UBND huyện Tân Uyên (Lai Châu) vừa xử phạt 15 triệu với 2 công nhân (trong đó một người là F1 của BN2188) do không khai báo đã làm việc tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Một trường hợp vi phạm khác là ông P.V.Q. (40 tuổi) cũng bị UBND TP Hải Dương phạt hành chính 15 triệu đồng do từng tiếp xúc với F1 nhưng không khai báo y tế.
Theo quy định hiện hành, người khai báo y tế gian dối hoặc không khai báo thông tin liên quan dịch bệnh, ngoài nộp phạt hành chính còn có thể bị xử lý hình sự.
Khai báo y tế đầy đủ giúp việc xác minh, khoanh vùng dập dịch của cơ quan chức năng được thuận lợi. Ảnh: Chí Hùng. |
Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, cho biết sau khi TAND Tối cao ban hành Công văn số 45 hướng dẫn cách xác định tội danh liên quan việc phòng chống dịch theo quy định của Bộ luật hình sự, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể áp dụng để xem xét xử lý hình sự với một số trường hợp vi phạm.
Theo luật sư, các vi phạm phổ biến được ghi nhận trong thời gian qua gồm không tuân thủ quy định về cách ly, trốn tránh khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối các thông tin dịch tễ. Cơ quan chức năng đã phạt tiền hàng trăm trường hợp, khởi tố vụ một số vụ án hình sự.
Khi phát hiện vi phạm, nhà chức trách sẽ xác minh, làm rõ hành vi cụ thể của từng trường hợp. Sau đó, căn cứ lời khai của người vi phạm và mức độ hậu quả xảy ra để xác định hình thức xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Giáp cho rằng ở mức độ xử phạt hành chính, người khai báo thông tin gian dối liên quan dịch bệnh sẽ bị phạt 10-20 triệu theo Điều 7 Nghị định 117/2020 của Chính phủ.
Nếu người vi phạm biết rõ hiện trạng của bản thân hoặc người khác nhưng cố tình che giấu thông tin, hậu quả làm lây lan dịch bệnh cho người thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 240 Bộ luật hình sự, người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm. Trường hợp làm chết người thì bị phạt tù lên đến 10 năm.
Mới đây, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng vừa yêu cầu công an cả nước tăng cường phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh. Theo chỉ đạo này, một số vi phạm phổ biến cần xử lý nghiêm như: Trốn tránh chốt kiểm dịch để xâm nhập hoặc đi ra khỏi vùng dịch trái phép, thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh gây hoang mang dư luận hoặc lợi dụng dịch bệnh để nâng giá trang thiết bị, vật tư y tế, đồ dùng thiết yếu nhằm trục lợi.