Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khái niệm hát đè đang bị ca sĩ Việt lạm dụng?

Hát đè phổ biến ở thị trường âm nhạc quốc tế lẫn Việt Nam. Tuy nhiên, điều khiến khán giả thắc mắc là ca sĩ có đang lạm dụng vấn đề này khi nhiều người bật lời đè phần lớn ca khúc.

Xoay quanh việc Bích Phương bị giật mic khi biểu diễn ở Hạ Long, khán giả lẫn giới chuyên môn đều đang tranh luận. Người khẳng định nữ ca sĩ hát nhép, trong khi số khác cho rằng cô hát đè.

Hát đè không còn là khái niệm xa lạ trong thị trường âm nhạc hiện tại, đặc biệt khi nhạc điện tử thịnh hành. Tuy nhiên, chứng kiến vụ việc của Bích Phương, khi nữ ca sĩ bị giật mic ngay đoạn đầu ca khúc mà giọng hát vẫn cất lên thì khán giả đặt câu hỏi về việc hát đè như thế nào, bao nhiêu phần trăm và liệu ca sĩ Việt có đang lạm dụng cách hát này hay không.

Hát đè là gì?

Tìm kiếm playback (hát đè) trên Internet có ít thông tin được đăng một cách chính thống về khái niệm này. Một số trang xếp playback vào một trong những hình thức hát nhép. Doc Coyle - thành viên ban nhạc Mỹ Bad Wolves - chia việc hát đè thành ba loại. Mức độ cao nhất là hát nhép hoàn toàn và thấp nhất là chỉ phát giọng nền hỗ trợ một vài đoạn.

Giải thích khái niệm hát đè, ca sĩ Thanh Hưng cho biết: “Hiểu đơn giản là hát chồng lên phần giọng đã được thu sẵn (nhưng để âm lượng bé). Cách làm này tạo giọng hát dày hơn. Ca sĩ vẫn hát đúng nốt nhạc, nhịp điệu, vẫn mất sức và phải có kỹ năng nghề hát để xử lý các nốt sao cho hòa cùng giọng thu sẵn”.

Anh cũng chỉ ra điểm khác biệt giữa hát đè và nhép. Theo anh, “nhép là mở sẵn bản thu hoàn chỉnh, khi lên sân khấu thì tắt micro đi và chỉ nhép miệng, không tốn sức”.

Bich Phuong hat nhep anh 1
Sơn Tùng thường dùng hát đè nhưng vẫn rõ giọng thật.

Sơn Tùng M-TP thường sử dụng hát đè. Tính chất nhạc điện tử, hip hop mà anh theo đuổi thường có tiết tấu nhanh, nhiều hiệu ứng âm thanh bổ trợ. Do đó, hầu hết phần trình diễn được nam ca sĩ chuẩn bị backing vocal (giọng hát thu sẵn, được làm nhỏ) ở điệp khúc, đoạn rap hay thậm chí cả bài. Tuy nhiên, theo dõi các tiết mục của anh, khán giả có thể thấy rõ phần giọng thật trên nền giọng đã thu sẵn.

Anh không che giấu việc sử dụng playback. Thậm chí, dựa trên phần backing vocal phát xuyên suốt bài, nam ca sĩ thoải mái nhấn nhá, xử lý khác đi câu hát của mình hoặc thỉnh thoảng khuấy động sân khấu, tương tác với khán giả.

Kiểu hát này được nhiều sao quốc tế áp dụng. Britney Spears khi bị chỉ trích hát nhép, cô giải thích: “Bởi phải tập trung vào vũ đạo nên tôi dùng thêm chút nhạc playback. Vì vậy, giọng của tôi lẫn cùng nhạc playback. Thật bực mình khi tôi phải lên sân khấu và hát cùng lúc trong khi chẳng ai ghi nhận điều đó”.

Hát đè được áp dụng như thế nào?

Khái niệm hát đè còn nhiều tranh luận nhưng thực tế đã phổ biến trên thị trường âm nhạc thế giới nhiều năm qua. Nó bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây khi dòng nhạc điện tử và các sân khấu ngoài trời thịnh hành.

Theo một nhà sản xuất từng làm việc với Sơn Tùng M-TP, beat playback thông thường chỉ có một vài đoạn kèm giọng hát, chẳng hạn điệp khúc hoặc rap. Cách làm này cũng thường chỉ áp dụng với những sân khấu lớn, ngoài trời và nhạc điện tử chứ không có pop, ballad…

“Thời nay, âm nhạc điện tử phát triển, các ca sĩ thường biểu diễn cùng vũ đoàn, phải vừa hát vừa nhảy rất mệt. Do đó, họ vẫn bật micro của mình để hát đệm trên beat playback. Họ vẫn hát thật nhưng đỡ mệt, hụt hơi hơn, nhất là với những đoạn nhảy, lên cao hay trường hợp ca sĩ diễn nhiều bài trong một chương trình”, anh nói.

Bich Phuong hat nhep anh 2
Ca khúc Đi đu đưa đi của Bích Phương thuộc thể loại electro pop dance.

Nhà sản xuất nhấn mạnh: “Thông thường, đối với các bài pop ballad, ca sĩ Việt vẫn lựa chọn hát beat không lời để phục vụ khán giả. Chỉ những bài có vũ đạo, nhạc nhanh mới phải dùng nhạc đè”.

Hoàng Trọng Thanh - đạo diễn đứng sau show diễn Armin Van Buuren live in Vietnam 2017, từng hợp tác với Shayne Ward, Hồ Ngọc Hà, Hương Tràm - cho biết việc hát đè ngày càng nhiều và nơi áp dụng nhiều nhất chính là show ngoài trời.

Anh nhận định: “Hát đè thường thấy trong các show diễn ngoài trời, có đặc thù thiên về biểu diễn. Những trường hợp ca sĩ hát đè, thường vì khả năng hát live không cao, thiếu tự tin. Cũng có phần vì chất lượng âm thanh của show không tốt, nên ảnh hưởng đến chất lượng hát live của ca sĩ và họ chọn giải pháp an toàn hơn”.

Anh nói thêm: “Những ca sĩ đắt show, hầu như ngày nào cũng có lịch, thậm chí có ngày chạy vài show. Họ chọn giải pháp hát đè để giữ sức, giữ giọng”.

Trở lại trường hợp cụ thể của Bích Phương, nhạc sĩ Phạm Thanh Hà cũng là tác giả ca khúc Đi đu đưa đi giải thích: “Bích Phương đang hát ca khúc thuộc thể loại electro pop dance. Phần nhạc có rất nhiều hiệu ứng âm thanh, nếu trên nền đó chỉ hát giọng hát thật thôi thì giữa phần hát và nhạc sẽ trở nên không ăn nhập. Phần hát bị lép vế hơn rất nhiều".

"Nhiều ca sĩ dùng nhạc đè tới 70-80%"

Giới ca sĩ đang dùng chung khái niệm hát đè cho việc hát live trên phần lời thu sẵn nhưng chưa có quy định cụ thể đè đoạn nào hay đè bao nhiêu phần trăm. Trong trường hợp họ bật bản thu âm với hầu hết giọng hát sẵn thì có còn được tính là hát đè hay không?

Từ những chương trình âm nhạc đã tham gia, nhạc sĩ Sỹ Luân thừa nhận nhiều ca sĩ Việt hiện giờ dùng lời đè quá to hoặc chiếm đến 70-80% trong tổng thể bài hát. Anh nhận định trong trường hợp ca sĩ chỉ hát giọng thật khoảng 10-20% thì cách làm đó gần như nhép.

“Khoảng 10 năm nay đi diễn, tôi thấy nhiều bạn trẻ hát nhép hoặc hát đè. Thông thường, phần lời bổ trợ chỉ được bật ở điệp khúc hoặc rap để chất giọng dày hơn. Tuy nhiên, hiện giờ một số ca sĩ sử dụng lời nền đến trên 50%, thậm chí 70-80%”.

Bich Phuong hat nhep anh 3
Sỹ Luân cho biết khi anh mới hoạt động không có khái niệm hát đè. Nó phổ biến trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Nhiều nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc… khi trao đổi với Zing.vn cho biết hát đè là cách làm dễ hiểu trong điều kiện âm thanh của chương trình không tốt, đồng thời đảm bảo chất lượng tiết mục và sức khỏe của ca sĩ. Theo họ, cách làm này không xấu nhưng là trong trường hợp đè có chừng mực.

Sỹ Luân nhấn mạnh: “Chỉ nên đè những đoạn lên cao hoặc điệp khúc để giọng được dày hơn. Khán giả khi nghe cũng rõ đâu là lời đè, đâu là giọng thật. Còn nếu đè từ đầu tới cuối thì tôi nghĩ không nên”.

“Khi là ca sĩ thì việc hát là yêu cầu đầu tiên và là công việc. Nếu sân khấu đảm bảo về yếu tố âm thanh, kỹ thuật mà ca sĩ vẫn lạm dụng lời đè thì khó chấp nhận”, nhạc sĩ nói thêm.

Màn trình diễn khiến Bích Phương bị nghi hát nhép Đang thể hiện ca khúc "Đi đu đưa đi", Bích Phương bị một khán giả bất ngờ giật mic để tìm con. Lúc này giọng hát của nữ ca sĩ vẫn vang lên khiến cô bị nghi hát nhép.

Ban tổ chức lên tiếng vụ Bích Phương bị tố hát nhép

Đại diện đơn vị tổ chức Lễ hội ánh sáng Hạ Long cho biết Bích Phương không hát nhép. Theo người này, bản thu nữ ca sĩ gửi cho ban tổ chức chỉ thỉnh thoảng có giọng hát.




Lan Phương

Bạn có thể quan tâm