Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Kế hoạch kinh tế đặc biệt thời Covid-19

Các chuyên gia kinh tế cho rằng giai đoạn 2 năm tới không nên đặt vấn đề tăng trưởng nhanh mà là phục hồi, giúp doanh nghiệp tái cơ cấu, tạo thế để 3 năm sau tăng tốc.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng giai đoạn 2 năm tới không nên đặt vấn đề tăng trưởng nhanh mà là phục hồi, giúp doanh nghiệp tái cơ cấu, tạo thế để 3 năm sau tăng tốc.

Năm 2014, vợ mới sinh đứa con thứ hai, kinh tế gia đình khó khăn nhưng anh Nguyễn Văn Tài (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn quyết vay bạn bè hơn 300 triệu để mở trung tâm tư vấn du học Nhật Bản. Năm đầu khởi nghiệp ở lĩnh vực mới, khó khăn bủa vây. Nhưng từ năm thứ hai, trung tâm làm ăn "phất lên" ngoài sức tưởng tượng. Đến nay, anh Tài đã mua được chung cư mới và có hơn 2 tỷ để tái đầu tư.

Giai đoạn 2012-2020 được coi là “bùng nổ” của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Nước này đã tiếp nhận hàng trăm nghìn du học sinh, thực tập sinh, người lao động Việt Nam. Đến nay, sau 8 năm, cộng đồng người Việt ở Nhật đã tăng 8 lần từ 50.000 người lên 450.000 người. Trong đó có 220.000 thực tập sinh, 82.000 du học sinh Việt Nam.

Một lượng lớn lao động, học sinh Việt Nam sang Nhật Bản vài năm qua khiến những công ty tư vấn du học sang thị trường này ăn nên làm ra. Doanh nghiệp của anh Tài tăng trưởng thần kỳ doanh thu 2-3 con số mỗi năm. Và đến nay một lượng lớn tài sản đã được tích lũy.

Nắm bắt xu thế nhiều lao động trẻ Việt Nam thay vì chọn học đại học trong nước quyết định ra nước ngoài làm việc, anh Tài dự định năm 2020 sẽ mở thêm 3 trung tâm để chiêu sinh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội. Ngoài ra, sẽ xúc tiến để đưa học sinh, lao động Việt Nam sang Hàn Quốc, UAE hay Australia.

Tuy vậy, dịch Covid-19 ập đến khiến mọi kế hoạch phải gác lại. Các đường bay quốc tế bị tạm dừng và tương lai sẽ còn mất thêm thời gian để dịch qua đi. Anh Tài chia sẻ dù trong tay có vốn, có nhân lực, nhưng thời cơ chưa đến đành phải gác lại kế hoạch. Từ nay đến giữa năm sau, công ty của anh chọn cách duy trì để chờ phục hồi.

Không chỉ riêng doanh nghiệp của anh Tài, hàng chục nghìn doanh nghiệp khắp cả nước cũng đang tìm cách cầm cự, duy trì để vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Ở tầm vĩ mô, một kế hoạch kinh tế đặc biệt cũng đang được xây dựng trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh định hướng xây dựng kế hoạch 5 năm tới sẽ chia làm 2 giai đoạn, 2 năm đầu (2021-2022) sẽ là phục hồi kinh tế, còn 3 năm sau (2023-2025) là giai đoạn tăng tốc. Đây có thể nói là kế hoạch 5 năm chưa từng có từ trước đến nay.

Cách đây gần một thế kỷ, cuộc đại khủng hoảng 1929-1933 khởi đầu từ Mỹ và lan ra toàn thế gới, gây đợt suy thoái dài nhất, sâu nhất và lan rộng nhất trong thế kỷ XX. Các nhà sử học đã dùng từ “đại khủng hoảng”, bởi đây là cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất và kéo dài nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Khi đó, 13 triệu người thất nghiệp, GDP toàn cầu giảm 15%, thương mại quốc tế giảm 50%. Khoảng 11.000 ngân hàng đã phá sản, chỉ số công nghiệp Dow Jones (Mỹ) giảm 89% và mất 25 năm để phục hồi.

Tuy vậy, hậu quả của cuộc khủng hoảng gần 100 năm trước đang được đánh giá là thấp hơn so với cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra hiện tại. IMF dự báo dịch Covid-19 sẽ “thổi bay” 12.000 tỷ USD của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn 2020-2021.

Kinh tế của 19 nước trong khu vực sử dụng đồng euro suy thoái 12,1% trong quý II, mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Kinh tế Mỹ cũng suy giảm kỷ lục trong quý II ở mức -32,9%, sâu nhất từ trước đến nay.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế sụt giảm 5,2% trong năm nay, mức giảm nhiều nhất trong vòng 80 năm. Ngoài ra, quy mô của đợt suy thoái này ở mức tồi tệ nhất trong 150 năm qua (kể từ năm 1870). Tổ chức Oxfam dự báo dịch Covid-19 có thể đẩy 1,2 tỷ người trên thế giới vào nghèo khổ cùng cực.

Trong cuộc họp Tiểu ban văn kiện kinh tế - xã hội Đại hội Đảng XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng y tế dẫn đến khủng hoảng kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Hậu quả còn lớn hơn hậu quả của cuộc đại khủng hoảng 1929-1933 mà chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Việt Nam cũng gánh chịu những hậu quả rất nặng nề khi là nền kinh tế có độ mở lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi tổng sản phẩm trong nước. Tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm nay của Việt Nam dù thuộc nhóm cao của thế giới, chỉ đạt 1,81%. Đây là con số thấp nhất từ khi tiến hành đổi mới năm 1986 đến nay.

Với sự thay đổi quá lớn này, nhiều ý kiến của tiểu ban văn kiện cho rằng cần có sự đánh giá lại kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, chiến lược 10 năm 2011-2020, từ đó thiết lập một kế hoạch đặc biệt cho 5 năm tới 2021-2025 và cả chiến lược 10 năm 2021-2030.

ke hoach kinh te dac biet 5 nam anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý việc thiết lập một kế hoạch đặc biệt như thế.

“Dự thảo từng được xây dựng khi chưa có Covid-19, nên phải có chiến lược, định hướng đúng đắn, phù hợp trước mắt và lâu dài để thực hiện trạng thái bình thường mới, sống chung với dịch bệnh”, ông nói.

Theo đó, Thủ tướng ủng hộ trong báo cáo thực hiện kết quả kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 sẽ đánh giá theo 2 giai đoạn. Giai đoạn một từ 2016 đến 2019. Giai đoạn 2 chỉ đánh giá riêng năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Còn phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới cũng chia làm 2 giai đoạn. Với 2 năm đầu 2021-2022 tập trung vào phục hồi kinh tế, 3 năm sau là giai đoạn tăng tốc.

PGS TS Bùi Tất Thắng, Chánh văn phòng Tổ biên tập Tiểu ban văn kiện kinh tế - xã hội Đại hội Đảng XIII, đánh giá đây là một kế hoạch 5 đặc biệt chưa từng có trong lịch sử. Ông nhấn mạnh với những vấn đề đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử thì việc đưa ra những hành động đặc biệt là điều cần thiết.

Vị này cũng cho rằng việc thiết lập một kế hoạch đặc biệt sắp tới, cập nhật những ảnh hưởng của dịch Covid-19 là rất đúng đắn, thể hiện sự chủ động, nhạy bén. Ông đồng ý với ý kiến của nhiều thành viên Tiểu ban văn kiện kinh tế - xã hội là việc cập nhật như trên sẽ tránh được tình trạng trước kia là ngay sau đại hội phải điều chỉnh một loạt các chỉ tiêu. Đây cũng là định hướng để đảng bộ cấp tỉnh cập nhật vào văn kiện, thảo luận và đóng góp ý kiến cho Đại hội XIII.

U, V, W, L là một số ký tự mà các nhà kinh tế hay dùng để hình tượng hóa các mô hình suy thoái và phục hồi kinh tế. Mô hình chữ U nghĩa là kinh tế sẽ xuống đáy rất lâu trước khi phục hồi. Ngược lại, chữ V để chỉ mô hình kinh tế xuống nhanh nhưng cũng phục hồi rất nhanh. Còn chữ W nghĩa là kinh tế đi lên, sau đó suy thoái trở lại rồi mới phục hồi hoàn toàn. Còn chữ L nghĩa là kinh tế đi xuống nhanh và mất rất lâu, thậm chí là không thể phục hồi như cũ được.

Ngoài những ký tự này, một số nhà kinh tế còn dùng chữ K để chỉ một mô hình phục hồi kinh tế đặc biệt. Nghĩa là khi kinh tế khủng hoảng, một số ngành đi xuống rất nhanh, nhưng cũng có một số ngành tăng trưởng mạnh mẽ. Triển vọng phục hồi là không đồng đều trong nền kinh tế.

Từ khi dịch Covid-19 lan ra và ảnh hưởng ở nhiều khu vực trên thế giới, chủ đề kinh tế sẽ phục hồi ra sao nhận được sự quan tâm, thậm chí là tranh luận giữa các nhà kinh tế.

Reuters làm một cuộc điều tra với 45 nhà kinh tế vào giữa tháng 4, gần một nửa tin là kinh tế sẽ hồi phục hình chữ U, trong khi 10 nhà kinh tế tin là hình chữ V và chỉ có 5 người tin là chữ W.

Tuy vậy, phần đông chuyên gia đều chung nhận định kinh tế muốn phục hồi phải phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh. Kể cả khi có vaccine, nhưng quá trình phân phối, sản xuất chậm cũng sẽ là trở ngại lớn cho quá trình phục hồi kinh tế.

Ở trong nước, cũng có nhiều ý kiến bàn luận về mô hình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Đa phần đều đánh giá Việt Nam còn nhiều dư địa và sẽ phục hồi rất nhanh sau dịch. IMF dự báo Việt Nam tăng mạnh trở lại tới 7% trong năm 2021. ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2021 với 6,8%.

Hồi tháng 5, Thủ tướng chủ trì một hội nghị đối thoại với doanh nghiệp và ông nhấn mạnh kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ V. “Kinh tế sau dịch phải là hình chữ V, chứ không phải chữ U, càng không phải chữ W", Thủ tướng khẳng định.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, 2 năm đầu 2021-2022 sẽ đặt mục tiêu chính là phục hồi kinh tế. Phân tích điều này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương cho rằng khi đặt mục tiêu chính là phục hồi, thì các chỉ tiêu sẽ được tính toán kỹ để không “quá sức” của nền kinh tế.

Ông cho biết Bộ KHĐT đang tiến hành xây dựng dự thảo mục tiêu cho năm 2021. Chính phủ sẽ tập trung mọi nỗ lực, mọi giải pháp, tận dụng mọi tiềm năng lợi thế để phục hồi kinh tế. “Câu đầu tiên chúng tôi đề xuất trong dự thảo là phục hồi”, ông nói.

Hiện, Bộ đề xuất mục tiêu tăng trưởng 6,7% vào năm 2021. Con số này là hợp lý, không quá thấp để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển trong dài hạn. Cao quá thì sẽ “quá sức” với nền kinh tế.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng cần sớm có một chương trình riêng cho giai đoạn 2 năm 2021-2022, trong đó thực hiện một số chính sách giúp doanh nghiệp phục hồi, tái cơ cấu nền kinh tế.

Thứ nhất, ông cho rằng cần đưa ra một số mục tiêu lớn trong chính sách vĩ mô, điển hình là chính sách lạm phát mục tiêu. Khi đó, Chính phủ chấp nhận một mức lạm phát nào đó để tạo dư địa cho chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Thứ hai, TS Trần Du Lịch đề xuất có thể nới trần nợ công, để tăng đầu tư công, kích thích tăng trưởng trong bối cảnh nguồn thu ngân sách hạn chế.

Thứ ba, ông cho rằng phải có một chính sách giữ ổn định đồng tiền, giữ tỷ giá linh hoạt và chủ động, tạo niềm tin trên thị trường.

Trong bối cảnh này cũng phải khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tái cơ cấu, đi vào kinh tế số. Ông Lịch cũng nhấn mạnh trong lúc này cần phải tiếp tục nhấn mạnh “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch. Khi đó, cần đẩy mạnh hơn nữa cỗ xe “tam mã”: Xuất khẩu, đầu tư công, tiêu dùng nội địa để phục hồi kinh tế.

“Giai đoạn này không đặt vấn đề tăng tốc mà là phục hồi, giúp doanh nghiệp tái cơ cấu. Tạo thế để 3 năm sau tăng tốc”, ông chia sẻ.

Tháng 7, ngành cá ngừ Việt Nam đón một kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”. Đó là xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ tươi, sống và đông lạnh sang EU tăng 2.607% so với cùng kỳ. Con số kỷ lục này khiến nhiều người bất ngờ và vui mừng. Không chỉ riêng cá ngừ, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng đón tin vui.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ cũng tăng 54,4%, sang Nhật tăng 18,3%. Xuất khẩu hạt tiêu đen xay sang hầu hết thị trường đều ghi nhận mức tăng trưởng cao 2-3 con số, như Mỹ, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Đức tăng 353,8%.

Sự tăng trưởng xuất khẩu 3-4 con số của các mặt hàng nông sản là con số mơ ước với bất kỳ ngành kinh tế nào. Ngành này đang được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký như CPTPP và EVFTA. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng để có sự tăng tốc của ngày hôm nay thì không phải kết quả của chuyện một sớm một chiều.

Việt Nam đã mất 8 năm để đàm phán CPTPP, 10 năm để đàm phán EVFTA. Các doanh nghiệp Việt cũng mất nhiều năm để học hỏi, đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe để hàng hóa có thể xuất đi các thị trường khó tính.

PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng từ bài học của ngành nông nghiệp có thể suy rộng ra, kinh tế Việt Nam muốn tăng tốc vào giai đoạn 2023-2025 và xa hơn nữa thì phải có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng ngay hôm nay.

“Giống như trong môn điền kinh, xuất phát không tốt thì khó tăng tốc về đích”, ông nói.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng ngay từ bây giờ, Chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp tái cơ cấu, chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất. Qua đó, có thể tận dụng hết những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.

Ông Tuấn nhấn mạnh giai đoạn 5 năm tới, Việt Nam không còn cách nào khác là phải quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, dựa vào hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Chỉ có áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thì mới có thể đi nhanh và đi xa.

Tuy vậy, khoa học, công nghệ hay đổi mới sáng tạo không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải có sự chuẩn bị, bắt đầu. Bắt đầu càng sớm thì Việt Nam có thể tăng tốc càng nhanh. Điều này cũng giúp tận dụng được thời kỳ dân số vàng và các cơ hội mở ra sau khủng hoảng Covid-19.

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi trật tự, cách thức tổ chức, phương thức quản trị và quản lý trên toàn cầu. Có thể sẽ thay đổi về tổ chức đời sống, xã hội, sản xuất và kinh tế. Và Việt Nam phải có giải pháp để hóa giải các nguy cơ, thách thức, đồng thời đổi mới tư duy về cách quản trị quốc gia.

Ông nhấn mạnh đến thời cơ sau dịch. Khi đó sẽ có sự tổ chức lại các hoạt động kinh tế, trong đó có các mô hình kinh tế mới. Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng các mô hình kinh tế mới để tận dụng thời cơ mới, phục hồi nền kinh tế, tăng tốc trong 5 năm tới.

Đó là việc hình thành các năng lực mới của quốc gia, đi cùng với xác lập lại và nhấn mạnh vào tính độc lập, tự chủ của một nền kinh tế gần 100 triệu dân, khẳng định vai trò của các doanh nghiệp dân tộc, có sức cạnh tranh cao.

Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến từ “thích ứng” để nói về kế hoạch 5 năm tới. Ông cho rằng để đưa đất nước tiến lên, Việt Nam cần thích ứng, thay đổi cách quản lý, vượt qua những khó khăn. Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng kêu gọi cần có tinh thần lạc quan đưa đất nước tiến bước trong thời gian tới.

“Dân tộc không lạc quan, con người không lạc quan, dân tộc ấy, con người ấy khó phát triển. Tinh thần lạc quan của dân tộc và con người Việt Nam, khát vọng phát triển của dân tộc ra là điều kiện rất quý báu để chúng ta vượt qua thách thức, khó khăn”, Thủ tướng nói.

Trở lại công ty tư vấn du học của anh Nguyễn Văn Tài. Đợt dịch vừa qua, rất nhiều thực tập sinh, y tá, điều dưỡng từng được công ty anh Tài giới thiệu sang Nhật làm việc đã đóng góp không nhỏ trong cuộc khủng hoảng y tế vừa qua ở đất nước mặt trời mọc.

Sau dịch bệnh, không chỉ riêng Nhật Bản, sẽ rất nhiều quốc gia quan tâm đến lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe người dân hơn. Anh Tài cho rằng đó là cơ hội lớn cho lao động y khoa trình độ cao ở Việt Nam, cơ hội cho những doanh nghiệp tư vấn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Và anh bắt tay viết lại kế hoạch đặc biệt cho công ty của mình trong những năm tới.

ke hoach kinh te dac biet 5 nam anh 2

Hiếu Công

Ảnh: Hoàng Hà, Quỳnh Danh
Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm