Ngày 5/2 (mồng 6 tháng giêng), lượng xe từ các tỉnh miền Tây đổ về TP.HCM ngày càng nhiều dẫn đến kẹt xe kéo dài hầu như cả ngày trên quốc lộ 1, đoạn từ chân cầu Mỹ Thuận tới nút thắt cổ chai cầu An Hữu thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Hơn 1 giờ mới lên được cầu
Tại đường dẫn cầu Mỹ Thuận phía bờ Vĩnh Long, lực lượng cảnh sát giao thông đã điều tiết để xe qua cầu từng đợt. Hàng trăm phương tiện xếp hàng dài từ chân cầu cho đến cổng chào TP Vĩnh Long, đợi hơn một giờ mới lên được cầu Mỹ Thuận. Người đi xe máy cũng phải nhích từng chút một, chen chúc hơn 15 phút mới lên được cầu. Trên cầu vượt hướng từ quốc lộ 80 (từ tỉnh Đồng Tháp qua cầu Mỹ Thuận) các phương tiện phải xếp hàng dài chờ qua cầu.
Việc điều tiết lượng xe qua cầu Mỹ Thuận giúp cầu luôn thông thoáng, đảm bảo không gây ùn ứ trên cầu. Tuy nhiên khi vừa qua cầu Mỹ Thuận, các phương tiện tiếp tục nằm chờ hơn một giờ nữa vì đợi điều tiết để qua cầu An Hữu. Tại đường dẫn cầu Mỹ Thuận phía bờ Tiền Giang, ôtô tiếp tục xếp hàng dài từ chân cầu đến đầu cầu An Hữu dài gần 5km. Người đi xe máy phải điều khiển xe đi vào đường dân sinh.
Cầu An Hữu thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang kẹt cứng xe và người ngày 5/2. |
Tại cầu An Hữu, do mặt cầu quá hẹp, trong khi lượng xe cộ lưu thông cả hai hướng đều đông nên xảy ra tình trạng ùn ứ ở cả hai hướng. Lực lượng cảnh sát giao thông phải điều tiết liên tục để tránh tình trạng kẹt xe kéo dài lên tận cầu Mỹ Thuận. Chị Trương Minh Nguyệt (hành khách đi từ huyện Tam Bình, Vĩnh Long lên TP.HCM) cho biết xe khách chở chị đã đến cổng chào TP Vĩnh Long từ 11h30 nhưng đến 15h mới qua được cầu An Hữu trong khi đoạn này dài chỉ hơn 7km.
“Cháy vé” xe khách vào Nam
Ngày 5/2, hàng loạt hãng xe khách tại bến xe trung tâm TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... sớm treo biển hết vé vào Nam. Trong khi đó trên quốc lộ 1 qua các tỉnh miền Trung, nhiều tuyến xe khách bắt đầu nhộn nhịp xuất hành đưa khách vào Nam.
Cũng như mọi năm, tại các ngã tư, ngã ba giáp ranh trên quốc lộ 1 như ngã ba Huế, Hòa Cầm (TP Đà Nẵng), ngã ba Vĩnh Điện, Hương An, Cây Cốc, Kỳ Lý (Quảng Nam), nhiều khách bộ hành với ngổn ngang hành lý chờ đón xe. Tuy nhiên, nhiều chuyến xe đã không dừng mà chạy suốt vì kín chỗ. Bà Nguyễn Thị Huyền đón xe từ Trung Phước (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) xuống Hương An để đón xe vào TP.HCM nhưng gần nửa ngày vẫn chưa đón được bởi không có xe nào nhét thêm khách. Bà Huyền cho hay năm nay nhiều tuyến xe khách lên tận các thị trấn vùng sâu vùng xa của Quảng Nam để làm tuyến, bán vé xe trước tết cho hành khách có nhu cầu vào TP.HCM nên việc đón xe đi rất khó. Đa số chuyến xe chất lượng cao này đã kín chỗ trước tết.
Tại bến xe trung tâm TP Đà Nẵng, nhiều hãng xe khách ken kín người mua, các hãng còn lại đều treo biển hết vé xe đến ngày 12 tháng giêng. Theo những hãng xe tại đây, vé xe đi các tỉnh phía Nam vào những ngày “đẹp” đều đã hết vé. Nhân viên Hãng xe Phi Hiệp cho biết vé Đà Nẵng đi TP.HCM vào những ngày chẵn như ngày 6, 8, 10 đều đã hết vé. Nhiều hành khách đến mua vé xe đi TP.HCM tại bến xe Đà Nẵng đều phải chọn đi từ ngày 12 trở đi mới còn vé.
Tương tự, tại ga Đà Nẵng, vé tàu đi các tỉnh phía Nam vào những ngày 6, 8, 10, 12/2 đã hết vé giường nằm, chủ yếu còn ghế phụ. Ga Đà Nẵng đã bán gần 2.000 vé đi các tỉnh phía Nam từ các ngày 12/2 trở đi. Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu đi lại, ga Đà Nẵng tăng cường tàu D3 chạy tuyến Đà Nẵng - Sài Gòn.