Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kẻ xả súng tại Mỹ mắc chứng trầm cảm

Giống như nhiều quân nhân, Aaron Alexis, tay súng vừa xả súng kinh hoàng vào tòa nhà hải quân Mỹ tại thủ đô Washington khiến 13 người thiệt mạng, mắc chứng trầm cảm sau sang chấn.

Trầm cảm sau sang chấn (PTSD) là dạng bệnh lý rối loạn cảm xúc làm tê dại phản ứng tình cảm và tăng hưng phấn chung gây cảm giác bồn chồn. Nó là hậu quả bệnh lý của việc tiếp xúc với những tổn hại về mặt tình cảm. Đặc trưng nổi bật của bệnh là những cơn tái diễn của sự cố sang chấn kết hợp với các triệu chứng.

Những biểu hiện cơ bản của bệnh, sự tái chịu đựng các tổn thương có thể “trỗi dậy” từng lúc, người bệnh không kiềm chế được các ký ức về những cơn “ác mộng” tái hiện các sự kiện căng thẳng hoặc có trạng thái tâm lý phân ly “vừa sợ hãi vừa buông trôi”. Vào thời điểm này, các trạng thái rối loạn cảm xúc xuất hiện rộ lên trong bối cảnh lo âu, tăng các cảm giác như tê dại cánh tay, châm chích trong da, tăng rối loạn vận động khiến bệnh nhân đi lại, đứng ngồi không yên, mất ngủ mạn tính, khó tập trung chú ý, suy giảm trí nhớ, thiếu kiên nhẫn, nhàm chán công việc, hiệu suất làm việc giảm rõ rệt.

 

Ký ức về quá khứ sợ hãi trỗi dậy trong người mắc chứng PTSD. Ảnh: Ibiblio.com.

Đôi khi bệnh nhân bị kích động dữ dội, thể hiện thái độ rất hung hăng. Nhiều bệnh nhân phải dùng đến rượu và ma túy để mong làm giảm tình trạng đau khổ bên trong của sự tăng hưng phấn.

Về nguyên nhân gây stress, các nhà nghiên cứu nhận định rằng đó là do người bệnh phải tiếp xúc với sang chấn quá lớn hoặc quá lâu. Không phải người nào cũng có phản ứng stress thể hiện bằng bệnh cảnh stress sau sang chấn, mà tình trạng bệnh lý này có thể hình thành từ sự phối hợp nhiều yếu tố khác nhau.

Những năm gần đây, mức độ trầm trọng của stress sau sang chấn ở một số binh sĩ Mỹ đã làm dạng bệnh lý này được chú ý nhiều hơn. Theo một số người, Aaron Alexis, tay súng vừa xả súng tại một tòa nhà hải quân Mỹ tại thủ đô Washington D.C khiến 12 người thiệt mạng, cũng mắc chứng PTSD sau khi tham gia cứu hộ vụ khủng bố 11/9/2001.

 

Theo nhiều nguồn tin, tên Alexis mắc chứng PTSD. Ảnh: ABCnews.

Theo Telegraph, hung thủ từng bị bắt 2 lần trong quá khứ. Năm 2004, cảnh sát bắt Alexis tại Seattle sau khi dùng súng bắn vào lốp xe của một người đàn ông. Năm 2010, y bị bắt ở Fort Worth, Texas vì dùng súng lục để dọa một người hàng xóm.

Hồi đầu tháng 2, Eddie Ray Routh, một cựu lính thủy đánh bộ, đã bắn Kyle cùng một người đàn ông mang tên Chad Littlefield bằng khẩu súng ngắn bán tự động tại trường bắn Rough Creek Lodge, hạt Erath, bang Texas rồi lái xe tải của nạn nhân để trốn. Eddie Ray Routh cũng mắc chứng PTSD. Cảnh sát cho rằng Kyle và Littlefield đã tìm cách giúp Routh giải tỏa căng thẳng bằng cách đưa anh ta tới trường bắn.

Nhiều binh sĩ Mỹ và cựu binh mắc chứng PTSD. Ảnh: Swscmedia.
Từ năm 2001 đến 2012, quân đội Mỹ phát hiện 103.792 quân nhân mắc chứng PTSD. Nhiều binh sĩ tham chiến tại các chiến trường như Việt Nam, Iraq, Afghanistan mắc chứng PTSD vì trải qua nhiều biến cố, chứng kiến nhiều cảnh chém giết khiến họ hứng chịu tổn thương về tinh thần dẫn đến trầm cảm, ám ảnh về quá khứ khiến người bệnh dễ trở nên kích động, khó kiểm soát hành vi.

Đỗ Quyên

Bạn có thể quan tâm