Trả lời truyền thông bên hàng lang Quốc hội tuần qua, Đại biểu Trần Hoàng Ngân quyết liệt: "Những dự án nào không thỏa mãn tiêu chí môi trường thì phải ngừng ngay và Formosa là dự án tiêu điểm. Hậu quả đầu tư có, nhưng cũng sẽ không lớn bằng hậu quả mà để một nhà đầu tư nước ngoài đã có lý lịch không tốt về môi trường, lại tiếp tục tàn phá môi trường".
PGS TS Trần Hoàng Ngân đạp xích lô chở ông Cô Gia Thọ, Tổng giám đốc bút bi Thiên Long, năm 2007. |
Không chỉ dừng ở câu chuyện của Formosa là của Hà Tĩnh đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá sự quan trọng đặc biệt của sự việc ở Formosa. Ông cho rằng đó là các vấn đề liên quan đến hàng loạt các tỉnh miền Trung, đến ngành về kinh tế biển, ngành về du lịch và cả đất nước, nền kinh tế quốc gia.
Và ông mạnh dạn đề xuất lập ủy ban giải quyết vấn đề Formosa: "Do đó, vấn đề Formosa khi giải quyết phải xem đây là vấn đề quốc gia, không thể giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh hay sở TNMT tỉnh để giải quyết. Cần phải có một Ủy ban quốc gia giải quyết vấn đề này".
PGS TS Trần Hoàng Ngân, giám đốc Học viện cán bộ TP HCM, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV. |
TS Trần Hoàng Ngân, một người Sài Gòn đúng nghĩa, đi lên bằng chính tài năng và thực học và không bao giờ quên lãng số phận của những người dân nghèo, như chính quá khứ của bao người Sài Gòn dựng nghiệp, không quên những vấn đề hệ trọng của đất nước ảnh hưởng đến người dân.
Đọc phát biểu của ông Trần Hoàng Ngân lần này làm tôi lập tức nhớ về sự kiện hưởng ứng chương trình “Đổi chuông gió, lấy một ngôi trường” do nhà văn trẻ Nguyễn Lê My Hoàn, biên tập tạp chí HTV Chuông gió tổ chức.
Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội phải tăng cường giám sát. Đây là nội dung cử tri đã đặt hàng, nên phải tăng cường giám sát để trả lời thỏa đáng cho cử tri, dự án này có xứng đáng tồn tại hay không.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
Lúc đó ông đề nghị: “Nếu có ai đủ điều kiện đứng ra xây mới lại ngôi trường cho các em nhỏ người Vân Kiều ở bản Khe Ngài, Quảng Trị, tôi sẽ đạp xích lô chở người ấy dạo phố Sài Gòn”. Lời tuyên bố ấy đã được ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất Thiên Long, chấp nhận. Cuốc xích lô đặc biệt giữa một PGS.TS và một ông chủ doanh nghiệp đã làm nhiều người xúc động bởi tấm lòng “Tất cả vì đàn em thân yêu”.
Nhà báo Nguyễn Chương đã viết “Cuốc xích lô giá... 400 triệu” trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 6/6/2007, rằng: “Ngày 26/5/2007, nhiều người đi trên đường Phạm Thế Hiển, Âu Dương Lân (quận 8), Trần Hưng Đạo (quận 1, TP HCM)... chợt dừng lại để dán mắt vào một chiếc xích lô có phần... quái quái. Người đạp xe là tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, hiện là trưởng khoa ngân hàng ĐH Kinh tế TP.HCM; khách ngồi xe là anh Cô Gia Thọ, tổng giám đốc Công ty Thiên Long”.
Cuốc xích lô, đối với ông Ngân, vừa là một hồi tưởng quá khứ, vừa là một lời hẹn với tương lai. Ngày trước khi còn ở Xóm Chì bên quận 8, ông Ngân phải chạy xích lô kiếm sống và trang trải cho giấc mơ sinh viên của mình.
Ông Ngân tâm sự: “Tôi biết đến câu chuyện Khe Ngài nhưng làm sao góp nổi tiền, thôi thì nếu ai chịu bỏ tiền đủ để xây trường, tôi sẵn sàng đạp một cuốc xích lô chở đi dạo phố một vòng!”. Cuốc xích lô thật... đắt giá: 400 triệu đồng cho một ngôi trường gồm ba phòng học khang trang ở bản Khe Ngài.
Ngày 18/5/2007, ngôi trường tiểu học đơn sơ của các bạn nhỏ Vân Kiều đã chính thức được khởi công xây dựng đến 3/9/2007 thì khánh thành.
Đó chỉ là một trong câu chuyện của một người sài Gòn yêu đời và sống hết lòng vì đời, vượt trên những lợi ích, toan tính mà chức vụ ,quyền hạn của ông có thể ảnh hưởng. Còn nhớ “Thất trảm sớ nghĩa động quỷ thần” nói về kẻ sĩ Chu Văn An dâng sớ lên vua đòi chém 7 gian thần, hay “Đầu thần chưa rơi xin bệ hạ đừng lo” của thái sư Trần Thủ Độ khi sơn hà nguy biến.
Cần lắm những tiếng nói trung thực, tiếng dân trên diễn đàn Quốc hội và những kẻ sĩ thời hiện đại như PGS TS Trần Hoàng Ngân. Một người xứng đáng là kẻ sĩ trong thời buổi tiến sĩ …chạy đầy đường nhưng bịt khẩu trang tâm hồn “giả điên”, “giả ngu” trước những vấn đề công chúng mong họ lên tiếng với tên tuổi và học thuật của mình.