Tháng 6, ở vòng loại giải bơi lội Olympic của Australia tại Brisbane, O’Callaghan phá kỷ lục thế giới của chính bản thân. Chỉ có điều, đồng hương và cũng là đối thủ Ariarne Titmus (biệt danh "kẻ hủy diệt") còn bơi nhanh hơn.
Đứng trước ống kính máy quay, tay bơi trẻ người Australia cố gắng kiềm chế cảm xúc. Khi phần trả lời phỏng vấn kết, nước mắt tuôn rơi trên gương mặt nữ kình ngư trẻ.
Rạng sáng 30/7 (giờ Hà Nội), O’Callaghan tiếp tục bật khóc. Tuy nhiên, đó là giọt nước mắt hạnh phúc, của sự hân hoan và nhẹ nhõm.
Tháng trước, tay bơi 20 tuổi đến từ Queensland thất bại trước Titmus. Còn tại nhà thi đấu La Défense (Paris, Pháp), sân chơi Olympic Paris danh giá, kình ngư trẻ này đòi nợ thành công.
Cự ly 200 mét tự do, O'Callaghan bỏ túi HCV với thời gian 1 phút 53 giây 27 (một kỷ lục của Olympic). Titmus giành HCB, đạt thành tích 1 phút 53 giây 81.
Những tay bơi Australia chia nhau hai vị trí cao nhất trên bục nhận huy chương ở nội dung 200 mét tự do. Chỉ dấu cho một sự thống trị của đội bơi xứ chuột túi. Điều lần đầu tiên tái hiện sau 20 năm, khi Ian Thorpe và Grant Hackett giành những thứ hạng cao nhất ở Thế vận hội 2000.
O'Callaghan tạo ra một trong những màn truất ngôi kịch tính nhất Olympic. Ban đầu, "kẻ hủy diệt" Titmus được đánh giá cao sẽ giành huy chương vàng. Mới tuần rồi, tay bơi 23 tuổi thắng trong "Cuộc đua thế kỷ" ở nội dung 400 mét tự do. Cô đánh bại "thần đồng" Summer McIntosh và ngôi sao bơi lội Mỹ, Katie Ledecky.
Dù vậy, "kẻ hủy diệt" người Australia bất ngờ để thua chỉ sau khoảnh khắc rất nhỏ. Dưới đường đua xanh ở nhà thi đấu La Défense, O'Callaghan chứng minh cho người hâm mộ thấy rằng mọi thứ đều có thể xảy ra tại Olympic.
Tiếng súng khai cuộc vang lên. O'Callaghan xuất phát nhanh hơn một chút từ bệ phóng. Các tay đua bắt đầu thi tài, bung tất cả những gì có thể.
50 mét đầu tiên, Siobhan Haughey của Hong Kong (Trung Quốc) chạm đầu tiên; đến lượt thứ hai, Titmus vượt lên vị trí thứ hai, trong khi O'Callaghan đứng thứ năm. Sau đó, những tay bơi Australia bắt đầu thể hiện sự vượt trội, họ chia nhau những vị trí dẫn đầu.
Đến lượt cuối, O'Callaghan và Titmus so kè quyết liệt. Ở 50 mét cuối, O'Callaghan bùng nổ và tạo ra cơn địa chấn khi về nhất với thời gian nhanh hơn những gì đàn chị làm được tại Olympic Tokyo 2020. 3 năm trước, "Kẻ hủy diệt" Titmus giành HCV với thành tích 1 phút 53 giây 50.
Dưới bể bơi ở Paris, O'Callaghan nhìn lên bảng thành tích, cô sửng sốt. Tay bơi trẻ thể hiện tinh thần fair-play khi ôm lấy Titmus, rồi thực hiện cử chỉ tương tự khi đứng trên bục nhận huy chương. Những người Australia cùng nhau giơ cao tay để thể hiện tình bạn thân thiết đầy cảm động.
"Tôi không biết nói gì lúc này, không có từ ngữ nào để giải thích", O'Callaghan xúc động nói. "Tôi phải cố gắng giữ đôi chân trên mặt đất, bình tĩnh, ngày mai bản thân còn phải thi đấu nội dung 100 mét tự do".
Nước mắt cũng rơi trên gương mặt "kẻ hủy diệt" Titmus. "Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc", chủ nhân huy chương bạc Olympic Paris nội dung 200 mét tự do thốt lên. "Thật khó để kìm nén cảm xúc trong những giây phút thế nào. Tôi biết cảm giác trở thành nhà vô địch Olympic là thế nào - tôi thực sự mừng cho O'Callaghan. Hôm nay, tôi chẳng có gì để mất cả".
Cuộc đọ sức giữa O'Callaghan và Titmus càng trở nên hấp dẫn hơn khi họ cùng nhau tập luyện dưới sự giám sát chặt chẽ của HLV Dean Boxall. Một giờ trước cuộc đua, HLV Boxall hiến kế cho hai tay bơi kế hoạch để đánh bại nhau. Thế nhưng, chỉ một người có thể giành chiến thắng.
Đây là cuộc chiến giữa tốc độ và sức bền. O'Callaghan là nhà vô địch thế giới, còn Titmus sắm vai chủ nhân HCV Olympic. Người giữ kỷ lục thế giới trong quá khứ đụng độ đối thủ giữ kỷ lục hiện tại. Mọi thứ diễn ra thật sự kịch tính.
Đất Paris, O’Callaghan ca khúc khải hoàn. Người về nhì cũng xuất sắc không kém nếu nhìn vào thành tích. Cả hai vẫn còn trẻ. Một người mới 20, người còn lại 23. Sự thống trị của những tay bơi nữ Australia cũng mới chính thức bắt đầu.