Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Khách Hàn lần đầu ngắm toàn cảnh TP.HCM từ độ cao 178 m

Thưởng thức phở Bắc gia truyền, giải nhiệt bằng nước sấu và ngắm TP.HCM về đêm từ tầng 49 Bitexco là những trải nghiệm thú vị dành cho du khách tại TP.HCM.


TP.HCM vào ban ngày có thể hối hả, đông đúc và bụi bặm, nhưng về đêm lại lung linh, nhộn nhịp ánh đèn. Trong lòng "thành phố không ngủ", tôi nép mình trên băng ghế tại tầng 49, tòa nhà Bitexco, lẳng lặng thưởng thức phố đêm ở một góc nhìn khác mà tôi chưa từng thử trước đây.

khach Han thu nuoc sau anh 1

Tôi là Jong Rak Choi, sinh ra tại thành phố Seoul, Hàn Quốc. Nhiều người dân Việt Nam biết đến tôi là một reviewer trên mạng xã hội. Bén duyên với TP.HCM ngót nghét đã 6 năm, tôi vẫn miệt mài khám phá mảnh đất này với đa dạng hoạt động ẩm thực, du lịch. Nhưng đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi tạm gác lại công việc, lắng đọng nhìn nhận về thành phố tôi chọn phát triển sự nghiệp.

Một buổi chiều trời quang đãng trở lại sau cơn mưa, thích hợp cho hoạt động ngoài trời và khám phá ẩm thực, tôi chọn một quán phở gia truyền nằm tại đường Hải Triều, quận 1. Không gian quán khá nhỏ, bàn được kê ngoài vỉa hè. Tôi gọi một bát phở gà đùi giá 75.000 đồng kèm một ly nước sấu.

khach Han thu nuoc sau anh 2

Đa phần người Hàn Quốc sẽ chuộng vị ngọt của nước mía. Còn nước sấu tốt cho sức khỏe, thích hợp giải nhiệt nhưng lại khá kén thực khách. Thứ nước này có vị chua chua lạ miệng. Tôi đã nhăn mặt khi uống ngụm đầu tiên.

khach Han thu nuoc sau anh 7

Về món phở, từng thử nhiều phiên bản phở khác nhau, đối với tôi, một trong số điểm khác biệt giữa phở Bắc và Nam là nước dùng. Phở từ khu vực miền Bắc có nước lèo trong, thanh, vị đậm đà. Trong khi phở miền Nam có màu hơi đục. Ngoài ra, sợi phở Bắc to, dẹp hơn nếu so với sợi phở Nam.

Sau khi ăn hết bát phở, trời cũng đã sập tối, tôi vội thanh toán và tiến về phía toà Bitexco đối diện - nơi mở bán vé đài quan sát trên cao, tên Saigon Skydeck.

6 năm sống tại TP.HCM nhưng tôi chỉ đến toà nhà này vỏn vẹn 2 lần. Bước vào khu vực sảnh, tôi được giới thiệu thông tin về buổi tham quan và lối lên khu vực quan sát. Cánh cửa thang máy vừa mở ra, tôi lặng người vài giây vì không gian rộng lớn. Đập vào mắt tôi là con sông Sài Gòn uốn lượn dưới chân cầu Ba Son.

khach Han thu nuoc sau anh 8

Tôi đến TP.HCM vào năm 2018, lúc ấy cầu Ba Son còn đang xây dở, mọi thứ khá đơn sơ. Sau bao năm nhìn lại, cây cầu không chỉ hoàn thiện nối quận 1 với TP Thủ Đức, mà đây còn là một trong số biểu tượng kiến trúc của thành phố.

Điều chỉnh ống ngắm, dạo một vòng TP.HCM từ trên cao, tôi nhận ra thành phố tôi gắn bó 6 năm qua đã thay đổi ít nhiều, chẳng hạn công viên TP Thủ Đức với điểm nhấn là vườn hoa hướng dương vừa khánh thành cuối năm ngoái hay một số tòa cao ốc mới mọc cạnh cầu Ba Son, chiếc đèn LED to, đủ màu sắc rọi vào công viên bến Bạch Đằng. Trong ký ức về những ngày đầu, TP.HCM chưa rực rỡ như thế.


khach Han thu nuoc sau anh 9

Chuyển tầm mắt về quận 1, gần bờ sông Sài Gòn, những chiếc thuyền du lịch cấp tập vận chuyển khách tham quan gợi cho tôi liên tưởng đến hành trình tương tự tại sông Singapore.

Bên trong đài quan sát, bức tường được thiết kế với lớp kính tạo cảm giác du khách có thể ngắm TP.HCM ở mọi góc. Tiến đến khu vực đặt ống nhòm tầm xa, tôi nhận ra điểm khác biệt ở Hàn Quốc và Việt Nam ở dịch vụ này là việc thu phí. Nhân viên sẽ tính vé lần 2 nếu du khách sử dụng thiết bị quan sát ở đất nước tôi, nhưng tại đây du khách chỉ cần trả tiền một lần và thoả thích tham quan.

Cạnh ống ngắm là màn hình rộng cho phép bạn phóng to, thu nhỏ từng địa danh tại TP.HCM. Tôi lọ mọ tìm chợ Bến Thành, địa đạo Củ Chi, Bưu điện thành phố,... ôn lại kỷ niệm từ những chuyến tham quan trước.


khach Han thu nuoc sau anh 14

Rời vị trí quan sát, tôi ghé vào phòng trưng bày áo dài. Những bộ Việt phục qua từng thời kỳ được xếp gọn trong lồng kính. Tôi biết thêm về phiên bản áo dài tứ thân, ngũ thân,… bên cạnh áo dài trắng học sinh Việt Nam thường diện vào thứ hai đầu tuần.

khach Han thu nuoc sau anh 15

Tiếp tục men theo bức tường, từng giai đoạn làm nên tòa Bitexco được tái hiện trên bảng. Tôi khá bất ngờ khi công trình này được lấy cảm hứng từ hoa sen, quốc hoa của Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng Saigon Skydeck là nơi bất kỳ du khách nào lần đầu tới TP.HCM nên ghé khi muốn tìm hiểu thêm về lịch sử áo dài, ngắm nhìn các tòa nhà chọc trời, đường xá từ trên cao. Và những người sống tại đây lâu năm như tôi có thể đến để khơi lại cảm hứng ban đầu hoặc mới mẻ hơn về thành phố sôi động này.

Một điểm lưu ý rằng du khách có thể khó chụp ảnh khi tham quan địa điểm trên vào ban đêm.

Ngoài điểm đến tham quan trên, du khách có thể dễ dàng cảm nhận TP.HCM toàn cảnh từ trên máy bay. Tuy nhiên, Saigon Skydeck sẽ mang đến cho bạn góc nhìn cận và chi tiết hơn về các công trình, tòa nhà chọc trời, điểm vui chơi công cộng. Bên cạnh đó, du khách được thoải mái điều chỉnh điểm nhìn, tọa độ muốn khám phá, thậm chí bạn có thể lưu lại đây cả ngày để quan sát đô thị từ ngày sang đêm.

khach Han thu nuoc sau anh 20

ZLocal là series về trải nghiệm du lịch và ẩm thực tại TP.HCM qua góc nhìn du khách quốc tế. Tại đây, mỗi khách mời khám phá những địa điểm đậm tính địa phương, nơi chỉ người dân thành phố mới biết và gắn bó. Đồng hành cùng du khách là một người bản địa với vai trò giới thiệu, lan tỏa văn hóa sống ở đô thị lớn nhất Việt Nam.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch


Bài liên quan

Tường Vi - Phương Lâm

Bạn có thể quan tâm