Khả năng kỳ diệu của sinh vật sống dai nhất hành tinh
Gấu nước, loài sinh vật tí hon đang xếp đầu danh sách sống dai nhất hành tinh nhờ khả năng tồn tại hoàn hảo ở điều kiện đông lạnh, đun sôi hay thậm chí môi trường không gian đầy khắc nghiệt.
Trước đây, người ta thường nghe nói đến khả năng sống dai của loài gián, với sức chịu đựng trong môi trường nhiễm xạ của một vụ nổ hạt nhân. Tuy nhiên, loài gấu nước lộ diện nhanh chóng biến kì tích của loài gián trở nên nhỏ bé. Hiện tại, gấu nước đang được mệnh danh là loài bất khả chiến bại nhờ khả năng sống gần như hoàn hảo cùng tuổi thọ lên tới 200 năm.
Gấu nước, sinh vật có khả năng sống ngoài không gian. |
Loài gấu nước có tên khoa học là Tardigrades, với thân mình phân đốt và có 4 cặp chân. Điều khiến gấu nước nhận được sự chú ý vượt trội là bởi khả năng tồn tại tốt trong những môi trường khắc nghiệt nhất, vốn nằm ngoài sự tưởng tượng của con người.
Biên độ giới hạn chịu nhiệt của gấu nước có thể lên tới hàng trăm độ, giúp nó sống được trong nước sôi hay thậm chí là băng giá. Nó cũng có thể tồn tại ở những nơi có áp lực lớn, bao gồm các rãnh sâu nhất dưới đáy đại dương. Môi trường chân không bên ngoài khí quyển trái đất cũng không giết nổi loài động vật nhỏ bé kì dị này.
Thậm chí, nó còn có thể tồn tại tốt trước bức xạ mặt trời hay bức xạ gamma ở mức cao, gấp hàng trăm lần giới hạn đủ giết chết một người. Ngoài ra, chúng có thể tồn tại trong khoảng thời gian 10 năm mà không cần tới thức ăn, nước uống. Trong khi đó, chỉ với 3% lượng nước thông thường cũng giúp chúng thực hiện tốt việc sinh sản.
Những cá thể gấu nước bình thường chỉ dài 1mm khi phát triển đầy đủ. Thân hình tròn và phân đốt với 8 chân khiến chúng ta liên tưởng gấu nước với các loài sâu. Gấu nước di chuyển hoàn toàn dựa vào 4 cặp chân nằm dưới bụng. Phần đầu mỗi chân gấu nước đều có các móng vuốt siêu nhỏ, đảm bảo cho nó bám chắc trong quá trình di chuyển.
Môi trường sinh sống lí tưởng nhất của loài gấu nước là trong các bụi rêu và địa y, vốn vô cùng nghèo nàn chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng và phát triển của loài động vật kỳ lạ này.
Trên thực tế, gấu nước được phát hiện từ năm 1773 bởi Johann August Ephraim Goeze. Kể từ năm 1778 tới nay, có tới 500 loài gấu nước khác nhau đã được tìm thấy và ghi nhận. Khi phát hiện ra sinh vật kì lạ, Johann August Ephraim Goeze đã đặt tên nó là Wasserbär, theo tiếng Đức nghĩa là “gấu nước bé nhỏ”. Sở dĩ, nó được đặt như vậy bởi dáng đi của loài vật này khiến người ta liên tưởng tới hình ảnh một con gấu.
Con gấu nước lớn nhất được ghi nhận có chiều dài cơ thể đạt 1,5mm trong khi số khác chỉ đạt mức trung bình 1mm. Những con gấu nước con mới nở chỉ có chiều dài cơ thể tương đương 0,05mm. Gấu nước được phát hiện ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm đỉnh Himalaya tới những đáy biển sâu tới 4km hay ở 2 đầu cực của trái đất.
Ngoài các môi trường lý tưởng là địa y và rêu, gấu nước còn có khả năng sống và phát triển hoàn hảo tại các đụn cát, bãi biển, đất, nước ngọt trong các hồ chứa ngầm. Nếu đúng môi trường sống của gấu nước, có thể tìm thấy 25.000 cá thể loài vật này trên mỗi lít. Trong khi đó, để tìm gấu nước trong các mảng rêu hay địa y, chỉ cần ngâm chúng vào trong nước tinh khiết để kéo gấu nước ra ngoài.
Ngoài khả năng tồn tại ở những môi trường mà các loài động vật khác đều phải chào thua, gấu nước còn được đưa lên không gian, nơi chúng được thử sức trong môi trường chân không. Vượt qua thí nghiệm năm 2007, gấu nước chính thức được công nhận là loài sinh vật sống dai nhất hành tinh với khả năng sống trong môi trường không gian.
Trịnh Duy
Theo Infonet