Khách Trung Quốc được coi là động lực tăng trưởng chính của ngành du lịch các tháng qua. Ảnh: Xuân Hoát. |
Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 đạt 984.000 lượt người, cao nhất từ đầu năm đến nay, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến nước ta vẫn tăng dù trong mùa thấp điểm. Tổng cộng Việt Nam đón gần 3,7 triệu lượt khách nước ngoài, gấp 19 lần cùng kỳ năm ngoái và vượt qua con số cả năm 2022 cộng lại là 3,66 triệu khách.
Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng khách đến Việt Nam khi cán mốc 1 triệu lượt, tiếp theo là Mỹ với 263.000 lượt. Điều đáng nói, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 3 với 252.000 lượt khách dù chỉ mới mở cửa thí điểm cho công dân theo đoàn đến Việt Nam từ ngày 15/3.
Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) nhấn mạnh Trung Quốc là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong giai đoạn này. Chỉ tính riêng tháng 4 đã có 112.000 lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng hơn gấp đôi (61,5%) so với tháng 3. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường khách quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm trước dịch Covid-19, con số này vẫn kém xa. Vào tháng 4/2019, có gần 427.000 người Trung Quốc đến Việt Nam, góp phần vào tổng số hơn 1,7 triệu lượt trong 4 tháng đầu năm. Cả năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu khách Trung Quốc.
Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều quốc gia châu Á. Theo Reuters, tại Thái Lan - nơi được du khách Trung Quốc chọn là điểm đến yêu thích nhất sau dịch, lượng khách Trung Quốc tìm đến trong tháng 2 lên đến mức cao nhất trong ba năm nhưng vẫn thấp hơn 85% so với con số của năm 2019. Các chuyến du lịch đến Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng chỉ phục hồi 5-10%.
Sheana Yue, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho rằng nguyên nhân đến từ việc hạn chế nguồn cung của các hãng hàng không và ngành kinh doanh du lịch tại các điểm đến.
Với Việt Nam, hiện nay du khách Trung Quốc chỉ chủ yếu đến qua cửa khẩu biên giới và các chuyến bay charter đến Cam Ranh (Khánh Hòa). Những địa điểm đông khách Trung Quốc trước đây như Mũi Né (Bình Thuận), Đà Nẵng đến nay vẫn còn vắng vẻ, thưa thớt khách.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống của Việt Nam thu về 214.800 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ 2022. Doanh thu của các đơn vị lữ hành cũng đạt hơn 9.000 tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ năm trước.
Các khoản thu tăng cao so với năm trước nhờ các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.
Với gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm, ngành du lịch đã đạt gần 50% mục tiêu kế hoạch năm 2023, mở ra kỳ vọng vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế của năm.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế