Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) cho biết Cục Di sản Văn hóa đầu tháng 7 đã yêu cầu Sở VHTTDL Hà Giang xác minh thông tin, kiểm tra quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt công trình nhà nghỉ, nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama để báo cáo Bộ và UBND tỉnh Hà Giang.
Sở VHTTDL Hà Giang sau đó có báo cáo số 240 báo cáo kết quả kiểm tra danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Báo cáo của Sở VHTTDL Hà Giang cho biết công trình 7 tầng do bà Vũ Thị Ánh làm chủ đầu tư nằm trên đèo Mã Pì Lèng nằm ngoài khoanh vùng bảo vệ II di tích danh thắng Mã Pì Lèng. Điều 32, Luật Di sản Văn hóa quy định các khu vực bảo vệ di tích bao gồm khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II.
Ngoài vùng bảo vệ nhưng có thể ảnh hưởng cảnh quan
Trong đó, khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng. Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích.
Khách sạn Mã Pì Lèng Panorama tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Ngọc Tân. |
Điều 32 cũng quy định việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin (tiền thân của Bộ VHTTDL) đối với di tích cấp tỉnh phải có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, điều 36 Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản năm 2009 quy định khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.
Quan điểm của Cục Di sản văn hóa là việc xây dựng công trình ở đèo Mã Pì Lèng phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến danh thắng quốc gia và tuân thủ Luật Di sản Văn hóa.
Khu vực đèo Mã Pì Lèng được Bộ VHTTDL xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia vào tháng 11/2009. Theo quyết định của Bộ, danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng bao gồm đèo Mã Pì Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Đông du khách tìm đến khách sạn Mã Pì Lèng Panorama ngày 5/10. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Trách nhiệm thuộc về UBND huyện Mèo Vạc và chủ đầu tư"
Sau khi những hình ảnh về khách sạn 7 tầng Mã Pì Lèng Panorama xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự bức xúc về việc phá vỡ cảnh quan đèo Mã Pì Lèng của công trình này. Hàng loạt tài khoản sau đó xếp hạng 1 sao địa điểm này trên Google.
Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cũng cho biết công trình Mã Pì Lèng Panorama của bà Vũ Thị Ánh chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, đất xây dựng, chưa có giấy phép xây dựng.
"Đến nay, công trình chưa được cấp phép đầu tư, chưa phê duyệt, chưa được cấp phép xây dựng và chưa có văn bản đề nghị Sở VHTTDL tham mưu trình UBND tỉnh đề nghị Bộ VHTTDL cho ý kiến như đã nêu trên. Trách nhiệm này thuộc về UBND huyện Mèo Vạc và chủ đầu tư", lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Giang nêu.
Zing.vn đã nhiều lần liên lạc qua số điện thoại của Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường vào chiều 4/10 nhưng không thành công.