Đám cưới của của Tố Anh (29 tuổi, quận 7, TP.HCM) diễn ra vào ngày 26/2 vừa qua sau nhiều tháng tạm hoãn do dịch.
Trước lễ cưới 2 ngày, vợ chồng cô không ngừng lo lắng khi nhận được hàng trăm cuộc điện thoại từ họ hàng, bạn bè thông báo đã nhiễm Covid-19. Thấy tình hình không ổn, cả hai quyết định giảm số bàn từ 26 xuống còn 20.
Vợ chồng Tố Anh phải cắt giảm số bàn vì nhiều khách mời báo tin nhiễm bệnh. |
“Tôi khá buồn khi nhiều người thân thiết không thể đến dự ngày vui của hai vợ chồng. Lúc đó cả nhà cũng kêu tôi tắt điện thoại đi để tránh ảnh hưởng đến tâm trạng, chuẩn bị nốt những khâu cuối cùng cho đám cưới”, cô kể.
Không thể có mặt tại ngày vui của vợ chồng Tố Anh, khách mời xin số tài khoản để chuyển tiền mừng hoặc nhờ người quen gửi giúp.
Chia sẻ với Zing, cô dâu Tố Anh cho biết giai đoạn tìm chỗ đặt tiệc là phần khó khăn nhất với cô và chồng. Do nhà hàng chọn năm ngoái đã đóng cửa vĩnh viễn, cả hai phải gấp rút kiếm nơi tổ chức mới.
“Nhà hàng này cho chúng tôi dời ngày chốt số lượng bàn thay vì phải báo trước một tuần. Hôm đó khách đến được 22 mâm, cả nhà nói đó là con số may mắn. Cả quá trình không được thuận lợi lắm nhưng cuối cùng mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ”, Tố Anh bày tỏ.
Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại ở các địa phương, nhiều đôi trẻ đang rục rịch chuẩn bị cưới hỏi đều có chung tâm trạng lo lắng, hoang mang. Còn khách được mời đến dự hôn lễ lại rơi vào thế khó xử vì không đến chung vui thì ngại, nhưng lui tới các nhà hàng, khách sạn đông đúc lại lo dịch bệnh.
Cắt giảm quy mô
Còn 5 ngày nữa, đám cưới của Hà Nhi (24 tuổi, Vinh) sẽ diễn ra tại quê nhà. Tương tự nhiều cặp vợ chồng sắp cưới trong thời điểm này, Nhi cũng nhận được khá nhiều tin nhắn từ bạn bè đang nhiễm bệnh.
“Số ca F0 tăng trở lại nên nhiều người thân thiết của vợ chồng tôi không đến dự được. Tôi từng mơ ước ngày trọng đại của mình sẽ có đông đủ bạn bè nhưng người thì ở xa, người thì dính Covid-19 nên cũng không không trách được”, cô dâu 24 tuổi chia sẻ.
Cô đính hôn với bạn trai từ tháng 6/2021. Hiện các khâu chuẩn bị cho hôn lễ đã hoàn thành khoảng 90%.
Hà Nhi ước tính sẽ có khoảng 20% khách mời vắng mặt trong đám cưới. Số mâm đặt trước ở nhà hàng cũng giảm còn 30 thay vì 40 mâm như dự kiến.
Vợ chồng Hà Nhi lo lắng vì nhiều khách mời nhắn tin không thể tham dự đám cưới sát ngày tổ chức. |
Nguyễn Thị Yến Ngọc (24 tuổi) và Đỗ Văn Trần (29 tuổi) cảm thấy nhẹ nhõm phần nào sau khi tổ chức suôn sẻ đám cưới tại TP.HCM vào hôm 6/3.
“Chỉ tiếc là một số thành viên trong gia đình, bạn bè đang nhiễm bệnh nên không thể đến dự đông đủ. Tỷ lệ khách vắng mặt hôm đó khoảng 15%, một phần cũng do dịch bệnh nên nhiều người ngại đến nơi đông đúc”, Ngọc chia sẻ.
Trước đó, khi số ca nhiễm Covid-19 tăng cao và thành phố ra văn bản hạn chế tụ tập (ngày 4/3), Ngọc đã lo hôn sự của vợ chồng cô có thể phải hoãn lại.
Nguyễn Thị Yến Ngọc và Đỗ Văn Trần tổ chức đám cưới ở TP.HCM hôm 6/3. Ảnh: NVCC. |
“Khu nhà tôi lúc đó thành vùng cam. Nhà bác và nhà chị họ tôi cũng có người thành F0 nữa nên mọi người đều khá hoảng, chỉ sợ đến ngày lành tháng tốt lại không thể lên xe hoa”, cô nói thêm.
Hơn nữa, vợ chồng Ngọc cũng đã chụp ảnh cưới, gửi thiệp mừng, đặt bàn tiệc xong xuôi. Nếu đám cưới không được tổ chức theo đúng kế hoạch, chi phí phát sinh không hề nhỏ.
“Vợ chồng tôi vẫn còn lễ rước dâu và tiệc báo hỉ tại quê chồng ở tỉnh Quảng Nam vào ngày 22/3 tới. Chúng tôi dự định đặt 15-18 bàn tiệc nhưng vẫn chưa chốt vì muốn xem dịch bệnh thế nào đã. Nếu tình hình căng thẳng, chắc chúng tôi làm nhỏ gọn hơn, tổ chức lớn quá khách cũng ngại đến”.
Khách không dám dự tiệc
Từ đầu tháng 2 đến nay, Minh Tùng (30 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức, TP.HCM) nhận được 3 thiệp mời đám cưới. Hai hôn lễ của đồng nghiệp và một lời mời từ bạn đại học.
Tuy nhiên, Tùng quyết định không tham gia tiệc cưới nào cả. Hai đám cưới của đồng nghiệp anh chỉ gửi quà mừng thông qua người quen. Còn ngày vui của bạn, anh đến chúc mừng, tặng quà sau đó ra về luôn mà không ở lại chụp ảnh hay ăn tiệc.
Dù biết một số người có thể phật ý, Tùng chia sẻ đó cũng là "điều bất đắc dĩ" khi dịch Covid-19 đang lây lan trở lại ở TP.HCM.
Những nơi như nhà hàng, trung tâm tiệc cưới thường tập trung đông người, chưa kể lúc ăn uống hay chụp ảnh, mọi người không đeo khẩu trang nên nguy cơ lây nhiễm lại càng cao.
"Tôi hiện sống với gia đình và có các cháu còn rất nhỏ tuổi, chưa được tiêm vaccine. Tôi không lo lắng trong trường hợp chỉ mình bị nhiễm bệnh nhưng lại sợ có thể lây cho người thân. Vì vậy, tôi thường hạn chế tụ tập và tránh nơi đông người", anh nói.
Nhiều người ngại đến các đám cưới đông khách mời. Ảnh minh họa: Bokeh. |
Tương tự, Nguyễn Thị Thu Thảo (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng rất ngại tham dự những tiệc cưới đông đúc, có quy mô trên 10 bàn tiệc trong giai đoạn này.
"Cuối tuần trước, tôi có đến đám cưới của đồng nghiệp tổ chức ở một trung tâm tiệc cưới có tiếng. Vừa vào sảnh đã thấy toàn người là người, phần lớn không đeo khẩu trang. Thấy vậy nên tôi chỉ để lại quà mừng, chào hỏi với cô dâu, chú rể rồi bắt taxi đi về".
Theo nữ nhân viên văn phòng, không ít đồng nghiệp của cô cũng đã làm như vậy. Đa số chia sẻ họ rất e ngại khi nhận được thiệp cưới trong thời gian này.
"Nếu quan hệ xã giao thì chỉ cần gửi quà mừng là xong. Nhưng với những người thân thiết, không đi cũng không được mà đi thì chỉ lo mang bệnh về nhà", Thu Thảo nói.