Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Khách nhập cảnh vào VN phải qua kiểm dịch

Bốn ngày gần đây, khi nhập cảnh vào VN, hành khách phải khai tờ khai hành trình bay và đo thân nhiệt ngay khi xuống sân bay. Đối với những người sốt trên 38 độ phải đưa vào phòng cách ly.

Khách nhập cảnh vào VN phải qua kiểm dịch

Bốn ngày gần đây, khi nhập cảnh vào VN, hành khách phải khai tờ khai hành trình bay và đo thân nhiệt ngay khi xuống sân bay. Đối với những người sốt trên 38 độ phải đưa vào phòng cách ly.

>>Thịt lợn ngoại ế hàng vì dân sợ cúm

>>Thêm nhiều nước phát hiện cúm lợn

Hành khách nhập cảnh vào VN phải qua kiểm dịch

Tất cả hành khách, nhân viên đều phải qua kiểm dịch y tế.

Tại TP HCM, chiều 28/4, ông Trần Thanh Dương - Cục Phó Cục Y tế dự phòng và môi trường Bộ Y tế đã có buổi khảo sát, kiểm tra về phương án ngăn ngừa, ứng phó với bệnh dịch.

Ông Nguyễn Văn Châu – Giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng như các ban ngành tại cho biết, hiện toàn TP đã vào cuộc nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, để dịch cúm lợn H1N1 tránh lây lan; đặc biệt là đường hàng không. Việc kiểm tra, ngăn chặn cũng được tiến hành ở hệ thống đường sông, lực lượng chức năng được bố trí cán bộ túc trực tại cột phao số 0 (giáp tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), ngay đường vào TP. Hệ thống kiểm dịch trên đường biển cũng đã khởi động ngay khi có thông tin về dịch cúm.

Hành khách nhập cảnh vào VN phải qua kiểm dịch

Cục phó cục y tế dự phòng và đoàn kiểm tra vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nơi dễ bị dịch cúm "xâm nhập" vào hiện được gắn các thiết bị đo thân nhiệt để phát hiện các trường hợp có triệu chứng cảm cúm, nhiệt độ cao, có biện pháp cách ly, theo dõi…Theo đó, khi du khách có thân nhiệt bất thường đi qua khu vực này, đèn máy đo thân nhiệt tự động phát sáng, báo hiệu. Nhận được tín hiệu, lực lượng chức năng phải nhanh chóng mời du khách vào khu vực cách ly để tiến hành kiểm tra, khám bệnh.

“Trung tâm đã đầu tư, chuẩn bị một số thiết bị chuyên dụng dự phòng như: khẩu trang, găng tay, mũ, kính và trang phục chống dịch để phát cho du khách nghi bị nhiễm cúm…”, ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế TP HCM cho biết.

Ông Trần Thanh Dương khẳng định, đến chiều ngày 28/4, ở Việt Nam vẫn chưa xuất hiện trường hợp nào nhiễm cúm H1N1. Thế nhưng, dịch H1N1 vô cùng nguy hiểm, có khả năng lan nhanh, lan rộng. Đặc biệt, hai sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP HCM) hàng ngày có hàng trăm du khách từ các quốc gia như Mỹ, Mexico… nhập cảnh vào nên nguy cơ, mầm mống lây lan là rất cao nếu như chúng ta không ngăn chặn và phát hiện sớm.

Ông Nguyễn Tiến Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Sân bay Nội Bài cho biết, từ khi có chỉ đạo, cảnh báo về dịch cúm lợn A/H1N1 đến nay, tất cả các hành khách nhập cảnh từ sân bay này đều phải qua kiểm tra y tế.

Hành khách phải khai tờ khai hành trình bay, quá cảnh và được đo thân nhiệt ngay khi xuống sân nay. Đối với những người bị sốt 38 độ trở lên ngay lập tức sẽ được đưa vào phòng cách ly. Đến nay, sân bay Nội Bài vẫn chưa có phát hiện nào khả khả nghi liên quan đến bệnh cúm.

Ông Hòa khẳng định, sân bay đã có kinh nghiệm trong đại dịch SARS nên công tác chuẩn bị phòng dịch rất chủ động. Tuy nhiên, hiện trung tâm có 3 máy đo thân nhiệt, nhưng chỉ một máy hoạt động được, 2 máy còn lại bị hỏng chưa được sửa chữa. Trung tâm đang phải bổ sung thiết bị đo nhiệt cá nhân, đo nhiệt độ kiểu "kẹp tai" hành khách. Vì không có chuyến bay thẳng từ một số nước đang được coi là "ổ dịch" nên công tác kiểm tra càng phải kỹ càng hơn. Hành khách xuống máy bay đều được phát khẩu trang, khoảng cách nghỉ giữa các chuyến bay, trung tâm y tế đã thường phun thuốc khử trùng, có kế hoạch dự trữ Tamiflu trong đợt dịch cúm này.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ, Sở Y tế sẽ hỗ trợ đầy đủ các phương tiện phục vụ cho việc kiểm soát ở sân bay và cũng trang bị thêm khoảng 100 máy đo nhiệt điện tử. Về thuốc men, hoá chất cho phòng dịch, Hà Nội cũng đã phòng bị đầy đủ. Hiện Hà Nội có khoảng 30 tấn hóa chất khử trùng, dự trữ được 500 cơ số thuốc Tamiflu.

Dù chưa có khuyến cáo nào về việc ăn thịt lợn có thể lây bệnh cúm A/H1N1 nhưng Sở Y tế Hà Nội đã có biện pháp phòng xa, kiểm tra nguồn thực phẩm thịt lợn nhập ngoại tại các siêu thị.

Hành khách nhập cảnh vào VN phải qua kiểm dịch

Ông Lê Anh Tuấn kiểm tra thịt lợn tại Metro.

Chiều 28/4, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cùng đoàn kiểm tra đã bất ngờ vào siêu thị Metro (Thăng Long) kiểm tra y tế các loại thực phẩm. Thịt lợn và các sản phẩm chế biến liên quan đến thịt lợn.

Metro nhập thịt lợn từ Mỹ và Canada. Từ tháng 3 tới nay, siêu thị này đã nhập các loại thịt vai heo, sượn heo, đùi heo, bắp giò và thịt ba dọi với số lượng khoảng 13 tấn. Thịt có nguồn gốc xuất xứ và dấu kiểm định y tế đầy đủ. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, khách hàng qua khu vực mua thịt lợn, thịt bò và gà nhập ngoại ở siêu thị này rất thưa thớt.

Ông Tuấn Anh khuyến cáo người dân ăn thực phẩm nên chú ý nguồn gốc, xuất xứ. Kể cả mua thịt lợn bán ngoài chợ của Việt Nam cũng phải để ý chọn lựa thịt tươi, có dấu kiểm dịch. Trong thời gian dịch bệnh xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, người dân nên giữ vệ sinh môi trường sống, thực hiện ăn chín, uống sôi để tự bảo vệ sức khỏe của mình.

Kiều My - Mai Phương

Theo Bưu điện Việt Nam

Bạn có thể quan tâm