Ngày 14/3, nguồn tin của Zing xác nhận nhà thầu Liên danh SCC (Sumitomo - Cienco 6) đã có kết luận sơ bộ về nguyên nhân sự cố metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Quá trình thử nghiệm, Liên danh SCC xác định dầm dịch chuyển phụ thuộc vào 2 yếu tố khi nhiệt độ ngày và đêm thay đổi, đó là tác động của ray, và kết cấu gối dầm có khe hở.
Mối nối nhịp quá gần mối nối ray
Để làm rõ tác động của ray đối với việc dịch chuyển gối dầm, Liên danh SCC đã thử lắp các kẹp vào thanh ray cố định trên đường ray. Sau nhiều ngày, họ phát hiện gối dầm bị dịch chuyển đáng kể. Ngược lại, khi nhà thầu xả kẹp ray, kết quả cho thấy chuyển động ở gối giảm đi.
Một tác động khác của ray mà nhà thầu cho rằng có liên quan đến hiện tượng gối chuyển vị là vị trí mối nối nhịp (khe co giãn của 2 nhịp dầm) nằm trùng với mối nối ray. Khi mối nối ray và mối nối nhịp có vị trí trùng hoặc quá gần, chuyển động của dầm sẽ lớn.
Mối nối trên 4 ray có vị trí trùng (quá gần) với mối nối nhịp dầm. Ảnh: Thư Trần. |
Việc chuyển động của dầm tăng lên, tích lũy mỗi ngày (tính từ ngày lắp đặt và cố định ray đến thời điểm xảy ra sự cố hồi tháng 10/2020) khiến khả năng chịu lực của gối bị quá tải và làm gối bị trượt.
Cho đến nay, nhà thầu SCC cho biết họ đã tìm ra 2 vị trí có mối nối ray nằm trùng với mối nối nhịp là trụ P14-10 và P12-34 (nơi xảy ra sự cố trượt và xê dịch gối). Nhà thầu cũng khẳng định trường hợp mối nối ray nằm trùng mối nối nhịp là rất hiếm. Do đó, có thể sự cố chỉ mang tính cá biệt và khó xảy ra sau khi ray được hàn nhiệt.
Phát hiện khe hở trên đá kê gối
Ngoài các tác động của đường ray được phân tích, nhà thầu SCC còn phát hiện khe hở trên đá kê gối có khả năng làm gối bị trượt.
Khe hở này được tạo ra do độ vồng ngược của dầm hoặc sự thay đổi trong thi công (độ vồng có thể hiểu là sai số trong thi công lắp đặt khiến dầm bị cong lên).
Theo đó, nhà thầu khẳng định gối sẽ không bị trượt nếu chỉ chịu tác động của đường ray hoặc chỉ bị ảnh hưởng khe hở trên đá kê. Mà ở đây, 2 tác động này phải xảy ra đồng thời mới có thể kích hoạt gối dịch chuyển.
Cũng theo nhà thầu, sự cố xảy ra do hoạt động xây dựng tạm thời nhưng đã trở nên trầm trọng hơn. Vì thời gian xây dựng dự án kéo dài nhiều hơn so với dự kiến (tính từ thời điểm thiết kế).
Khi đi vào khai thác, mối nối ray sẽ được hàn nhiệt. Ảnh mối nối ray: Thư Trần. |
Đến nay, nhà thầu cho biết đã khảo sát 75% gối cầu trên toàn tuyến và sẽ tiến hành sửa chữa nếu các khe hở nói trên vượt giới hạn. Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng tương lai, gối cầu được đưa vào danh sách hạng mục kiểm tra định kỳ nhằm kịp thời khắc phục các hiện tượng xê dịch hay khe hở phát sinh.
Cần khảo sát thêm
Trong phản hồi báo cáo nguyên nhân sự cố trượt gối dầm vị trí VD14 của nhà thầu, đơn vị Tư vấn thiết kế Systra (Pháp) đồng ý với các tính toán thiết kế và nguyên nhân SCC đưa ra. Theo Systra, việc khảo sát, kiểm tra, thông tin thêm là điều cần thiết để đưa ra kết luận chắc chắn hơn.
Về các phân tích thiết kế được trình bày trong báo cáo, Systra cho biết đơn vị đã kiểm tra và xác nhận các phân tích này là chính xác. Trong đó, các tính toán tương tác kết cấu đường ray được phân tích ở trên cũng đã được Systra thực hiện lại và xác nhận kết quả tương tự.
Tháng 10/2020, MAUR phát hiện vụ trượt gối cao su khỏi đá kê đầu tiên tại trụ P14-10 (đoạn ga Công nghệ cao, hướng Bến Thành đi Suối Tiên). Sự cố chưa rõ nguyên nhân thì một gối cầu khác (đoạn ngã tư Thủ Đức và Bình Thái) tiếp tục được phát hiện trong tình trạng xê dịch vị trí.
Hội đồng chuyên gia đánh giá sự cố có thể không phải hiện tượng đơn lẻ.
Hồi tháng 1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Phạm Minh Hà cùng hội đồng khoa học có 2 ngày kiểm tra thực tế tại hiện trường. Kết luận cuộc họp đã thống nhất trách nhiệm thuộc về nhà thầu SCC; Liên danh tư vấn NJPT có trách nhiệm hỗ trợ MAUR phê duyệt dựa trên kết quả của SCC.
Bình luận