Thỏa thuận, được công bố lần đầu vào tháng 12/2018, đã được xác nhận vào ngày 27/5 trong chuyến thăm cấp nhà nước bốn ngày tại Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhật Bản "vừa công bố ý định mua 105 máy bay tàng hình F-35 hoàn toàn mới. Tàng hình, bởi vì, thực tế là bạn không thể nhìn thấy chúng", ông Trump nói tại Cung điện Akasaka ở Tokyo. "Đợt mua hàng này sẽ mang lại cho Nhật Bản phi đội F-35 lớn nhất trong số các đồng minh của Mỹ", ông cho biết.
Hạm đội F-35 của Nhật Bản sẽ là lớn nhất trong số các đồng minh của Mỹ. Ảnh: AFP. |
Theo South China Morning Post, thỏa thuận F-35 có khả năng giúp Nhật Bản tái khẳng định vai trò nhân tố an ninh hàng đầu nhưng cũng đặt ra thách thức mới đối với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), lực lượng đã mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong những năm gần đây.
Hóa giải đe dọa từ Trung Quốc
Cho đến nay, khoảng một chục đồng minh của Mỹ đã đặt hàng F-35.
Chính phủ Australia đã dành ngân sách 17 tỷ USD cho 72 chiếc và Hàn Quốc đã đặt mua 40 chiếc F-35A. Lockheed Martin, nhà sản xuất F-35, hy vọng Seoul sẽ mua thêm 20 chiến đấu cơ loại này.
Washington và Tokyo từ lâu đã cảnh giác với việc mở rộng quân sự của Bắc Kinh. Nhật Bản công bố chiến lược chính sách đối ngoại mới về một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở" ba năm trước để thúc đẩy hơn nữa "luật pháp, tự do hàng hải và thương mại tự do".
Những lo ngại của Washington được phản ánh trong báo cáo thường niên của quốc hội năm nay với cảnh báo: "Trong những thập kỷ tới, (các nhà lãnh đạo Trung Quốc) sẽ tập trung vào việc hiện thực hóa một Trung Quốc hùng mạnh và thịnh vượng được trang bị quân đội 'đẳng cấp thế giới', đảm bảo vị thế của Trung Quốc như một cường quốc với mục đích nổi lên như thế lực thống trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Các nhà quan sát quân sự cho biết thỏa thuận F-35, cùng với kế hoạch hiện đại hóa phi đội tàu sân bay trực thăng lớp Izumo của Tokyo để chứa các máy bay phản lực, gây ra mối đe dọa cho kế hoạch của Bắc Kinh ở Biển Đông bằng cách tăng phạm vi hoạt động của không quân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trên tàu sân bay trực thăng Nhật Bản hôm 28/5. Ảnh: Kyodo. |
Nhật Bản không hướng về Biển Đông nhưng coi đây là chiến lược chủ chốt do vùng biển này giữ vai trò là tuyến hàng hải quan trọng.
Zhou Chenming, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho biết: "Thỏa thuận F-35 có thể giúp Nhật Bản hóa giải mối đe dọa từ Trung Quốc và nó có thể được coi là một phần quan trọng trong chiến lược cưỡng chế trên toàn thế giới của Mỹ".
"Điều này chắc chắn sẽ làm đảo lộn sự cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với số lượng lớn máy bay chiến đấu do Nhật Bản đặt hàng", ông Zhou nhận định.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng mặc dù máy bay chiến đấu J-20 thế hệ thứ năm của Trung Quốc đã giúp PLA dẫn đầu trong cuộc đua máy bay chiến đấu tàng hình, máy bay Trung Quốc đã gặp sự cố về động cơ ngay cả sau khi được triển khai vào năm 2017.
Áp lực chạy đua vũ trang
Thỏa thuận F-35 mới nhất cũng sẽ gây áp lực hơn nữa đối với Trung Quốc để tăng tốc và cải thiện chương trình phát triển J-20.
Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong, cho biết: "Nếu Nhật Bản mua F-35B, loại đóng trên tàu sân bay, thì nó sẽ làm đảo lộn hoạt động trên Biển Đông. Nhật Bản có kế hoạch triển khai F-35B cho các hàng không mẫu hạm của mình".
Ryo Hinata-Yamaguchi, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, cho biết: "Khi Nhật Bản chuyển sang thiết lập lớp Izumo với khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng, F-35B về cơ bản là sự lựa chọn duy nhất".
Thỏa thuận F-35 sẽ "tăng cường khả năng của Nhật Bản để đạt được ưu thế trên không và trên biển, điều rất quan trọng đối với việc bảo vệ quần đảo Nhật Bản", ông nói thêm.
Nhật Bản đang lên kế hoạch điều chỉnh tàu sân bay trực thăng của mình để mang theo máy bay chiến đấu. Ảnh: Kyodo. |
Song Zhongping, nhà phân tích quân sự tại Hong Kong, nói: "Việc mua hàng chắc chắn sẽ kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, khiến Trung Quốc làm điều tương tự bằng cách phát triển và triển khai thêm máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến của riêng mình trong khu vực để chống lại sự hiện diện quân sự của Mỹ và các đồng minh".
Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết F-35 sẽ giúp Nhật Bản tăng sức mạnh đáng kể trong cuộc đua máy bay chiến đấu tàng hình.
Ông Koh cho rằng trong khi Trung Quốc là mối quan tâm chính đối với Tokyo, Triều Tiên cũng là một sự cân nhắc.
"Động thái này có thể được coi là phản ứng đối với những gì Nhật Bản đề cập trong thời gian gần đây. Đó là môi trường an ninh ngày càng nghiêm trọng mà nước này phải đối mặt: không chỉ Trung Quốc và việc xây dựng quân sự nhanh chóng, bao gồm cả việc tạo ra các máy bay chiến đấu thế hệ mới như J-20, mà còn có mối đe dọa từ Triều Tiên", ông Koh nói.