất thần trong căn nhà trống, chị Mai Thị Linh (25 tuổi, xóm 4B xã Nga Trường, Nga Sơn, Thanh Hóa) cho biết, sáng 7/11, chị đưa con trai Đậu Duy Phú (12 ngày tuổi) đến trạm y tế xã tiêm vắc-xin phòng lao theo định kỳ. Tại đây, sau khi khám sàng lọc tư vấn tiêm chủng, các thông số kỹ thuật bình thường, nhân viên y tế tiến hành tiêm cho cháu Phú.
Đứa trẻ sau khi tiêm được đưa về nhà. Rạng sáng 8/11, người mẹ trẻ giật mình tỉnh giấc khi con trai nằm bên cạnh vặn mình, miệng nấc nghẹn. Chị Linh hốt hoảng gọi người thân đến kiểm tra.
“Lúc 2h, cháu vặn mình, miệng liên tục nấc, da bình thường. Sau đó mọi người xoa bóp nên cháu hồi tỉnh lại”, chị Linh kể.
Vợ chồng chị Linh đau đớn trước cái chết của con trai, yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ việc. Ảnh: Duy Cảnh. |
Khoảng 3 giờ sau, bé tiếp tục nấc nghẹn, sốt cao. Gia đình vội vàng đưa tới Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn cấp cứu. Nửa giờ sau, bé tử vong. Việc chôn cất nạn nhân được tiến hành ngay sau đó.
“Cháu được đẻ thường, nặng 3,2 kg, sức khỏe bình thường. Hôm đó cũng có nhiều đứa bé khác được tiêm nhưng chỉ mình con tôi chết oan uổng thế...”, chị Linh đau đớn.
Dù không phàn nàn gì về thái độ làm việc của nhân viên y tế, song gia đình chị vẫn gửi đơn tới Công an huyện đề nghị làm rõ nguyên nhân vụ việc liệu có liên quan tới chất lượng vắc-xin hay vì lý do nào khác. Phú là con thứ hai của vợ chồng chị Linh.
Là người trực tiếp tiếp nhận và khám sức khỏe nạn nhân, ông Mai Kim Tuyến (Trạm trưởng trạm y tế xã Nga Trường) cho biết, cháu Phú được tiêm vắc-xin BCG. “Đây là loại vacxin do trung tâm y tế dự phòng huyện Nga Sơn cung cấp. Tại địa phương, việc tiêm chủng chưa từng xảy ra tai biến”, ông Tuyến nói.
Theo vị trạm trưởng, thực hiện chỉ đạo của ngành y tế, từ năm 1983 đến nay, Trạm y tế xã Nga Trường được giao nhiệm vụ tiêm vắc-xin phòng lao định kỳ hàng tháng cho trẻ dưới 1 tháng tuổi. Sáng 7/11, trạm xá Nga Trường tiếp nhận 7 cháu bé đến tiêm vacxin BCG. Phú là trẻ tiêm đầu tiên.
"Trước khi tiêm, chúng tôi đã khám sức khỏe cháu Phú, mọi thông số đều bình thường. Gia đình cũng đồng ý cho con trai tiêm”, trạm trưởng Nga Trường cho biết.
Giữ cháu Phú ở lại trạm theo dõi trong khoảng nửa giờ, ông Tuyến sau khi khám lại thấy sức khỏe cháu bé ổn định nên đã đồng ý để gia đình đưa con về. Trước khi cho về, ông có tư vấn gia đình cháu bé về tác dụng phụ của thuốc cũng như việc mưng mủ ở vết tiêm. Ông cũng đề nghị gia đình theo dõi và báo lại cho cán bộ y tế nếu thấy diễn biến bất thường.
Trạm trưởng Tuyến khẳng định làm đúng quy trình tiêm chủng. "Đây là sự cố đáng tiếc, chưa từng xảy ra tại địa phương", ông Tuyến cho biết. Ảnh: Duy Cảnh. |
Về việc cháu Phú đột tử sau khi tiêm khoảng 20 tiếng đồng hồ, ông Tuyến nhận định đây là tai biến đáng tiếc, nằm ngoài dự đoán. Ông khẳng định, các thao tác tiêm chủng diễn ra đúng quy trình.
“Mặc dù tôi đã dặn gia đình rằng nếu diễn biến sức khỏe con trai bất thường thì phải báo ngay cho cán bộ y tế. Khi cháu đã rất yếu, bố mẹ mới trình báo thì sự việc đã muộn”, người đứng đầu trạm xá Nga Trường trần tình. Ông cho biết thêm, các trẻ tiêm cùng đợt với Phú hiện sức khỏe đều ổn định.
Tại thời điểm nhận tin cháu Phú nguy kịch, y sĩ Phan Thị Yến (thuộc trạm xá xã Nga Trường) là người được phân công xuống nhà khám. Ngay trước khi cùng gia đình đưa Phú lên bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn cấp cứu, y sĩ Yến đã tiêm cho đứa trẻ này một mũi vitamin B1.
“Tôi không chỉ đạo chị Yến tiêm thuốc vitamin B1 cho cháu Phú. Việc chị ấy tiêm hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm hành nghề”, ông Tuyến cho biết. Theo tìm hiểu, vitamin B1 có tác dụng trợ lực và thường được sử dụng tiêm cho các trường hợp khẩn cấp.
Trước đó, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa đã khám nghiệm và nhận định, cháu Phú tử vong là do suy hô hấp, chưa rõ nguyên nhân.
Đến chiều 10/11, giới chức địa phương đã khai quật phần mộ cháu Phú để lấy mẫu xét nghiệm gửi đi giám định. Mẫu xét nghiệm đã được gửi đến Viện Khoa học hình sự (Bộ công an).
Sau khi vụ việc xảy ra, ngành y tế Thanh Hóa cũng chỉ đạo trạm y tế xã Nga Trường tạm ngưng kế hoạch tiêm chủng để làm rõ vụ việc.