Tại hội thảo "Bách khoa toàn thư Việt Nam: Truyền thống hay cộng đồng" diễn ra sáng 30/11 tại TP.HCM, TS Đặng Xuân Thanh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã báo cáo tiến độ biên soạn bộ sách sau 6 năm triển khai đề án.
Ông cho biết đến nay, Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đề cương các quyển chuyên ngành, xác định số lượng mục từ cần biên soạn khoảng 60.000 từ.
Ban thường trực đề án đã mời khoảng 6.000 nhà khoa học cùng tham gia biên soạn. Tuy nhiên, với cách biên soạn như truyền thống, người biên soạn mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành.
Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 38 quyển, sẽ được biên soạn theo hướng mở. Ảnh: Minh Nhật. |
Do đó, ban thường trực đề án Bách khoa toàn thư Việt Nam và đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa thống nhất hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra cách biên soạn mới cho Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Cụ thể, với khoảng 60.000 mục từ cần biên soạn của Bách khoa toàn thư Việt Nam, Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hoá sẽ xây dựng nền tảng phần mềm (tạm gọi là Bách khoa toàn thư mở) để kêu gọi các nhà khoa học, người dân, cộng đồng cùng tham gia biên soạn nội dung mục từ.
Với cách biên soạn mở này, từ nguồn dữ liệu thô, các nhà khoa học có thêm thời gian xem xét, xử lý, gia tăng hàm lượng tri thức trong từng mục từ. Những cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng Bách khoa toàn thư mở sẽ được cộng đồng ghi nhận, tôn vinh theo đúng tôn chỉ của Hệ tri thức Việt số hoá.
Hiện nay, 60.000 tên đầu mục từ của Bách khoa toàn thư Việt Nam đã được đưa lên mạng bktt.vn. Ban chủ nhiệm Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam cũng cung cấp cho bktt.vn toàn bộ tài liệu hướng dẫn biên soạn để các nhà khoa học trong và ngoài nước căn cứ quy tắc và thể lệ biên soạn mục từ tham gia biên soạn.
Sau khi hoàn thành và xuất bản, nội dung bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ được công khai trên mạng và cập nhật liên tục.
TS Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ về thời gian thực hiện đề án theo cách biên soạn mới. Ảnh: Minh Nhật. |
TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, cho rằng nếu áp dụng phương thức biên soạn mới, tận dụng lợi thế công nghệ, với tinh thần cầu thị, chúng ta sẽ huy động được sự đóng góp của cả cộng đồng. Rất nhiều nhà khoa học, trí thức mong muốn cống hiến chứ không chỉ dừng lại ở khoảng 6.000 nhà khoa học được mời tham gia đề án Bách khoa toàn thư Việt Nam. Đặc biệt, cách làm này có thể rút ngắn thời gian thực hiện đề án.
"Chúng tôi dự đoán bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ được xuất bản sau 7 năm nữa. Còn bộ Bách khoa toàn thư mở sẽ luôn cập nhật", bà Hà thông tin.
TS Đặng Xuân Thanh cho rằng cộng đồng cùng tham gia biên soạn không có nghĩa là vai trò của các nhà khoa học trở nên mờ nhạt. Với cách biên soạn mở, vai trò của các nhà khoa học sẽ được sắp xếp lại. Ngoài việc trực tiếp tham gia biên soạn, đóng góp từng mục từ, một số nhà khoa học sẽ tham gia với vai trò biên tập. Bởi, những thông tin do cộng đồng cung cấp cần phải được nghiên cứu, so sánh, biên tập một cách thận trọng.
Từ năm 2014, Thủ tướng ban hành quyết định số 1262 phê duyệt Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, gồm 38 quyển. Mỗi quyển sẽ có dung lượng 1.500 trang, bao gồm đầy đủ 70 ngành khoa học thuộc các khối khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và kỹ thuật, khoa học quốc phòng, ngoại giao, an ninh…
Tháng 2/2015, Thủ tướng ban hành quyết định số 238 thành lập Hội đồng chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 16 thành viên. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là Chủ tịch Hội đồng.