Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khách hàng tố bị mất 4 tỷ trong tài khoản ngân hàng SCB

Ngân hàng SCB dậy sóng dư luận với tố cáo của khách hàng Trần Thị Thanh Phúc cho rằng, ngân hàng đã làm mất 4 tỷ đồng trong tài khoản của chị rồi chối bỏ trách nhiệm.

Khách hàng Trần Thị Thanh Phúc ở Hà Nội cho biết, có mở tài khoản thanh toán 054.01.0724012.0001 tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) chi nhánh Nguyễn Khuyến -Hà Nội. Trong tài khoản của chị có hơn 4,2 tỷ đồng.

Ngày 19/11/2015, bà Phúc ra SCB rút tiền để mua nhà thì phát hiện 4 tỷ đồng trong tài khoản "không cánh mà bay". Nhân viên ngân hàng thông báo tiền đã được chuyển vào ngày 5/10/2015 cho người nhận là Lê Thu Hà, số CMT 013227232, do Công an Hà Nội cấp ngày 30/10/2012.

"Kể từ ngày 25/8/2015, tôi không thực hiện bất kỳ giao dịch rút, chuyển tiền nào từ tài khoản nên trên", bà Phúc nhấn mạnh. Sau khi phản ánh tới ngân hàng, bà Phúc cũng gửi đơn đến cơ quan công an trình báo.

Để làm rõ hơn về sự việc này, BizLIVE đã trao đổi trực tiếp với luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Ông Đức cho biết, trong bất cứ trường hợp nào, khi không phải chủ tài khoản tới rút tiền, chuyển khoản, mà lại thực hiện giao dịch thì ngân hàng đã là sai rồi. 

Còn nếu là trường hợp ủy quyền thì phải có công chứng hợp pháp. Nếu xảy ra trường hợp công chứng rồi, mà công chứng sai thì ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm.

Mat 4 ty dong trong tai khoan SCB anh 1
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

 

Riêng với trường hợp của chị Phúc và ngân hàng SCB. Thứ nhất, ngân hàng đã sai nghiêm trọng ở chỗ không phải người chủ tài khoản tới rút tiền, chuyển khoản mà vẫn thực hiện giao dịch.

Nếu trong trường hợp, giấy ủy nhiệm đúng là chữ ký của chị Phúc đi chăng nữa, thì mới có giá trị xác minh 1 nửa. Cần nhiều yếu tố để biết được đó có đúng là chủ tài khoản yêu cầu thực hiện giao dịch không, chứ không phải chỉ một chữ ký. Chưa kể tới trường hợp có thể đó là chữ ký giả.

Với trường hợp ngân hàng nói có gọi điện vào điện thoại cho chị Phúc để xác minh, thì dù có đúng là số điện thoại, giọng của chị Phúc, thì ngân hàng cũng không đủ căn cứ, cơ sở để chứng minh được đó có đúng là chủ tài khoản hay không.

"Vì thế mà ở đây ngân hàng chắc chắn là có lỗi, chỉ là lỗi bao nhiêu %. Nếu đúng theo tường trình của chị Phúc, rằng chị không biết thanh niên tới thực hiện giao dịch, không biết người nhận tiền, không ký một giấy tờ nào ủy quyền cho bên thứ 3 tới rút tiền, thì ngân hàng đã sai 100%. Như vậy là ngân hàng sẽ phải bồi thường đủ số tiền của chị Phúc đã mất", ông Đức cho biết.

SCB nói gì?

Phản hồi lại những thông tin trên báo chí gần đây về vụ việc mất 4 tỷ của chị Trần Thị Thanh Phúc tại SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB đã lên tiếng để rộng đường dư luận.

Mat 4 ty dong trong tai khoan SCB anh 2
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB.

 

Theo đó, ông Văn khẳng định: có nhận được đơn thư của chị Phúc gửi tới cho SCB. 

Tuy nhiên, có một vài điểm ông Văn thông tin không trùng với những điểm mà chị Phúc phản ánh với báo chí.

Cụ thể là lá đơn đầu tiên chị Phúc gửi SCB chỉ là đơn tường trình, nhờ ngân hàng thu hồi lại số tiền chị Phúc đã chuyển đi, chứ không phải là đơn khiếu nại mất tiền như chị Phúc nói.

Ông Văn thừa nhận trong quá trình tác nghiệp, nhân viên ngân hàng có sai sót khi không có giấy ủy quyền của chủ tài khoản mà vẫn thực hiện giao dịch.

Tuy nhiên, ông Văn cũng nhắc đi nhắc lại rằng: Về bản chất là giao dịch thực hiện theo yêu cầu cùa chị Phúc. Cụ thể là ủy nhiệm chi có chữ ký, xác nhận qua điện thoại, chứ không có chuyện bỗng dưng mất tiền tại ngân hàng.

Ông Văn khẳng định, hiện nay ngân hàng vẫn còn lưu lại ủy nhiệm chi, đoạn hội thoại xác nhận với chị Phúc và SMS banking sau khi thực hiện giao dịch.

Ông Văn cũng đặt lại nghi vấn: Nếu đây là sự mất cắp thì tại sao khách hàng không phản ứng ngay, mà phải sau 45 ngày mới tra soát?

“Sau ngày nghỉ lễ 2/9 này, chúng tôi đã liên hệ với cơ quan điều tra, triệu tập một buổi họp 3 bên, gồm ngân hàng, bà Phúc và cơ quan điều tra”, ông Văn khẳng định.

Vị đại diện SCB cũng nhấn mạnh: “Nếu như cơ quan điều tra nói chữ kí trên ủy nhiệm chi là sai, không phải của bà Phúc thì ngay lập tức trong ngày ngân hàng sẽ trả bà 4 tỷ và số lãi phát sinh”.

Theo luật sư thì, luật đã quy định cụ thể, với trường hợp của chị Phúc, cơ quan điều tra sẽ phải có kết luận có khởi tố vụ án hay không trong vòng 20 ngày. Và sau khởi tố mấy tháng sẽ phải có kết luận chính thức.

 



http://bizlive.vn/ngan-hang/luat-su-neu-tuong-trinh-cua-khach-hang-dung-scb-phai-den-bu-100-1938046.html

Theo Nguyễn Thoan/Bizlive

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm