Zalo AI Challenge diễn ra từ 8/8-9/9 với 700 đội đăng ký tham gia. Thành phần tham dự từ sinh viên cho đến những kỹ sư công nghệ. Có đến hơn 140 kỹ sư người Việt từ nước ngoài tham gia tranh tài, tất cả đều muốn giải quyết được các vấn đề của Việt Nam bằng trí tuệ nhân tạo.
Trước đó, nhiều lời kêu gọi "lập team" tham dự cuộc thi tràn lan trên khắp các diễn đàn công nghệ về AI và machine learning, thu hút số lượng lớn thí sinh.
“Với những bạn chưa làm những bài toán thực tế bao giờ, đây là cơ hội tốt để các bạn thử sức, cọ xát và các bạn sẽ hiểu là từ lý thuyết đến thực tế còn một khoảng cách khá xa nữa”, thí sinh Nguyễn Xuân Bắc, kỹ sư phần mềm tại Nhật Bản, chuyên về mảng AI, chia sẻ.
Sức hút lớn của công nghệ AI
Ngày 16/9, Zalo tổ chức buổi Awards Ceremony trên tinh thần tạo ra một môi trường để cộng đồng AI gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm về trí tuệ nhân tạo từ cuộc thi.
Các bạn trẻ quan tâm đến công nghệ trí thông minh nhân tạo ngồi chật kín hội trường Dreamplex. |
Đồng thời, Zalo tiến hành trao giải cho 3 đội có thành tích xuất sắc nhất 3 thử thách: nhận diện giọng nói thông qua vùng miền và giới tính, nhận diện địa danh thông qua hình ảnh và phân loại nhạc với giải thưởng lên đến 30 triệu VND cho từng hạng mục.
Anh Phạm Kim Long, trưởng Ban tổ chức cuộc thi Zalo AI Challenge rất bất ngờ với số lượng tham gia đông đảo của các bạn thí sinh. Đồng thời, anh cảm thấy vui mừng vì cộng đồng trí thông minh nhân tạo Việt Nam đã có những bước đi đầy tiềm năng.
Zalo AI Challenge kết nối cộng đồng người trẻ đam mê thử sức trong lĩnh vực AI. |
“Chúng tôi tổ chức cuộc thi này với mục đích tạo ra sân chơi công nghệ cho người trẻ làm AI tại Việt Nam. Cuộc thi dựa trên format của Kaggle giúp thí sinh thi thố trên một môi trường cực kì khách quan”, anh chia sẻ.
Qua cuộc thi trên, Zalo hướng đến xây dựng và cung cấp một bộ data trí tuệ AI bản địa hóa, dùng để phát triển công nghệ này trong một tương lai không xa.
Những bài toán đầy thách thức
Hiện tại đa phần các kỹ sư Việt khi muốn xây dựng mô hình AI đều phải bỏ một số tiền lớn để mua các dữ liệu chuẩn đã được phân loại chính xác để về “dạy” cho AI. Tuy nhiên, các nguồn dữ liệu lớn chi tiết liên quan đến Việt Nam khá khan hiếm. Chính vì thế, những bài toán mà Zalo đưa ra vừa có tính cạnh tranh cực cao, vừa giúp xây dựng bộ data chuẩn thuần Việt.
Để vượt qua được thách thức của Zalo AI Challenge, các đội tham gia phải trải qua ba hạng mục nhận diện bài hát Việt, phân biệt cảnh quan và nhận biết giọng nói.
Anh Trần Công Thiên Qui, đại diện hội đồng chuyên môn cho hay Zalo quyết định xây dựng bộ data về âm nhạc Việt Nam chính bởi sự đa dạng của hạng mục này. Thí sinh phải nhận diện khoảng 10.000 bài hát, được phân thành 10 thể loại khác nhau từ truyền thống đến hiện đại.
“Chúng tôi muốn thí sinh thư giãn sau khi vắt kiệt chất xám vào hai hạng mục nặng nề kia”, anh Trần Công Thiên Qui hóm hỉnh.
Zalo AI Challenge giúp xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu thuần Việt, tạo nền tảng cho sự phát triển công nghệ AI ở Việt Nam. |
Thí sinh Nguyễn Bá Dũng cho biết thời gian gấp rút cùng với thiếu thốn thiết bị là những khó khăn mà đội anh gặp phải. Anh phải lên công ty mượn thiết bị để sử dụng trong cuộc thi. Tuy nhiên, Bá Dũng đạt kết quả cao nhất ở mảng nhận diện bài hát Việt với độ chính xác 70%. Phương pháp mà anh sử dụng trải qua nhiều công đoạn. Anh cắt nhỏ đoạn nhạc, rút trích các phổ âm sau đó chuyển hết thành ảnh, cuối cùng dùng deep network phân tích.
“Khó khăn nhất là nhận dạng nhạc Trịnh, đó là một dòng nhạc riêng rất khó phân biệt giữa trữ tình và đương đại”, Nguyễn Bá Dũng trả lời Zing.vn.
Thử thách thứ hai có độ khó lớn hơn hẳn. Nhiệm vụ của thí sinh là nhận diện hàng loạt các bức ảnh về phong cảnh và tìm hiểu vị trí địa lý một cách chính xác.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, đại diện ban giám khảo cho hay dữ liệu nguồn của thử thách này hoàn toàn không có và giữa các hình ảnh có sự tương đồng rất lớn. Thí sinh Trương Quốc Tuấn đạt giải nhất hạng mục này với độ chính xác lên tới 94%.
Lê Tôn Hoàng Long, thí sinh tham dự hạng mục nhận diện landmark chia sẻ về phương pháp dự thi. Đầu tiên, Long cho rằng ban tổ chức muốn “bẫy” thí sinh bằng số lượng ảnh lớn và không đồng đều, lúc phải nhận diện 53 ảnh lúc thì 3.000 ảnh.
Long giải thích chính tính chất của ảnh quyết định sự thách thức của bài thi. Ngoài những địa danh đặc trưng, bài toán còn cung cấp những yếu tố đời thường như con người, xe cộ, nhà cửa... Hơn nữa, một địa danh nhất định lại chia ra nhiều vùng nhận dạng khác nhau.
“Cuộc thi rất hữu ích đối với không chỉ cộng đồng công nghệ mà còn phổ biến trí tuệ AI cho người không chuyên. Giải thưởng tuy khá lớn nhưng bộ data mà Zalo cung cấp góp phần xây dựng cho công nghệ AI sau này”, Long trả lời Zing.vn. Tuy không nằm trong learderboard nhưng anh khá tự tin về tương lai của công nghệ AI tại Việt Nam.
Thách thức cuối cùng cũng là khó khăn nhất, nhận diện giọng nói và phân biệt giới tính lẫn vùng miền. Bảo Đại, thí sinh đạt giải nhất hạng mục này cho hay anh gặp phải khó khăn cực kì lớn khi thời gian mà ban tổ chức đưa chỉ trong vòng 3-20 giây cho một voice.
“Em phải nhận diện giọng đọc của một người đàn ông nói giọng Nam nhưng giả giọng Huế. Thật là một thử thách khó nhằn”, Bảo Đại cho biết.
Đại diện Ban tổ chức Zalo AI Challenge lên trao giải cho các thí sinh đứng đầu mỗi hạng mục. |
Tại buổi trao giải, ông Vương Quang Khải, người đứng đầu Zalo cho biết mình rất hạnh phúc khi gặp được nhiều người trẻ có cùng mối quan tâm về trí thông minh nhân tạo.
Ông Khải tỏ ra lạc quan về tương lai của công nghệ AI tại Việt Nam, khi lượng thí sinh tham gia Zalo AI Challenge tuổi đời còn rất trẻ (dưới 27 tuổi) mà đã giải quyết được những bài toán có độ khó rất cao. "Tôi có niềm tin là những người trẻ ở đây sẽ tiếp tục phát triển và làm những sản phẩm AI đẳng cấp thế giới", ông Khải chia sẻ.
- Giải nhất đề thi nhận diện giọng nói: nhóm VietAI
- Giải nhất đề thi nhận diện cảnh quan: Trương Quốc Tuấn
- Giải nhất đề thi nhận diện âm nhạc Việt: Nguyễn Bá Dũng