Ngay sau khi Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và Tổng giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh bị tạm giam, nhiều khách hàng của doanh nghiệp này đã tỏ ra lo lắng về số phận của hợp đồng ký kết và số vốn góp với công ty.
Theo tìm hiểu, một số người may mắn đã đòi lại được một phần tiền đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng đang bị "treo" khoản đầu tư khi chưa nhận được sổ đỏ của mảnh đất mình đã mua.
Điều này đã đặt hàng nghìn khách hàng của Alibaba vào tình thế "ngồi trên đống lửa".
Công ty CP địa ốc Alibaba trấn an khách hàng tại trụ sở công ty. Ảnh: Thư Trần. |
Khai báo với cơ quan chức năng
Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, luật sư Trần Tấn Tài cho biết Công an TP.HCM đã đề nghị khách hàng của Alibaba liên hệ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để cung cấp thông tin phục vụ điều tra, ông cho biết đây là cổng thông tin đáng tin cậy để khách hàng có thể bảo vệ quyền lợi của mình cũng như đẩy nhanh tiến độ điều tra.
Theo đó, luật sư cho rằng việc báo cáo với cơ quan điều tra về số tiền đã giao dịch với Alibaba có thể giúp công an xem xét và bảo vệ tài sản trong trường hợp số tiền đó vẫn nằm trong tài khoản đang bị phong tỏa của Địa ốc Alibaba.
Trước đó, sáng 19/9, công ty này đã tổ chức livestream để trả lời khách hàng về tình trạng hoạt động của công ty sau khi ông Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt.
Trước một số câu hỏi của khách hàng về việc muốn lấy lại tiền hoặc yêu cầu trả lãi suất, bà Huỳnh Thị Ngọc Như, phụ trách đối ngoại và đào tạo của Alibaba cho biết: "Toàn bộ tài sản đang được Bộ Công an giữ".
Bà Huỳnh Thị Ngọc Như trong buổi livestream với khách hàng hôm 18/9. |
Người phụ nữ này lặp đi lặp lại nhiều lần câu nói "họ (phía Công an) giữ hết trơn rồi" để giải đáp về số tiền của công ty.
Tuy nhiên, luật sư Trần Tấn Tài nói: "Việc doanh nghiệp không thể trả tiền cho khách hàng bởi bất kỳ lý do nào là việc của doanh nghiệp đó. Họ buộc phải giữ cam kết về hợp đồng đã ký kết với khách hàng".
"Hay nói cách khác, căn cứ vào hồ sơ và hợp đồng làm việc với Alibaba, khách hàng nếu không được ra sổ đúng hẹn hoặc không được thanh toán lãi suất đúng thời hạn như trong hợp đồng thì hoàn toàn có thể kiện dân sự đối với công ty này", ông Tài nói thêm.
Alibaba cần có luật sư đại diện nói chuyện với khách hàng
Đồng ý với ý kiến của luật sư Trần Tấn Tài, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tất cả những phản ánh của khác hàng cần được một tòa án thụ lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến đền bù, bồi thường.
Cùng với đó, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng khẳng định: "Đối với tình hình của Địa ốc Alibaba hiện nay, công ty này phải có một luật sư đại diện cho công ty về mặt pháp luật để đối thoại với công chúng chứ không thể để những người tự xưng là đại diện của công ty để phát ngôn".
Hiện tại cả Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của Địa ốc Alibaba đều đã bị bắt giữ. Ảnh: CTV. |
Ông Hiếu cho rằng luật sư là nguồn thông tin hợp pháp và chính xác nhất trong thời điểm ban lãnh đạo của công ty này đều đã đang trong thời điểm cả chủ tịch HĐTQ và tổng giám đốc của Aliababa đều đã bị bắt giữ.
Ngoài ra, để khách hàng có thể nắm được thông tin từ cả hai phía về vụ việc, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Công an và các cơ quan chức năng cũng nên có những thông báo sơ khởi về quá trình điều tra, khối lượng tài sản của Địa ốc Alibaba mà cơ quan điều tra đang nắm giữ để khách hàng nắm được có thật là tiền của mình đang ở đó hay không, tránh trường hợp chỉ nghe từ một bên là phía Địa ốc Alibaba.
Đồng thời, nói về việc đầu tư đất nền, ông Hiếu nhận định: "Không giống như nhà đất, chung cư Đây là một sản phẩm đầu tư bất động sản có tính rủi ro cao".
"Trước khi đầu tư, người dân cần phải nghiên cứu rất kỹ về sản phẩm mình chuẩn bị xuống tiền. Đây có phải là đất có sổ đỏ hay không, có đang bị tranh chấp hay không, có thể chuyển đổi sang đất thổ cư hay không, giá trị của khu đất đó là do giá trị thực hay được thổi lên...", ông Hiếu nói.