Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Khắc Hưng: 'Nhạc Việt quá nhiều nỗi buồn, lặp đi lặp lại'

Ca khúc "Ghen Cô Vy" của Khắc Hưng đã để lại dấu ấn và trở thành giai điệu lan tỏa thông điệp tích cực trong một năm đầy biến động vì dịch bệnh như 2020.

Khắc Hưng là nhạc sĩ có được thành công từ những ngày đầu vào nghề. Anh có nhiều hit tạo dấu ấn ở thị trường âm nhạc, đơn cử như: Sau tất cả, Ghen, Ánh nắng của anh, Đâu chỉ riêng em, Đúng cũng thành sai, Trên tình bạn dưới tình yêu... Đặc biệt, ca khúc Ghen được chuyển lời thành Ghen Cô Vy trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020 và trở thành "giai điệu của năm".

Ghen Cô Vy với vũ đạo rửa tay góp phần lan tỏa thông điệp tích cực trong việc phòng chống dịch bệnh. Đây là sản phẩm tuyên truyền do Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (thuộc Bộ Y tế) đặt hàng. Bài hát xuất hiện trong chương trình Last Week Tonight (phát sóng trên kênh HBO) hay tạp chí Billboard.

Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2020, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng đề cập đến việc Ghen Cô Vy đã trở thành hiện tượng trong cuộc chiến chống Covid-19 không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.

- Góc anh nhìn về sự nghiệp âm nhạc của mình trong năm 2020?

- Tôi phải luôn cố gắng để tốt hơn mỗi ngày. Năm vừa qua, tôi mãn nguyện vì nhiều thứ. Đầu tiên là sự trưởng thành của chính mình. Tôi đã vượt qua giới hạn của một ca khúc chỉ là đơn đặt hàng về tình yêu. Với Ghen Cô Vy, tôi nhận ra mình hoàn toàn có thể dùng âm nhạc để làm những điều thiết thực cho cộng đồng và chất xám của tuổi trẻ là cần thiết với xã hội.

Đây cũng là năm, tôi cảm thấy mình được hồi sinh. Những cảm xúc được khắc họa rõ nét hơn. Quyết định chín chắn hơn. Hơn hết, tôi ngày càng hiểu thêm về bản thân. Và mỗi lần như vậy, tôi lại càng cảm thấy chính mình còn quá nhiều thứ chưa hiểu hết. Đó là một hành trình đầy thách thức nhưng cũng vô cùng thú vị.

- "Ghen Cô Vy" gây sốt nhưng không phải ca khúc mới. "Đúng cũng thành sai" vướng nghi án đạo nhạc. Dự án anh hợp tác với Erik, Cara không thành công như mong đợi. Những điều đó có khiến anh tiếc nuối khi nhìn lại năm qua?

- Tôi lại thấy 2020 là năm toàn vẹn bởi nếu không có những ca khúc đó, tôi không trưởng thành được. Tôi là người hiếu thắng và muốn thử những cái mới. Cứ loanh quanh trong không gian riêng và làm những thứ dễ đoán thì rất an toàn. Do đó, tôi cần khán giả để họ đưa ra nhận định.

Một số bài hát có thể không thành công trên bảng xếp hạng. Nhiều khán giả còn bình luận tôi sáng tác xuống tay. Nhưng tôi tự hào khi đã vượt qua giới hạn của bản thân. Đó là nền tảng để tôi phát triển và góp phần nâng cao thị hiếu.

Khac Hung noi ve tranh cai anh 1

- Anh đã tìm được thành quả gì từ những cuộc thử nghiệm đó?

- Năm qua, tôi sáng tác bài This Way cho Cara hay một số bài cho Jsol. Tôi tự nhận thấy các sáng tác có sự khác biệt về ca từ và không mang nhiều ý kiến chủ quan như trước.

Ngày xưa, tôi hay viết kiểu: "Tôi cảm thấy thế này, thế kia" nhưng dạo này nếu khán giả để ý, ca từ của tôi sẽ là: "Tôi nhìn thấy thế này".

Năm 2017, tôi viết Đâu chỉ riêng em với giọng hờn dỗi, trách móc. Nhưng tới bài Đúng cũng thành sai, tôi viết lời nhẹ nhàng, khách quan và mang nhiều tầng ý nghĩa hơn.

- Với trường hợp "Đúng cũng thành sai" vướng nghi án đạo nhạc. Đến lúc này, anh đã có thể đưa ra lời giải thích?

- Khi ồn ào xảy ra, tôi cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tâm lý đủ bình tĩnh để không nói ra những lời ngu xuẩn. Đến hiện tại, tôi đã bình tâm hơn, sự việc cũng xảy ra quá lâu. Tôi cũng không biết phải nói gì và liệu mình còn cảm xúc để nói về việc đó hay không.

- Trong quá khứ, anh viết status với ngôn ngữ khá gay gắt mỗi khi tranh cãi hay nghi án đạo nhạc xảy ra, thậm chí thách thức khán giả hãy "cẩn thận" khi nói bài "Ghen" mua thứ hạng. Tuy nhiên, lần này anh quyết giữ im lặng. Tại sao?

- Tôi trưởng thành hơn rất nhiều sau những lần ồn ào đó. Đến lúc này, tôi nghĩ không nói gì là tốt nhất. Cái gì đúng thì không cần thanh minh, còn đã sai lại càng không cần bào chữa. Thay vào đó, tôi muốn thanh minh cho khán giả bằng những sản phẩm âm nhạc.

Di sản cuối cùng tôi muốn để lại không phải những câu nói, những phát ngôn mà là âm nhạc. Tôi là người nói chuyện đôi khi bốc đồng và quá tự tin nên tôi sợ mình không thể kiểm soát bản thân. Trong khi đó, đôi khi khán giả quá quan tâm và chỉ đào sâu vào đời tư. Thành ra 10 bài hát cũng chẳng bằng một câu nói. Tôi rất sợ điều đó.

- Có vẻ anh đã nhận nhiều hệ quả và bài học từ sự bốc đồng, tự tin quá mức của mình?

- Rõ ràng là như vậy. Khi Ghen ra mắt, bài hát được top 1 thịnh hành và bảng xếp hạng âm nhạc, nhiều người nghi ngờ ê-kíp mua vị trí xếp hạng bởi thời điểm đó, cả tôi lẫn Erik, Min đều là những cái tên khá non trẻ. Khi đó, tôi lên mạng thách thức khán giả kiểu: "Ai mà nói bài Ghen mua thứ hạng hãy cẩn thận".

Sau này tự suy xét bản thân, tôi thấy khi đó mình quá bốc đồng. Tôi nhận ra đáng nhẽ mình không cần tức giận như vậy bởi đó là thành tích tốt và chúng tôi đạt được bằng thực lực chứ không như mọi người đồn đại. Do đó, bây giờ tôi không còn "xù lông" trước mọi sự việc như trước.

Ngày xưa, tôi rất tự tin mình đọc vị người khác nhanh. Có nghĩa, tôi luôn suy nghĩ trong đầu người ta làm cái này hay cái kia với một mục đích nào đấy. Hiện tại tôi nhận ra đó không phải đọc vị người khác. Tôi chỉ đang tìm ra tính xấu của người khác và tự suy diễn họ từ chính bản chất của mình.

- Khi gánh chịu hệ quả, có bao giờ anh hối hận vì để những tranh cãi đó xảy ra?

- Đó là những chuyện phải xảy ra. Nếu không xảy ra, tôi sẽ không trưởng thành như bây giờ. Ngày xưa, tôi không biết kiểm soát nỗi buồn, có khi mất tới 1 năm không thể tự thoát ra. Như năm 2018, tôi không thể làm được việc gì. Bây giờ, tôi buồn trong thời gian ngắn thôi.

Tôi thấy có một điều rất đúng là hạnh phúc như cái cây còn nỗi buồn là rễ. Rễ không cắm sâu, cái cây cũng không thể vươn cao. Hai thứ đó phải tương đồng với nhau.

Lúc nào cũng chỉ có hạnh phúc mà không có nỗi buồn thì chúng ta không biết quý trọng. Đến một ngày, hạnh phúc đó cũng sụp đổ mà thôi.

Lúc này, tôi thích nghe người khác nói. Tôi còn nhận ra, không chỉ khán giả mà cả bạn bè, gia đình, người lớn tuổi đều cho tôi những bài học trong cả âm nhạc lẫn cuộc sống.

Ngoài ra, dạo này tôi đọc sách rất nhiều. Lần đầu tiên trong đời, tôi được tặng tới 12 quyển sách nhân dịp sinh nhật. Tất cả đều thiên về lịch sử loài người, lý thuyết, tâm lý, sự kiện… Tôi cảm thấy rất hứng thú với việc đó. Trước đây, tôi cứ nghĩ khám phá chính mình là đủ còn bây giờ tôi muốn đọc nhiều hơn. Việc đọc giúp thế giới quan mở mang rất nhiều.

Khac Hung noi ve tranh cai anh 2

- Đâu là bài học ý nghĩa và có sức ảnh hưởng lớn nhất để làm nên sự trưởng thành của Khắc Hưng?

- Năm qua, may mắn tôi đã gặp được nhiều người truyền cho tôi cảm hứng. Tôi gặp một anh bác sĩ đã chữa cho rất nhiều bệnh nhân trong đợt dịch vừa rồi. Trò chuyện với anh, tôi được biết sở dĩ anh theo nghề y bởi bạn của anh đã qua đời trước khi thực hiện được mong ước. Anh ấy quyết định học ngành y để thay bạn hoàn thành ước mơ.

Đó là những câu chuyện người thật, việc thật và họ lạc quan. Lạc quan không chỉ có nghĩa là không sợ hãi mà còn là hoàn cảnh nào cũng cảm thấy bản thân bình yên.

- Khắc Hưng của hiện tại, khi đã trưởng thành và thay đổi tư duy âm nhạc có còn viết những ca khúc thuần giải trí, thậm chí bị đánh giá là nhảm, phản cảm như từng viết?

- Có chứ, những dự án cộng đồng hay âm nhạc kiểu Như cái lò đều là sản phẩm tôi yêu thích. Tôi không chối bỏ phần con người đó. Tôi nghĩ một người nhạc sĩ phải luôn luôn đa dạng, không ngừng thay đổi và yêu chính tác phẩm của bản thân.

Dù thế nào thì đó cũng là chất xám và một phần con người tôi. Mình không yêu bản thân thì cũng không thể yêu cộng đồng được. Có thể tôi vẫn sáng tác những ca khúc như Như cái lò, nhưng tôi giữ cho riêng mình hoặc ra mắt vào một thời điểm thích hợp.

Lúc này, cũng gần 30 tuổi rồi, tôi muốn tập trung khai phá nhiều mảnh đất âm nhạc hơn. Tôi muốn trau dồi cả những dòng nhạc không phải sở trường.

- Càng trưởng thành, càng thành công, anh có đặt ra áp lực để đạt được mục tiêu lớn lao hơn trong sự nghiệp?

- Bây giờ mục tiêu tôi đặt ra là sáng tác cho khán giả tầm tuổi 30-45 hoặc lớn tuổi hơn, và phải là những ca khúc có thông điệp âm nhạc ý nghĩa, sâu sắc. Tuy nhiên, đây là việc khiến tôi bị mắc kẹt. Hiện tại tôi chưa hiểu được những người tầm tuổi mình hoặc lớn hơn đang nghĩ gì.

Trên thế giới có nhiều bài hát mà tất cả đối tượng, độ tuổi khán giả đều nghe được, chẳng hạn Heal The World. Tôi muốn có một siêu phẩm như thế trong đời, không có giới hạn về độ tuổi và lãnh thổ. Để làm được điều đó, tôi phải đào sâu vào con người nhiều hơn.

- Anh sẽ làm gì để nuôi tham vọng?

- Tôi rất thích nắm bắt người khác, cố hiểu những người xung quanh đang nghĩ gì, muốn gì. Tôi muốn làm được điều đó để viết nên một ca khúc dành cho mọi người.

Ngoài ra, tôi muốn ra mắt album của riêng mình và đi hát. Tôi không tự gọi mình là ca sĩ nhưng tôi muốn trải nghiệm cảm giác của đồng nghiệp. Tôi muốn hiểu ca sĩ họ có những ưu điểm và hạn chế như thế nào để tôi cải thiện công việc sáng tác, sản xuất.

Đôi khi tôi chỉ nhìn được mặt ca sĩ ở trong phòng thu mà không hiểu hết công việc của họ cũng như cảm giác, không khí mỗi lần họ lên sân khấu ra sao. Tôi sẽ đi hát và đưa không khí đó vào các ca khúc của mình. Bài hát sẽ không chỉ có linh hồn trong phòng thu nữa mà mang hơi thở cuộc sống, sân khấu nhiều hơn.

Khac Hung noi ve tranh cai anh 3

- Khi đã có câu trả lời, anh sẽ trở lại tập trung cho công việc sáng tác, sản xuất hay tiếp tục đi hát?

- Đến bao giờ thấy đủ thì thôi, tôi không đặt giới hạn cho bản thân. Tôi tham lam lắm. Nhưng ngày xưa tôi chỉ nghĩ cho riêng mình còn hiện tại tôi muốn làm cho mọi người nhiều hơn.

- Anh muốn làm gì cho thị trường âm nhạc Việt sắp tới?

- Tôi muốn làm nhiều lắm. Hiện tại, nhạc ballad vẫn thống trị. Mọi người có thể thấy, ngay sau cuộc thi Rap Việt và King of Rap, bài hát ballad của Hiền Hồ vươn lên vị trí số một của top thịnh hành. Có thể thấy, ballad không bao giờ mất đi.

Ngay cả nhiều khu vực khác như Philippines, Trung Quốc, Đài Loan… khán giả cũng thích ballad. Tôi không thể thay đổi được thực tế đó và cũng không có vấn đề gì với ballad. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều quan trọng là phần thông điệp.

Ở Việt Nam, tôi thấy các bài ballad đang buồn rơi nước mắt. Nỗi buồn quá nhiều và lặp đi lặp lại. Tôi hy vọng thái độ trong âm nhạc tích cực hơn.

Ngoài ra, vấn đề ở nhiều bài nhạc Việt hiện giờ là không khiến khán giả đặt ra câu hỏi. Tôi muốn mỗi ca khúc khi đưa tới khán giả sẽ khiến họ trăn trở, đặt câu hỏi: “Bài hát này viết về điều gì, nghĩa như thế nào”. Tôi đang trên con đường tìm ra những bài hát như thế.

Tôi không mong khán giả đồng tình hoàn toàn với những gì tôi viết ra. Tôi hy vọng họ có sự đóng góp để tư duy của tôi mở hơn và đón nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Nhờ thế, thẩm mỹ âm nhạc của tôi cũng đi lên.

- Cũng từ câu chuyện ballad chiếm lĩnh thị trường ngay sau cơn sốt Rap Việt, King of Rap, anh có thể dự đoán tương lai của rap. Liệu rap có thể tiếp tục bùng nổ như thời gian qua?

- Tôi nghĩ là khá khó. Hai chương trình Rap Việt và King of Rap thành công một phần nhờ khán giả nhìn thấy cuộc sống đằng sau của nghệ sĩ rap. Đấy là cái công chúng hứng thú.

Về thị trường âm nhạc năm 2021 nói chung, hiện tại tôi thấy không có gì chắc chắn. Năm 2020 có quá ít dữ liệu để đưa ra được dự đoán. Vì dịch bệnh nên nghệ sĩ ra sản phẩm quá ít. Nếu nói hit, tôi nghĩ năm nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lan Phương (thực hiện)

Đồ họa: Phượng Nguyễn
Ảnh: Phương Lâm

Bạn có thể quan tâm