Ladakh những ngày tháng 11 dù vào thu vẫn lạnh run người. Ban ngày, nhiệt độ ngoài trời cao nhất chỉ khoảng 6 độ C nhưng về tối có thể xuống tới âm 6 độ C.
Đặng Văn Hải cùng bạn đồng hành đã có trải nghiệm nhớ đời khi lạc đường ở Ladakh giữa lúc trời tối. Họ không biết phải đi đâu trong khi nhiệt độ đã xuống mức âm 3 độ C.
Đi lạc 120 km
Chia sẻ với Zing, Hải cho biết với tâm hồn của một nhiếp ảnh gia, thật khó để anh bỏ qua Ladakh vào thu. Thời tiết đẹp, dọc đường đi rợp bóng vàng của lá cây. Xa xa trên những ngọn núi cao, tuyết phủ trắng xóa. Khung cảnh mê hồn này có thể "đánh gục" bất kỳ nhiếp ảnh gia đam mê chụp ảnh thiên nhiên nào.
Đi cùng Hải chuyến này còn có một người bạn. Họ đã có dịp khám phá thiên nhiên kỳ vĩ của vùng đất mang danh "Tiểu Tây Tạng". Vốn yêu thích những con đường đèo, Hải cùng bạn đặt mục tiêu chinh phục Khardung La - con đường dành cho xe cơ giới cao thứ 4 thế giới.
Trước khi tới đây, nhiếp ảnh gia quê Bình Định cũng từng chinh phục nhiều con đèo ấn tượng khác ở Việt Nam. Anh thừa nhận mỗi nơi đều có nét đẹp riêng nhưng Khardung La thực sự mang đến cảm giác "ghê tay".
Một góc đèo Khardung La bị bao phủ trong tuyết trắng. |
"Đường cong, hiểm trở còn xung quanh chỉ có đất, đá và núi tuyết. Bạn sẽ chẳng thấy bóng cây xanh ở đây. Do nằm ở độ cao khoảng 5.359 m so với mực nước biển, không khí trên đèo loãng, thời tiết lạnh tới âm 4 độ C. Người không quen dễ bị sốc độ cao", anh chia sẻ.
Sau khi chụp hình ở Khardung La, hai người hướng tới điểm chụp lạc đà thuộc cồn cát Hunder trong thung lũng Nubra. Nơi đây có tới cả trăm con lạc đà, chia thành từng nhóm 10 con để khách du lịch cưỡi và tham quan. Vào thời khắc hoàng hôn, du khách có thể chụp ảnh cưỡi lạc đà và đi trên cát vàng. Đó là khung cảnh thực sự đắt giá với những người yêu nhiếp ảnh.
Tuy nhiên, họ đã không thể tới đây như dự kiến. Sau khi chụp ảnh ở đèo xong xuôi, hai người tìm thung lũng Nubra trên bản đồ. Tuy nhiên, đây là điểm phát sinh trong lịch trình nên Hải cùng bạn không tìm hiểu nhiều, chỉ chạy theo bản đồ trực tuyến.
Những cảnh đẹp được nhiếp ảnh gia Đặng Văn Hải ghi lại trong hành trình chinh phục Ladakh. |
Trên con đường đầy quanh co chỉ chạy được 30 km/h và không một ngôi nhà hay khách sạn nào. họ bắt đầu thấy "sai sai". Cả hai nói với nhau tại sao ở một địa điểm nổi tiếng như thế lại không có homestay, khách sạn nào.
"Đang đứng suy nghĩ, chúng tôi thấy đèn pin chớp chớp từ trong ra. Quay lại nhìn, hóa ra đó là đồn cảnh sát. Một chú cảnh sát từ trong đồn ra hỏi thăm hai đứa đi đâu và ngỏ ý cho bọn mình ngủ nhờ lại chỗ này. Lúc này chúng tôi hỏi thăm có homestay nào gần đây không và được báo đi 800 m sẽ thấy một cái", Hải kể.
Anh thừa nhận mình khá sợ và nghĩ sẽ không quen ngủ trong đồn. Do đó, họ tiếp tục đi tìm homestay. Dù vậy, cả hai đi mãi cũng chẳng thấy đâu nên đành quay lại xin tá túc. Ở đồn cảnh sát, họ nhận ra mình đã đi sai địa điểm. Nơi cần đến cách đồn cảnh sát 60 km theo chiều ngược lại. Tổng quãng đường đi nhầm và quay lại khiến họ phải chạy thêm 120 km.
Tình người ấm áp trong đồn cảnh sát
Tuy nhiên, sự mệt mỏi vì đi nhầm đường cũng được xóa nhòa phần nào nhờ sự tử tế của người cảnh sát lạ.
Vào đồn, hai du khách được người cảnh sát cho ở một phòng đầy đủ giường, chăn ấm. Người cảnh sát mời họ ăn tối và uống ly cà phê. Tới sáng, cả hai cũng được mời một bữa sáng nhẹ nhàng cùng ly cà phê nóng để lấy sức quay ngược trở lại.
Đồn cảnh sát nơi cả hai được tá túc qua đêm. |
"Trên đường về, chúng tôi mới phát hiện con đường tối qua đi toàn đường đèo và một bên là vực thẳm. Chẳng hiểu sao tối qua lại có thể lạc được", Hải kể.
Anh nói thêm nếu không gặp người cảnh sát tốt bụng kia, họ cũng tính chạy lại để tìm nhà dân ngủ nhờ. Tuy nhiên, không ai dám chắc có thể tìm được một người tốt bụng thế không.
Thực tế, Hải cũng đã có thời gian du lịch ở trung tâm New Delhi. Anh thừa nhận người dân ở Ladakh hoàn toàn trái ngược với khu trung tâm sầm uất của Ấn Độ.
Đoạn đường từ đồn cảnh sát chạy về điểm chụp lạc đà. |
Tại New Delhi, người dân không hề thân thiện với khách du lịch. Những người địa phương làm dịch vụ luôn cố moi tiền khách du lịch. Nhất là những tài xế bởi họ thường đưa ra những khoản tiền phát sinh không hề báo trong giá ban đầu.
"Nhìn chung, chuyến đi Ladakh lần này rất tốt và chụp được nhiều cảnh đẹp. Lần này chỉ mới đi 8 ngày nên nếu có dịp sau, tôi muốn đi lâu hơn để có nhiều thời gian săn cảnh đẹp ở đây", anh nói.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.