Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khải Hoàn Môn tan hoang - nhượng bộ của Macron đủ xoa dịu?

Cuộc biểu tình của phong trào "áo khoác vàng" đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của tổng thống Pháp và ông Macron có nhiều việc phải làm để cải thiện tình hình.

Ngày 4/12, chính phủ Pháp thông báo sẽ tạm ngưng việc tăng thuế nhiên liệu, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến phong trào "áo khoác vàng". Tuy nhiên, mức tăng thuế chỉ là "giọt nước làm tràn ly" và Tổng thống Emmanuel Macron hãy còn một danh sách dài những công việc cần làm để xử lý cuộc khủng hoảng này.

Đối với Tổng thống Macron, khung cảnh tan hoang ở trung tâm Paris đã ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực của ông nhằm gây dựng hình ảnh một "quốc gia khởi nghiệp" năng động, khi những người biểu tình thuộc phong trào "áo khoác vàng" tâp trung phản đối quanh Khải Hoàn Môn, đập phá các cửa hàng trên đại lộ Champs Elysees và đốt cháy xe hơi trên một số tuyến đường lớn trong thành phố.

Bên cạnh đó, sự kiện này cũng đặt ra câu hỏi về khả năng kiểm soát tình hình của chính phủ mà ông Macron là người đứng đầu.

bieu tinh o Phap anh 1
Phong trào "áo khoác vàng" cho thấy nước Pháp đang có những vấn đề không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Ảnh: AFP.

Phong trào "áo khoác vàng" khởi đầu một cách khá tự phát để phản đối việc tăng giá xăng nhưng nó đã lan rộng và bây giờ đã có hẳn một bản yêu sách 42 điểm của những người biểu tình được gửi lên chính phủ. Yêu cầu của những người mặc áo vàng rất đa dạng và khá lộn xộn, từ việc giảm tuổi nghỉ hưu (62 xuống 60) cho đến mục tiêu xóa bỏ tình trạng vô gia cư, thậm chí là kéo dài nhiệm kỳ tổng thống lên thành 7 năm như hồi trước năm 2000.

Điều đau đầu đối với ông Macron là việc phong trào này nhận được sự ủng hộ rộng lớn của người dân Pháp. Mặc dù hơn 400 người đã bị cảnh sát bắt giữ vì các hành động quá khích, và số lượng người biểu tình cũng giảm từ 280.000 hồi tháng 11 xuống còn 136.000 trong những ngày gần đây, nhưng một thống kê vào cuối tuần vừa rồi của Harris Interactive cho thấy 72% người được hỏi đứng về phía "áo khoác vàng" và chỉ 27% ủng hộ chính sách của ông Macron.

Tình hình tệ đến mức Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã phải hủy một chuyến thăm quốc hội Pháp vào ngày 4/12.

Nếu sự kiện này diễn ra trong một thời điểm xấu hơn, tương lai chính trị của ông Macron có lẽ đã kết thúc. Những người biểu tình đang kêu gọi tiếp tục phong trào phản đối tới tuần sau và chưa có dấu hiệu là mọi thứ sẽ dừng lại.

Nhưng ông Macron vẫn đang nắm giữ quyền lực và có rất ít khả năng tổng thống Pháp sẽ từ chức, vì nhiệm kỳ của ông kéo dài tới tận năm 2022. Trong những ngày sắp tới, nhà lãnh đạo 40 tuổi sẽ phải tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng này. Nhiều người đã so sánh cuộc biểu tỉnh năm nay với phong trào sinh viên hồi năm 1968, nhưng thay vì những chiếc quần ống loe thì lần này trang phục nổi bật là chiếc áo khoác phản quang.

Chấn chỉnh lại công tác truyền thông

Cách đây không lâu, ông Macron vẫn còn được coi là "thầy phù thủy" trong việc thu hút sự ủng hộ của đám đông, nhưng thời gian gần đây, điều này đã không còn là lợi thế của tổng thống Pháp. Những bài phát biểu hùng hồn và khéo léo của ông Macron, thay vì khiến những người biểu tình bình tĩnh, lại mang tới một sự hoài nghi không hề nhỏ.

Trong một đoạn băng được quay vào hồi tháng 9 tại Paris, một người thất nghiệp chia sẻ với ông Macron về những khó khăn khi đi tìm việc, tổng thống Pháp đáp lại nhanh chóng: "Tôi chỉ cần đi sang đường là có thể tìm việc cho anh đấy". Đoạn clip nhanh chóng lan truyền trên mạng và khiến cho làn sóng phản đối ông Macron gia tăng vì mọi người cho rằng tổng thống Pháp cho thấy ông không thật sự quan tâm đến người dân nghèo.

bieu tinh o Phap anh 2
Những phản ứng ban đầu của ông Macron, tỏ ra cứng rắn và đổ lỗi cho người biểu tình, chỉ làm tình hình tồi tệ hơn và đặt ông và thế chống lại người dân. Ảnh: Reuters.

Ngày 27/11, ông Macron có bài phát biểu về việc thiết lập một ủy ban bình ổn giá xăng dầu, nhưng mục đích chính của ủy ban này lại không phải là giảm giá mà tránh cho giá tăng trong tương lai. Việc này không thể làm hài lòng những người phản đối vì điều họ muốn là việc ông Macron rút lại chính sách tăng thuế xăng dầu chứ không phải một điều gì đó diễn ra trong tương lai.

Có vẻ như ông Macron sẽ không thể hàn gắn mọi thứ bằng một bài phát biểu duy nhất. Phần lớn những người biểu tình trong phong trào đều không quan tâm đến những lời nói vào lúc này, nhưng ít ra tổng thống Pháp có thể làm tốt hơn. Ông Macron nên có những phát biểu, và nên thừa nhận quy mô của vấn đề thay vì làm giảm tầm quan trọng của nó.

Ông Macron đang ở một vị trí quá xa so với những người biểu tình, và tổng thống Pháp cần làm gì đó để cải thiện mối quan hệ này, Politico bình luận.

Siết chặt an ninh

Trong khi vụ biểu tình trở nên bạo lực ở thủ đô Paris, các quan chức đã cân nhắc việc ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc nhưng sau đó lại từ bỏ ý định này. Cơ chế tình trạng khẩn cấp từng được sử dụng trong cuộc bạo động hồi năm 2005, và sau đó là trong vụ khủng bố tháng 11/2015 sẽ giúp chính phủ kiểm soát tốt hơn tình hình an ninh trên đường phố.

Lý do cho sự cẩn trọng của chính phủ Pháp là khá dễ hiểu, việc tăng cường các biện pháp an ninh như sử dụng nhiều hơn súng bắn đạn cao su hoặc hơi cay, hay vòi rồng sẽ khiến cho khả năng thương vong của người biểu tình tăng lên. Điều đó vào lúc này sẽ chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn và khiến chính phủ của ông Macron đối mặt thêm nhiều áp lực.

Nhưng ở mặt khác, có vẻ như cảnh sát Pháp đang không làm đủ để kiểm soát tình hình, nhiều xe hơi đã bị đốt cháy và những cửa hàng bị đập phá. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh nền kinh tế Pháp tươi mới mà ông Macron cố gắng xây dựng. Tổng thống Pháp sẽ phải tìm một phương án không phải là thiết quân luật nhưng vẫn hạn chế được sự hỗn loạn.

Một cách để làm điều này là tập trung xử lý những phần tử quá khích, phân biệt rõ ràng giữa những kẻ này và người biểu tình ôn hòa.

bieu tinh o Phap anh 3
Một người biểu tình với dòng chữ trên áo: "Macron, trả lại tiền cho người dân!". Ảnh: AFP.

Đưa ra những nhượng bộ chiến lược

Việc rút lại mức tăng thuế nhiên liệu cho thấy ông Macron biết thể hiện mình là một lãnh đạo biết lắng nghe và biết nhận ra những sai lầm.

Ở mặt khác, rủi ro của việc này đó là tạo ra một tiền lệ xấu cho các chính sách cải cách trong tương lai. Khi một phong trào biểu tình đủ lớn để có thể khiến chính phủ rút lại một chính sách nào đó, các nhóm khác (ví dụ như những người bảo vệ môi trường) sẽ cho rằng tiếng nói của họ không được lắng nghe và sẽ lại ra đường. 

Việc cố gắng thỏa mãn các nhóm khác nhau của xã hội bị ảnh hưởng bởi thay đổi trong chính sách sẽ gây ra một tình trạng nguy hiểm, khi việc làm hài lòng nhóm này sẽ khiến nhóm khác bất mãn.

Theo lời khuyên của Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, ông Macron cũng có thể xoa dịu tình hình bằng việc "giảm các loại thuế khác", tuy nhiên điều này sẽ đi ngược với chủ trương siết chặt chính sách tài khóa của EU, và nợ công của Pháp thì cũng đã gần ngưỡng 100% GDP rồi. Hơn nữa, cắt giảm ngân sách chưa bao giờ là điều được người dân Pháp ủng hộ.

Biểu tình lan rộng tại Pháp, học sinh phong tỏa trường học

Học sinh trung học tại Pháp phong tỏa khoảng 100 trường trên khắp cả nước trong lúc Thủ tướng Edouard Philippe sẽ gặp mặt đại diện nhóm biểu tình trong ngày 4/12.

Bạo loạn ở Paris hé lộ 'một nước Pháp khác' của người nghèo

Chính sách tăng giá xăng của Tổng thống Pháp Macron là giọt nước tràn ly, thổi bùng làn sóng biểu tình xuất phát từ bất mãn và nỗi sợ vốn đã len lỏi trong người nghèo từ lâu.



Sơn Trần (Theo Politico)

Bạn có thể quan tâm