Của đau con xót
Hồi đầu năm, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi “Toàn đại gia đi xe Phantom thì giải cứu cái gì?” đã được nhiều sếp ngân hàng (NH) chia sẻ vì chính họ là người trong cuộc của nghịch cảnh này. Nợ xấu phát sinh từ DN, từ nền kinh tế nhưng được tính hết vào NH, NH phải tự xử lý. Một mình vật vã với nợ xấu, sếp NH càng thêm tâm tư về điều này.
Sau hai năm sáp nhâp Habubank vào SHB, một trong những thành tích đáng nhớ là đã xử lý và tái cơ cấu thành công con nợ Bianfishco. Đại gia thủy sản này đã vay hàng ngàn tỷ nhưng đầu tư sai mục đích, kém hiệu quả dẫn đến đổ vỡ.
Ngân hàng một mình vật vã với nợ xấu. |
Đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân bỏ trốn ra nước ngoài để lại Phương Nam nợ nần hàng ngàn tỷ đồng. Tiếp cận tài sản thế chấp, NH không chỉ lo lắng chon ngàn tỷ của mình mà đau xót trước dây chuyển lớn và hiện đại bắt đầu bị han gỉ, hàng ngàn lao động và hộ nông dân lao đao vì mất nghề. Để rồi, chính các NH lại phải cùng nhau xử lý, trước hết là cứu lấy DN, việc làm, thu nhập cho hàng ngàn người rồi mới hy vọng có tiền để thu nợ.Trước một khối nợ lớn, một cơ ngơi sản xuất hiện đại đang đình trệ, ‘của đau, con xót’, SHB phải dồn lực, dồn người để cứu DN. Đến giờ, Bianfishco đã hoạt động tốt, ông chủ cũ an toàn rút lui chỉ còn NH tiếp tục vất vả và sẽ còn lâu nữa mới thu được hết nợ. Phương Nam đã hoạt động ổn định và có lãi. Nhưng các NH tiếp tiếp tục phải kẽo kẹt giám sát, hỗ trợ còn việc thu đủ khoản nợ ngàn tỷ có khi còn dài lắm.
Gỗ Trường Thành vay cả ngàn tỷ cho tham vọng phát triển nhanh nhưng thất bại, đứng trước nguy cơ vỡ nợ và phá sản. Đại gia bế tắc, để cứu lấy DN, cứu lấy tiền của mình, các NH lại phải vào cuộc, cùng tính toán, cơ cấu lại nợ rồi tiếp tục hỗ trợ để DN trước rồi mới tính đến thu nợ về sau.
Còn ông chủ Mai Linh cũng sai lầm khi vay hàng ngàn tỷ đồng, đầu tư tràn lan sang nhiều lĩnh vực BĐS, thủy điện, tài chính… ngoài thế mạnh của mình. Để rồi khi vỡ nợ, DN đình đốn, lao động đình công… thì không còn cách nào khác là cầu cứu NH. NH lại vào cuộc dù biết rằng như thế lại thêm mệt còn để đòi được nợ còn lâu dài.
Trên đây là những câu chuyện điển hình trong nỗ lực xử lý nợ xấu NH nhưng trước hết là cứu DN và rộng hơn là vực dây nền kinh tế đang khó khăn thế nhưng trong lộ trình đầy vật vã này mới chỉ có một mình NH vật vã, xoay xở.
Báo cáo Ngân hàng Nhà nước chỉ ra rằng, sự phối hợp của các bên với cơ quan này trong cơ cấu lại hệ thống NH và xử lý nợ xấu chưa thực sự chặt chẽ và có hiệu quả. Kết quả đạt được về cơ cấu lại NH và xử lý nợ xấu chủ yếu do những nỗ lực và sự chủ động hay đúng hơn là chủ yếu là những giải pháp nội bộ của hệ thống NH.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm UBKT Quốc hội cũng thừa nhận có tình trạng khách hàng vay chưa chủ động xử lý để trả nợ NH. Thậm chí, nhiều trường hợp khách hàng chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm trả nợ và không hợp tác với NH trong việc xử lý nợ. Bên cạnh đó, việc triển khai tái cấu trúc và nợ xấu của DNN cũng chưa được xử lý.
Cần một giải pháp toàn diện
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, đến nay, nợ xấu đã được kiềm chế và tiếp tục được xử lý. Theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162.200 tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%)
.Kết quả xử lý nợ xấu đạt được đến nay tiếp tục ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các TCTD, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước; và điều kiện thị trường còn nhiều bớt lợi.
Cần một cơ chế và sự vào cuộc đồng bộ với nợ xấu. |
Tuy nhiên, điều đáng cảnh báo việc là TCTD tự xử lý nợ xấu đã làm giảm sự lành mạnh tài chính, hiệu quả kinh doanh của NH trong ngắn hạn. Nếu nỗ lực này không được được hỗ trợ tích cực bởi sự phục hồi kinh tế, thực thi có hiệu quả các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, xử lý nợ tồn đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản, chậm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì nợ xấu tiềm ẩn rất lớn, xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Nhà nước không cấp tiền để xử lý những tổn thất, rủi ro của hệ thống NH, song các cơ chế, chính sách huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu NH và xử lý nợ xấu còn thiếu, chưa đủ hấp dẫn.
Ông Nguyễn Đức Kiên Nguyễn Đức Kiên lưu ý, việc thiếu nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính của hệ thống TCTD là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình cơ cấu lại TCTD.
Theo ông Trần Du Lịch, “nợ xấu đã và đang là vấn đề đặt ra cần sớm được giải quyết của bài toán kinh tế vĩ mô; nó liên quan đến chính sách về thị trường, đến cả hệ thống pháp luật về kinh tế, dân sự, thậm chí cả hình sự”. “Nợ xấu không còn là vấn đề riêng của NH, mà gắn liền với bài toán kinh tế vĩ mô, khai thông thị trường, phục hồi nền kinh tế. Vì thế, cần phải cần phải có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, trung ương - địa phương mới mong nhẹ gánh nợ xấu”, ông nói.