Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Kế hoạch phủ xanh Dubai chết yểu

Sau 10 năm, dự án "Một triệu cây" nhằm ngăn chặn quá trình sa mạc hóa và đem lại màu xanh cho Dubai gần như không còn tăm tích.

Mọi chuyện bắt đầu thật tuyệt vời, khi quốc vương Dubai tự tay trồng cây đầu tiên trong kế hoạch cải thiện môi trường đầy tham vọng của ông, giữa tiếng vỗ tay của những nhân viên chính quyền.

Năm 2010, dự án One Million Trees (Một Triệu Cây) được công bố bởi Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum, phó thủ tướng kiêm tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và cũng là quốc vương Dubai. Mục tiêu là tăng khoảng xanh ở Dubai thông qua trồng rừng nhân tạo, đồng thời góp phần tăng vẻ đẹp tổng thể cho đô thị này.

Theo kế hoạch, một khu ươm giống cây con sẽ được xây dựng trên phần đất của Học viện Cảnh sát Dubai. Cây sẽ được nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành và gửi đi trồng ở khắp tiểu vương quốc. Công ty Green Land kết hợp với một tổ chức môi trường do chính phủ hỗ trợ đảm nhận nhiệm vụ trồng cây.

Thời đỉnh cao, khu ươm rộng hơn 130.000 m2, với hệ thống tưới tiêu sử dụng nước thải tái chế và nước biển khử mặn. Khu đất từng trống rỗng có hơn 30 loại cây được lựa chọn để chống chọi với khí hậu sa mạc như olive, cọ và ghaf - loài cây biểu tượng của UAE.

Nhưng sau đó, thực tế của sự phát triển siêu nhanh tại Dubai bắt đầu lấn lướt dự án, khi công ty đầu tư Dubai Holding công bố kế hoạch xây dựng trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới, với diện tích 4,4 km2 và chi phí gần 7 tỷ USD.

Công trình vòm kính này sẽ được xây dựng trên vị trí của Học viện Cảnh sát Dubai và vườn ươm One Million Trees. Quyền sở hữu khu đất được chuyển giao cho Dubai Holding vào năm 2014.

Tiếp đó, một siêu dự án khác - Jumeirah Central - đô thị đa phương tiện rộng 4,1 km2 với số vốn đầu tư 19 tỷ USD - được công bố vào năm 2016 sau khi Mall of The World tạm hoãn. Đây cũng là một dự án của Dubai Holding.

"Những siêu dự án đó dùng sự hiện đại và tiện nghi để thu hút cư dân giàu có, nhất là ở Dubai. Mục tiêu không cần phải là bền vững" - Mohammad al-Saidi, giảng viên tại Đại học Qatar, cho biết.

Du lich Dubai anh 3

Mall of The World là một trong những siêu dự án của Dubai. Ảnh: Guft News.

Theo Guardian, công ty Green Land do Hamza Nazzal sáng lập nhận được loạt thông báo chuyển cây đi từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2017, trước khi điện và nước bị cắt để tiến hành xây dựng. Đáp lại, Nazzal đã nhấn mạnh những rủi ro của việc di dời cây trước hạn, và rằng cây cần 3 năm nữa mới sẵn sàng.

Ahmed El Droubi, nhà vận động của tổ chức Greenpeace MENA, nhận định: "Có thể cây cối gặp rủi ro cao, chúng có thể chưa sẵn sàng để được chuyển đi".

Sau đó, một số nguồn tin cho biết nước và điện bị cắt gián đoạn, máy xúc bắt đầu đào xới và rào chắn được dựng lên. Các công nhân của Green Land không thể tiếp cận chăm sóc cây cối. Họ phản đối, thậm chí đào lối dưới cổng chắn để vào tưới nước cho cây. Chưa một cây nào được chuyển đi trước khi việc xây dựng bắt đầu.

Hai siêu dự án này đều có thời gian tạm hoãn, công ty Dubai Holding cho biết sẽ đánh giá lại cũng như tìm kiếm thêm các ý tưởng mới.

Trong lúc đó, những cây xanh ở đây gần như đã chết hết. Một cuộc khảo sát thực địa vào tháng 3/2018 cho thấy một số đã chết vì thiếu nước, và thống kê còn khoảng gần 600.000 cây còn sống - bằng một nửa so với số được ươm trồng ban đầu.

Giờ đây, theo công nhân vườn ươm và một quản đốc tại đây, vào tháng 12/2020, 80% cây đã chết. Người quản đốc giấu tên chia sẻ: "Tôi đã chăm sóc hơn một triệu cây. Mọi thứ chúng cần, tôi đều đáp ứng. Tôi đã bật khóc khi nhìn thấy chúng. Mọi thứ đã tan biến".

Dubai Holding phủ nhận việc lắp cổng, ngăn công nhân vào hay cắt nước và điện.

Du lich Dubai anh 4

Phần lớn cây đã chết. Ảnh: The Guardian.

"Nhiều dự án được công bố tại vùng Vịnh về việc trở nên bền vững hơn, hay đổi mới vì Trái Đất. Sau khi lên mặt báo, chúng coi như đã hoàn thành nhiệm vụ", El Droubi nhận định.

Các quốc gia vùng Vịnh, trong đó bao gồm UAE, có lượng phát thải CO2, rác thải và tiêu thụ nước bình quân đầu người cao hàng đầu thế giới. Theo Viện Môi trường Stockholm, Mỹ, nước biển dâng do biến đổi khí hậu có thể làm UAE mất đi 6% bờ biển phát triển và đông dân cư, tính đến 2100. Khu vực này đang có mùa hè nóng hơn, với bão cát và mưa lớn ngày càng phổ biến.

"Việc có thêm cây ở vùng Vịnh sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nếu trồng cây ở các đô thị, chúng ta sẽ có thêm màu xanh và cải thiện chất lượng sống" - ông Al-Saidi nhận định.

Chính quyền Dubai đã công bố các kế hoạch để bảo vệ tiểu vương quốc khỏi khủng hoảng khí hậu, trong đó có chiến lược năng lượng sạch nhắm đến sử dụng 75% năng lượng tái tạo vào năm 2050, giảm 30% lượng tiêu thụ nước và điện vào năm 2030. Trong tháng 5, UAE cũng đã đề xuất trở thành nước chủ nhà tổ chức hội nghị về biến đổi khí hậu thường niên của UN năm 2023.

Trong khi đó, dự án One Million Trees tồn tại chưa đến một thập kỷ. Một cây mới trồng cần 20 năm để có thể bắt đầu có hiệu quả trong việc giảm lượng khí CO2.

"Người ta chú ý và tập trung hơn vào những dự án bất động sản khổng lồ, tốn kém và không bền vững, cuối cùng chẳng đi đến đâu", Nazzal nói.

Cặp đôi bỏ việc ở Dubai đến Scotland mua lâu đài làm khách sạn

Sau chuyến du lịch Scotland, Stef Burgon và Simon Hunt đã quyết định mua một lâu đài Trung cổ với giá khá rẻ để cải tạo và rời Dubai xa hoa đến đây sinh sống.

Phú Quốc cần gì để đón khách quốc tế thành công?

Thành công của thí điểm Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ tạo tiền đề cho ngành du lịch phục hồi. Tuy nhiên, đây không phải kế hoạch dễ dàng mà cần nhiều bên tham gia góp ý, chỉnh sửa.

An Ngọc

Theo The Guardian

Bạn có thể quan tâm