Nhờ cung cấp vi xử lý cao cấp và tầm trung cho đa phần các sản phẩm điện thoại và máy tính bảng Android trên thị trường, Qualcomm đã vươn lên trở thành một trong những nhà sản xuất chip SoC lớn nhất trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh. Tuy nhiên, giữa bối cảnh thị trường điện thoại giá rẻ đang “nóng” lên, đồng thời Qualcomm lại để “vuột mất” khách hàng chính là Samsung và sự cố rắc rối với bộ vi xử lý cao cấp Snapdragon 810, hãng này đã phải “đau đầu” cân nhắc về việc định vị lại thị trường và tái cơ cấu bộ máy nhân sự.
Khó khăn cộng dồn thêm khó khăn khi Qualcomm công bố kết quả tài chính ảm đạm trong năm vừa rồi và hiện đang nằm trong diện bị điều tra bởi Ủy ban châu Âu về vấn đề bán phá giá trên thị trường di động. Với việc Qualcomm để lộ “gót chân Asin”, liệu rằng có đối thủ nào trong ngành sản xuất chip SoC cho điện thoại thông minh đủ nhanh nhạy tận dụng thời cơ để soán ngôi Vương từ tay Qualcomm?
Samsung: Từ khách hàng thành địch thủ
Samsung có vẻ là ứng cử viên “sáng giá” nhất bởi hãng này đang ở thế “thượng phong” khi bộ vi xử lý Exynos 7420 đứng đầu các bảng xếp hạng. Rõ ràng, việc khai thác thị trường cao cấp mang lại lợi nhuận cao cho cả bên cung ứng và tiêu thụ, vì thế, doanh số của các sản phẩm điện thoại cao cấp sụt giảm cũng làm doanh thu trong năm của Qualcomm phải “lao đao”.
Trái lại, Samsung lại đang thu lời từ việc tự sản xuất các thiết bị bán dẫn. Các sản phẩm của công ty cũng được hưởng lợi không nhỏ từ nhờ thiết kế tân tiến và quy trình 14/16nm hiện đại. Đó cũng là cách mà Samsung “vượt mặt” Qualcomm trong khi Qualcomm vẫn còn trông chờ vào nhà sản xuất khác là TSMC.
Theo bảng xếp hạng của Q1, Galaxy S6 trang bị vi xử lý Exynos 7420 của Samsung hiện đang đứng đầu bảng xếp hạng benchmark. Tuy nhiên, hạn chế của Exynos là được thiết kế riêng cho các sản phẩm điện thoại Samsung nên chỉ một số ít các nhà sản xuất mới có thể sử dụng chip xử lý này. Một ví dụ có thể kể tới là Meizu, hiện đang có tin đồn về việc dòng điện thoại mới nhất MX5 Pro của Meizu sẽ được trang bị chip tối tân Exynos 7420 của Samsung. Để khắc phục hạn chế này, Samsung đang từng bước xây dựng một danh mục các vi xử lý hiện đại có thể tiếp cận với nhiều nhà sản xuất di động đến từ các phân khúc khác nhau, từ dòng thấp cấp sử dụng vi xử lý bốn nhân 3470 cho đến các sản phẩm cao cấp hơn, được trang bị vi xử lý 6 nhân, 8 nhân thế hệ 5 và đương nhiên là không thể thiếu vắng vi xử lý Exynos thế hệ 7.
Bảng xếp hạng 10 smartphone hiệu năng cao nhất quý 1/2015 |
Tuy nhiên, để thực hiện được tham vọng đó, Samsung cần cân nhắc tới vấn đề năng suất sản xuất khi mà các nguồn cung hiện tại của Samsung chỉ đủ để phục vụ cho việc sản xuất cho các sản phẩm của hãng. Các đơn đặt hàng sản xuất vi xử lý cho iPhone mới từ Apple cũng đã “ngốn” hết năng lực sản xuất còn lại của Samsung. Vì thế, Samsung đang nỗ lực đầu tư vào cơ sở sản xuất để hạn chế phụ thuộc vào Qualcomm và dần “lấn sân” sang cả lĩnh vực cung ứng linh kiện cho các nhà sản xuất thiết bị di động khác.
MediaTek: Rào cản ngáng đường trong phân khúc tầm trung
Nếu như Samsung là đối thủ chính của Qualcomm trong thị trường cao cấp thì MediaTek lại “giữ chân” Qualcomm trong phân khúc tầm trung. Trước đây, cái tên MediaTek vốn được đánh đồng với các sản phẩm di động giá rẻ thì nay công ty sản xuất sản phẩm bán dẫn này đang “tiến thân” vào phân khúc tầm trung và định vị một hình ảnh mới trên thị trường di động.
MediaTek nổi lên như một “hiện tượng” trên thị trường di động phân khúc tầm trung với việc cung cấp các sản phẩm có hiệu năng xử lý ấn tượng so với mức giá cực kỳ hợp lý. Mọi việc bắt nguồn từ khi MediaTek mua quyền sử dụng công nghệ big.LITTLE từ ARM để ứng dụng trên các chip xử lý của mình. Bước đi thông minh này của MediaTek đã mang lại kết quả vượt ngoài mong đợi! Các sản phẩm của hãng “một bước thành sao” khi được đánh giá là sản phẩm vi xử lý 6 nhân tầm trung có hiệu năng hoạt động cực kỳ tuyệt vời trong khi chi phí bỏ ra chỉ bằng một phần nhỏ so với giá của Qualcomm.
Chưa dừng lại ở đó, MediaTek còn bổ sung thêm các tính năng thông minh khác, chẳng hạn như hỗ trợ độ phân giải cao hơn và công nghệ 4G LTE. Những chi tiết bổ trợ này đã góp phần không nhỏ trong việc giúp MediaTek “ngồi ngang hàng” với Qualcomm trong phân khúc tầm trung trên thị trường di động. Sản phẩm mới đây nhất của MediaTek là vi xử lý hiệu năng cao Helio 10 nhân X20 một lần nữa giúp “đánh bóng” cho thương hiệu MediaTek và thậm chí khiến các nhà sản xuất khác bắt đầu cân nhắc việc hợp tác với hãng này để cho ra đời các sản phẩm điện thoại cao cấp hơn.
Thêm một lợi thế khác dành cho MediaTek đó là: khi một loạt nhà cung ứng cho các hãng sản xuất điện thoại phân khúc cao cấp bị lao đao vì nhu cầu thị trường sụt giảm thì MediaTek đóng vai “ngư ông đắc lợi” bởi phân khúc giá rẻ và tầm giá trung vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Thậm chí, các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ còn là “mỏ vàng lộ thiên” mang lại doanh thu lớn cho MediaTek. Với con số 1 tỷ người dùng mới tại các thị trường này, cái tên MediaTek thậm chí còn trở nên quen thuộc hơn cả thương hiệu Qualcomm. Điều này về lâu dài cực kỳ có lợi cho MediaTek bởi nó giúp đảm bảo định vị thương hiệu trong tâm trí người sử dụng.
Tuy nhiên, MediaTek không hẳn là không có yếu điểm khi trong quá khứ, hãng này bị dính líu tới những rắc rối về vấn đề bảo mật. Mặc dù hãng đang cố gắng gây dựng lại hình tượng trong một vài năm trở lại đây nhưng có vẻ như danh tiếng của MediaTek vẫn còn là rào cản khi hãng này muốn đánh bại Qualcomm tại các thị trường khác trên thế giới.
Nvidia: Không bỏ lỡ dòng sản phẩm máy tính bảng
Nếu đặt báo cáo kết quả tài chính gần đây nhất của Nvidia làm mốc thì có vẻ như hãng này đang dành nhiều tâm huyết cho ngành công nghiệp ô tô hơn là theo đuổi việc cạnh tranh với các tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất vi xử lý.
Sản phẩm đầu bảng của Nvidia là Tegra X1 được đánh giá cao thiết kế CPU tối tân dựa trên các nhân Cortex của ARM và công nghệ GPU từ Maxwell. Không chỉ có vậy, Nvidia còn ghi dấu bởi thành tích “vượt mặt” Qualcomm khi đánh giá về các tiêu chí màn hình, chụp ảnh và các tính năng âm thanh. Đây là điều mà không phải nhà sản xuất nào cũng có thể làm được.
Thay vì tập trung vào mảng điện thoại thông minh, Nvidia chỉ còn khoanh vùng đầu tư vào các ứng dụng trò chơi trên hệ điều hành Android. Nvidia thể hiện rõ quyết tâm tập trung cho mảng hiển thị 3D hơn là thiết kế cho các điện thoại thông minh giá rẻ. Tuy nhiên, khi nhắc tới danh mục máy tính bảng, Qualcomm không thể chủ quan và làm ngơ trước cái tên Nvidia bởi hãng này vẫn tập trung cung cấp vi xử lý cho các thiết bị này trên thị trường.
Intel: Quyết tâm giành chỗ đứng trong phân khúc giá rẻ
Mặc dù phải tốn rất nhiều thời gian Intel mới đưa được các sản phẩm vi xử lý tiếp cận với một số ít các thiết bị điện thoại thông minh, nhưng rõ ràng không thể đánh giá thấp cái tên Intel trên thị trường di động. Intel cũng không hề tỏ ra giấu giếm việc chuẩn bị cho cuộc “đổ bộ” vào thị trường di động phân khúc giá rẻ. Nếu như hãng này định được mức giá hợp lý thì tương lai không xa, Intel sẽ chiếm đoạt một phần thị trường từ tay của MediaTek và Qualcomm.
Nói là làm, Intel đã có những động thái rõ ràng cho kế hoạch đổ bộ của mình. Mới đây, hãng này đã tìm cách đưa các thế hệ vi xử lý Atom X3 (tên cũ là SoFIA) cùng lớp “đàn em” mới ra mắt là Cherry Trail gồm hai phiên bản Atom X5 và X7 tiếp cận với các thiết bị di động.
Intel rõ ràng đang dốc toàn lực cho phân khúc thị trường giá rẻ, bất chấp những nhược điểm cần phải khắc phục như hiệu năng, tuổi thọ pin và tính năng để vượt qua các đối thủ khác. Tuy nhiên, Intel rất biết cách xây dựng hình ảnh và “ghi điểm” khi hãng này công bố sẽ tích hợp modem 3G vào vi xử lý điện thoại. Đây là điểm cộng rất hấp dẫn đối với các nhà sản xuất điện thoại giá rẻ khi nghĩ đến việc hợp tác cùng Intel. Mặc dù vậy, Intel vẫn còn một “chặng đường dài” cần phải phấn đấu để trở thành đối thủ của MediaTek và Qualcomm khi một loạt các sản phẩm và thiết bị điện thoại thông minh đã được nâng cấp lên công nghệ 4G.
Bên cạnh đó, hai sản phẩm chip xử lý X5 và X7 vẫn còn tồn tại nhược điểm là chưa sở hữu modem tích hợp, nên sản phẩm mà hai dòng chip này hướng tới vẫn là máy tính bảng. Ngay cả cây “át chủ bài” hiện tại của Intel là chip Atom X3 cũng chỉ nhắm tới dòng sản phẩm điện thoại được định giá dưới 200$ (tương đương 4,4 triệu VNĐ). Với áp lực định giá thấp, chắc chắn Intel không thể thu được lợi nhuận cao từ phân khúc này nên tạm thời Qualcomm vẫn được quyền “kê cao gối” và chưa phải lo lắng nhiều về Intel.
AMD: Chiếm ưu thế về hạ tầng kỹ thuật
Mặc dù AMD có hẳn cả một gia sản sản xuất “kếch xù”, công nghệ đồ họa và xử lý đủ mạnh để “chắp cánh” AMD thành “đại gia” trong lĩnh vực di động nhưng AMD lại không chuyên về mảng này. Vì thế, chặng đường trước mắt của AMD vẫn còn dài hơn cả Intel để có thể đối đầu với các ông lớn khác trong ngành.
Thế mạnh của AMD là các vi xử lý TDP A – Series dành cho laptop và thế hệ GPU GCN. Bên cạnh đó, AMD còn đứng đầu trong lĩnh vực cho thuê máy chủ, với hệ thống máy chủ đa nhân được xây dựng từ các CPU nhân Cortex của ARM.
Với kinh nghiệm và công nghệ sẵn có, AMD có thể tạo ra những sản phẩm di động mà thị trường cần nếu hãng thực sự muốn nhắm tới lĩnh vực này.
Dự kiến trong năm 2016 hoặc đầu năm 2017, theo đúng lịch trình đề ra, AMD sẽ cho ra mắt bộ vi xử lý tùy biến CPU ARMv8 64–bit đầu tiên mang mã K12 trên quy trình sản xuất 14nm. Sản phẩm này sẽ nhắm tới các ứng dụng nhúng, notebook, Chromebook và thậm chí là cả các thiết bị chạy hệ điều hành Android như tablet. Nếu điều này trở thành sự thực thì AMD sẽ trở thành bá chủ của thị trường nhờ vào bộ vi xử lý “thần thánh” K12.
Tuy nhiên, AMD lại tỏ ra không mấy hứng thú với mảng điện thoại thông minh, kể cả phân khúc cao cấp hay phân khúc giá rẻ. Những cuộc phỏng vấn gần đây cho thấy hãng này muốn dốc toàn lực cho mảng máy tính xách tay tầm trung đang trên đà quay trở lại xu thế thịnh hành bởi trong tương lai gần, mọi người sẽ cần đến các giải pháp máy tính hiệu năng cao hơn.
Có thể trong ngày một ngày hai chúng ta chưa thấy AMD tấn công thị trường điện thoại thông minh nhưng về lâu dài, với áp lực cạnh tranh trong mảng laptop, có thể hãng này sẽ phải suy tính lại phương án tiếp cận thị trường di động béo bở.
Chưa có nhà sản xuất nào đủ tầm để đánh bại Qualcomm?
Trong khi nhiều nhà phát triển chip SoC cho mảng di động đang tất bật phát triển dòng sản phẩm của năm 2015, Qualcomm có thể đang trải qua một giai đoạn tạm lắng xuống. “Đại gia” về chip này đã có sẵn trong tay dòng sản phẩm cao cấp, Snapdragon 820, với nhiều tính năng ưu việt về kết nối cũng như hiệu năng, để trở thành quân bài chủ lực trong năm tiếp theo. Sản phẩm được kỳ vọng có thể giúp Qualcomm lấy lại “ngai vua” về hiệu suất và vượt mặt Samsung.
Các sản phẩm mới của Qualcomm là Snapdragon 212, 412 và 612 cũng giúp lấp đầy danh mục đầu tư của hãng và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu từ đủ các phân khúc khác của thị trường. Bên cạnh lợi thế về đa dạng hóa sản phẩm, Qualcomm còn được đánh giá cao bởi hãng này sở hữu những sản phẩm modem, dịch vụ cung ứng Internet và công nghệ di động không dây tối tân nhất. Vì thế, ngay cả khi có một đối thủ đủ sức hạ gục “gã khổng lồ” này thì thương hiệu Qualcomm vẫn là một cái tên sáng giá và dẫn đầu trên thị trường di động trong những năm tiếp theo.