Theo Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, quân nhân hai nước cùng các tình nguyện viên của các tổ chức phi chính phủ dự kiến tham gia một loạt sự kiện, bao gồm trao đổi chuyên sâu về sơ cứu và y tế dự phòng, các hội thảo chuyên đề về chăm sóc y tế, các dự án xây dựng, các hội thảo về ứng phó thiên tai, và rất nhiều hoạt động cộng đồng với mục tiêu tăng cường hỗ trợ nhân đạo và sẵn sàng ứng phó thiên tai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Thông qua chương trình Đối tác Thái Bình Dương cùng các nỗ lực khác, Mỹ mong muốn hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu của mình trong khi xây dựng khả năng ứng phó cùng các đối tác và đồng minh trong khu vực nhằm đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Mary Tarnowka phát biểu.
"Là quốc gia thuộc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ hướng đến một trật tự khu vực ở đó mọi quốc gia - dù lớn hay nhỏ - đều vững mạnh, độc lập và không bị áp bức".
Lễ khai mạc chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2019 tại Tuy Hòa vào ngày 6/5. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Việt Nam. |
Chương trình Đối tác Thái Bình Dương được khởi xướng nhằm đối phó với một trong các thảm họa thiên nhiên thảm khốc nhất thế giới - vụ sóng thần xảy ra vào tháng 12/2004 tàn phá nhiều nơi ở khu vực Nam và Đông Nam Á.
Sứ mệnh này đã phát triển qua nhiều năm từ việc tập trung vào chăm sóc trực tiếp đến việc tăng cường đối tác thông qua các trao đổi chuyên môn chuyên sâu cũng như các trao đổi về dân sự - quân sự với nước chủ nhà.
Chương trình Đối tác Thái Bình Dương là sứ mệnh đa phương nhằm chuẩn bị cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai hàng năm lớn nhất được tiến hành ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đây là nỗ lực chung giữa nước chủ nhà và các quốc gia đối tác bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Peru, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Anh nhằm tăng cường công tác chuẩn bị để đối phó với thảm họa ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Việt Nam là một trong số một vài quốc gia chủ nhà của chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2019. Các nhóm Đối tác Thái Bình Dương cũng đã thực hiện chương trình này ở Cộng hòa Quần đảo Marshall, Philippines, Liên bang Micronesia, Malaysia, Timor-Leste và sẽ kết thúc ở Thái Lan.
Các chuyên gia trong các lĩnh vực xây dựng, y tế và ứng phó thảm họa sẽ phối hợp cùng nước chủ nhà triển khai các dự án dân sự, trao đổi y tế cộng đồng, hội thảo về y tế cùng các hoạt động ứng phó thảm họa.